, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 03/08/2022, 16:06

Tìm lại thời huy hoàng của gốm mộc Phổ Khánh

TIÊU DAO
(baodantoc.vn)
Hơn chục năm trở về trước, nhiều lò gốm mộc ở Phổ Khánh đã chẳng còn đỏ lửa, dẫu đã qua cái thời hưng thịnh, nhưng nghề cũ vẫn níu tay người. Gần 10 hộ làm gốm bây giờ vẫn giữ được nghề, họ đã và đang nỗ lực tìm lại thời huy hoàng của gốm mộc Phổ Khánh.
Trước những đơn hàng lớn, nhiều máy móc cũng được vận dụng để sản xuất.

Gốm gọi người về

Dùng mảnh tre chuốt phẳng mặt gốm chưa nung, anh Lê Phương Nam - thợ gốm trẻ tuổi, cũng là chủ một cơ sở gốm đang ăn nên làm ra ở xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) nở nụ cười nhọc nhằn nhưng viên mãn. Nam bảo “Gốm gọi tôi về!”. Chỉ thế thôi, cũng đủ thấy sức hút của gốm với anh thợ trẻ tuổi này nhiều đến nhường nào.

Trong tí tách lửa lò nung, chủ nhân của lò gốm là anh Lê Phương Nam mới chưa đầy 30 tuổi đau đáu với những ngày như thế của làng gốm. Nam vốn học chuyên ngành công nghệ thông tin, từng có một công việc ổn định ở TP.HCM với mức lương kha khá, có thể sống ổn định ở  phố thị. Nhưng cách đây 5 năm, anh rời đô thị lớn nhất nước, về quê "cắm đầu" vào lò gốm của cha mình. Như cái cách anh kể, khi gốm gọi anh về, anh chỉ có hai bàn tay và tình yêu với gốm. Nơi này, cha anh và người làng đã một đời với gốm, cùng ăn ngủ với đất, cùng tha thiết với khuôn đúc, cùng chuếnh choáng với bàn xoay. Anh về, với tâm thế muốn khôi phục lại làng gốm xưa.

Xuất thân từ đất gốm, chẳng khó khăn gì để anh làm lại từ đầu. Gốm, như chảy trong máu thịt, như bản năng của người nên nghề gốm xoay vần với anh ngày lại ngày. Từ anh chàng trắng trẻo làm việc văn phòng, anh trần mình với gốm, lúc nào cũng chân lấm, tay bùn. Khâu nào khó nhất trong quy trình làm gốm là anh đảm nhiệm. Và tất nhiên, lò gốm của anh cũng quy tụ những người làm gốm có nghề trong làng.

Anh Lê Phương Nam là thợ gốm trẻ tuổi, cũng là chủ một cơ sở gốm đang ăn nên làm ra ở xã Phổ Khánh.

Ngày anh về, với quyết tâm mở lại lò gốm, quyết tâm khôi phục lại tiếng tăm gốm Phổ Khánh một thời, nhiều người đã không tin. Bởi ở đất gốm này, nhiều người đã thử, đã tìm nhiều cách, đã gặp nhiều thất bại. Những người lớn tuổi, những người thạo nghề, những người sống cả đời với gốm khi nghe anh trình bày đã thêm một lần gửi niềm tin vào chàng trai trẻ. Kiến thức chuyên ngành công nghệ thông tin chẳng liên quan gì đến trộn đất, nặn gốm, vào lò, nung gốm, nhưng Nam lại biến nó thành công cụ hữu ích để mang lại danh tiếng cho gốm mộc Phổ Khánh.

“Công nghệ giúp gốm Phổ Khánh tìm được nhiều bạn hàng, tạo đầu ra cho gốm; giúp gốm ở nơi này được nhiều người biết đến hơn và cũng quảng bá được văn hóa gốm của địa phương”, Nam hào hứng chia sẻ như thế.

Và mấy năm nay, gốm mộc Phổ Khánh đã bắt đầu được tiêu thụ rộng rãi hơn.

Người còn, nghề không mất

Bên Quốc lộ 1 ngang qua thị xã Đức Phổ, nhiều người sẽ thấy phía trước là cửa hàng trưng bày sản phẩm, còn phía sau là nơi sản xuất gốm. Gốm vẫn ra lò và chuyển đi nhiều tỉnh, thành tiêu thụ.

Từ gần 300 cơ sở làm gốm thời hưng thịnh, 2 làng gốm Trung Sơn và Vĩnh An của xã Phổ Khánh chỉ còn gần chục hộ làm nghề. Nhưng, đó là những hộ sản xuất bền vững, với đầu ra ổn định. Những lò gốm như lò của anh Nam, hay lò của anh Nguyễn Tấn Hợp... là những lò gốm lớn nhất xứ này, với hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày.

Gốm Phổ Khánh mang đậm chất văn hóa Sa Huỳnh, cái nôi của gốm cổ hàng ngàn năm.

Lò nung đỏ lửa trở lại, những người thợ làm gốm có tay nghề cao cũng lục tục trở lại nghề. Những thợ gốm có thâm niên vài chục năm như ông Huỳnh Văn Út, bà Lê Thị Chương, bà Nguyễn Thị Nin, bà Nguyễn Thị Quang... cùng hàng chục người khác. Chưa kể, số lượng người trẻ hướng về nghề gốm cũng ngày một đông thêm. Cùng với đó, đời sống người dân cũng ngày một khá hơn, nhiều người bắt đầu quay về với những mỹ vị dân gian.

Thị trường gốm mộc bắt đầu quay trở lại với những đơn đặt hàng từ những nhà hàng cơm niêu, những khu resort mang phong cách đồng quê, những quán ăn mang âm hưởng dân gian với những loại thực phẩm được chế biến trong những sản phẩm gốm như nồi đất, niêu cá, ấm trà, ấm sắc thuốc, khuôn đúc bánh xèo... và những sản phẩm thủ công lại càng được nhiều người ưa chuộng hơn. Và gốm Phổ Khánh bắt đầu nhiều đơn đặt hàng hơn trước. Nhiều lao động trong lò gốm chỉ ước có được nhiều việc làm, mong gốm bán được nhiều hơn, và nhiều người biết tới gốm mộc Phổ Khánh hơn.

Bà Nguyễn Thị Quang, người hơn 30 năm làm gốm bộc bạch, để làm gốm mộc tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự cũng lắm công phu. Trước hết, phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. Mỗi công đoạn đều phải đúng kỹ thuật, nguyên liệu đất sét phải biết pha trộn 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu tỉ mẩn mới tạo ra sản phẩm đẹp và bền. Muốn có sản phẩm đẹp phải chuốt cho thật đều. Mỗi ngày bà nặn khoảng vài trăm cái trả, thu nhập vài trăm nghìn đồng. Với người dân quê, đây là mức thu nhập cao. Nhưng ở cái lò gốm này không phải ai cũng giỏi và thạo nghề như bà Quang cả. Có nhiều người chỉ thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày, nhưng nghề gốm vốn như ăn vào máu thịt, hằng ngày họ vẫn tới đây để làm.

Lửa lò nung đã đỏ trở lại, giúp gốm Phổ Khánh có chỗ đứng hơn trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phổ Khánh cho rằng, tỉnh công nhận là làng gốm truyền thống nhưng làng gốm Phổ Khánh chưa có thương hiệu. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm để gốm Phổ Khánh có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để làng gốm có cơ hội hồi sinh trở lại. Đến nay, gốm Phổ Khánh đã có thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. “Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này, Ủy ban nhân dân xã Phổ Khánh đã đăng ký đây là sản phẩm OCOP. Chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích người dân duy trì sản xuất thủ công đồng thời với sản xuất bằng máy để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa gìn giữ nghiệp tổ”, bà Hiền cho biết.

Sản phẩm gốm Phổ Khánh được sản xuất ngày càng nhiều.

Gốm Phổ Khánh bây giờ đã xuất bán các tỉnh bạn như Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị...xa hơn là vào các tỉnh phía Nam hay ngược ra các tỉnh phía Bắc. Làng nghề tưởng tàn lụi dưới cơn lốc thị trường, giờ đã đỏ lửa trở lại và tìm về thời hưng thịnh thuở xưa. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất