, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/02/2023, 19:00

Tìm lời giải cho bài toán “vật liệu thay thế cát”

HOÀNG SƠN
Theo các chuyên gia, trước tình trạng khan hiếm, cần khẩn trương áp dụng vật liệu thay thế cho cát. Điều này giúp ĐBSCL vừa phát triển được hạ tầng, vừa tránh được các hiểm họa do khai thác cát quá mức.
Việc khai thác cát quá mức những năm gần đây đang khiến vùng ĐBSCL bị sụt lún, sạt lở và biến đổi hệ sinh thái.

Dùng cát nghiền thay thế cát sông

Theo khảo sát do WWF vừa thực hiện cho thấy, nhu cầu cốt liệu ở Việt Nam ước tính vào khoảng 4 tấn/người, tương đương 400 triệu tấn/năm trên toàn quốc, trong đó 100 triệu tấn/năm được sử dụng ở khu vực ĐBSCL và TP.HCM với dân số khoảng 27 triệu người.

Cát có thể ở mức 30 triệu tấn/ năm trong tổng nhu cầu cốt liệu. Từ số liệu trên có thể cho thấy rằng, nhu cầu cát đã vượt xa nguồn cung từ sông. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào cát sông thì việc phát triển hạ tầng sẽ không đảm bảo. Lời giải cho bài toán này chính là vật liệu thay thế. Các công trình hạ tầng giao thông ở ĐBSCL cần hướng đến các vật liệu thay thế như: cát nghiền, cốt liệu tái chế, dùng vật liệu cấp thấp để san lấp.

“Các phương án thay thế có thể giải quyết tình trạng khan hiếm cát; đồng thời thu được lợi nhuận từ các sản phẩm phụ hoặc nguyên liệu phế thải, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn”, đại diện WWF chia sẻ.

Theo WWF, một ví dụ nổi bật về việc chuyển từ cát tự nhiên sang cát nghiền là ở Hyderabad, thành phố thủ phủ của bang Telangana, trung tâm công nghệ của Ấn Độ, nơi tốc độ phát triển nhanh chóng tạo áp lực lớn lên sự phát triển kết cấu hạ tầng khu vực.

Thành phố từ lâu đã gặp nhiều khó khăn về nguồn cung cát sông, nhưng các chính sách của chính phủ đã cấm sử dụng cát sông vì tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và tác hại của việc nạo vét và khai thác đá bừa bãi ở lòng sông trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường.

Hiện đang có sự chuyển đổi nhanh chóng từ cát tự nhiên sang cát nghiền, đem đến lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Tại các thị trường giá cao, các đơn vị khai thác mỏ đá cứng đã phản ứng bằng cách đầu tư vào máy nghiền cát để sản xuất cát nghiền. Do đó, hiện nay không còn tình trạng thiếu hụt và giá cát tính cả vận chuyển ở Mumbai đã ổn định ở mức 9,50 đô-la Mỹ/tấn. Các quốc gia khác (như Trung Quốc và Malaysia) cũng có các bài học kinh nghiệm tốt tương tự. Trên thực tế, việc chuyển đổi từ cát tự nhiên sang cát nghiền đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Ông Hoàng Việt cho rằng, khu vực ĐBSCL đang thiếu cát để san lấp. Trong khi đó, những năm tới, khu vực này sẽ phải xây dựng rất nhiều đường cao tốc. Nếu làm theo cách truyền thống là đào đường rồi bồi đắp bằng cát hoặc bùn cát thì sẽ cần một lượng cát rất lớn. Ngoài ra, việc xây dựng này có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt là dòng lũ từ thượng nguồn về. Bởi, mùa lũ ở ĐBSCL nước sẽ chảy tràn chứ không chảy theo các nhánh sông. Nếu làm một con đường cao lên, nó sẽ chia cắt cánh đồng lũ. Đây là một vấn đề khó khăn và được nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm.

“Vấn đề cấp bách là phải tìm vật liệu thay thế cát. Không thể cứ trông chờ vào cát vì lượng cát ở ĐBSCL đã suy giảm rất nhiều rồi. Nếu tiếp tục khai thác không kiểm soát sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. Ngoài ra, với cao tốc, chúng tôi đã có khuyến nghị cơ quan chức năng có thể nghiên cứu làm dạng cao tốc trên cao cho ĐBSCL. Mặc dù giải pháp này tốn chi phí nhưng các đường cao tốc trên cao sẽ không chia cắt cánh đồng lũ”, ông Hoàng Việt chia sẻ.

ĐBSCL cần nghĩ đến các vật liệu thay thế cát trong bối cảnh nguồn cát đang dần cạn kiệt.

Nhiều vật liệu có thể thay thế cát

Ông Lương Văn Hùng - Chuyên viên chính Vụ Vật liệu xây dựng – Ủy viên Tổ điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Xây dựng cho biết, theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thì nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu mét khối. Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu cát xây dựng. Do đó, đã xảy ra tình trạng thiếu cát xây dựng tại một số thời điểm và một số nơi trong thời gian vừa qua.

Ông nhận định: “Nhu cầu cát, sỏi phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng của nước ta hiện nay rất lớn. Đây là loại khoáng sản dễ khai thác và không cần đầu tư nhiều nên hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi trên sông diễn ra phức tạp và ngày càng tăng trên trên cả nước. Thiếu cát cho các công trình xây dựng, dẫn đến giá cát tăng cao, các đối tượng tăng cường khai thác cát trái phép”.

Về giải pháp cho vật liệu thay thế cát tự nhiên, ông Lương Văn Hùng cho hay, Việt Nam có nguồn tài nguyên đá xây dựng với trữ lượng lớn hàng vài chục tỷ mét khối. Đồng thời, nguồn tài nguyên cát, sỏi sạn trên biển hàng trăm tỷ mét khối hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu thay thế nguồn cát, sỏi lòng sông.

Ông cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại hầu hết các địa phương có nguồn đá tự nhiên đã đầu tư các dây chuyền sản xuất cát nghiền thuộc loại tiên tiến, mức độ cơ giới hoá, tự động hoá cao. “Năng lực sản xuất cát nghiền hiện nay ở nước ta cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng, khối lượng và mức độ sử dụng tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Sản phẩm cát nghiền hiện nay được ứng dụng rất đa dạng và phong phú. Tùy theo mục đích, cát nghiền có thể được sử dụng thay thế 100% cát tự nhiên hoặc thay thế một phần cát tự nhiên”, ông Lương Văn Hùng nói.

Ông Lương Văn Hùng cũng cho biết, cùng với giải pháp cát nghiền, cách đây hai năm, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó có chỉ đạo việc tăng cường quản lý khai thác cát tự nhiên và sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương.

Một trong những giải pháp Bộ Xây dựng đã đưa ra là nghiên cứu sử dụng chất thải của ngành công nghiệp như: tro, xỉ, phế thải xây dựng, chất thải của công nghiệp khai khoáng… làm vật liệu xây dựng, góp phần thay thế nguồn cát tự nhiên, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

Ông Lương Văn Hùng thông tin: “Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao dùng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng theo nhiệm vụ đặt ra tại Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn và Chỉ dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đã được ban hành”.

Có thể sản xuất 100.000 – 500.000m3 cát nghiền mỗi năm

Theo Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ở các địa phương trong cả nước có nguồn đá tự nhiên đã đầu tư các dây chuyền sản xuất cát nghiền. Các dây chuyền sản xuất cát nghiền được đầu tư công nghệ thiết bị sản xuất thuộc loại tiên tiến, mức độ cơ giới hoá, tự động hoá cao, quy mô công suất khoảng 100.000 – 500.000m3/năm.

Năng lực sản xuất cát nghiền hiện nay ở nước ta cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng, khối lượng và mức độ sử dụng tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Sản phẩm cát nghiền hiện nay thường được ứng dụng rất đa dạng và phong phú. Cát nghiền được sử dụng để sản xuất vữa bê tông, vữa xây dựng, gạch bê tông, gạch lát vỉa hè, sân bãi… Tùy theo mục đích sử dụng, cát nghiền có thể được sử dụng thay thế 100% cát tự nhiên hoặc thay thế một phần cát tự nhiên.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất