, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 19/02/2024, 06:00

Tìm người con gái ngồi thêu trên núi

LÊ HÀ NAM
Đêm trên cao nguyên Đồng Văn, bên nồi lẩu gà đen nghi ngút khói, chúng tôi được ăn loại rau nhúng lẩu kỳ lạ: lá lanh. Nhân viên quán giới thiệu: “Lanh là một phần cuộc sống đồng bào vùng cao. Sợi lanh dệt nên những tấm thổ cẩm mỹ miều. Lá lanh làm món ngon như gỏi, nhúng lẩu...”. Đoàn khách phương Nam tròn mắt lắng nghe. Câu chuyện về cây lanh và vải lanh lại nối dài theo hành trình từ Việt Bắc sang Tây Bắc của chúng tôi.

1.

Trong dự tính trở lại Sa Pa của tôi lần này có ký ức về những người đàn bà ngồi thêu giữa trùng trùng núi biếc.

Ký ức đó lưu dấu từ chuyến đi Lào Cai năm 2008. Hồi ấy, từ trung tâm Sa Pa đi các bản xa hay xuống bản gần, bất cứ đâu tôi cũng gặp những người đàn bà ngồi khâu vá, thêu thùa bên đường.

Họ ngồi đó với đôi má hồng, ánh mắt thăm thẳm, vòng xuyến đầy tay, cổ, tai... Thi thoảng, có tiếng phụ kiện bạc chạm nhẹ khi họ đưa tay cầm kim lên cao, kéo cọng chỉ cho mũi thêu nằm yên trên mặt vải.

Những nhóm thiếu nữ thích ngồi trên đỉnh cao, đó cũng là nơi đón ánh bình minh ấm áp. Nhóm các bà các cô thích ngồi giữa đồng cỏ mênh mông. Họ rất tập trung vào việc của mình, thỉnh thoảng mới nói chuyện.

Đồng bào dân tộc Mông có câu hát “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Trai khỏe không giỏi làm nương cũng hèn”. Vải lanh là chất liệu may áo quần của người Việt từ bao giờ chẳng rõ, nhưng cô gái bản lớn lên sẽ đông người theo đuổi nếu biết trồng lanh dệt vải, tự thiết kế các mẫu hoa văn thổ cẩm. Ở bản Tả Phìn, tôi từng ngồi say mê ngắm một cô gái Dao đỏ 15 tuổi ngồi chăm chút mũi thêu. Cô gái nói đang thêu bộ váy cưới đẹp nhất đời người, dù cô chưa có người yêu. May và thêu một bộ váy áo cầu kỳ có thể mất tới vài năm, nên cô đã bắt tay may váy lúc 12 tuổi.

Thời điểm đó, tôi mang về Sài Gòn chiếc máy ảnh Canon chật đầy hình ảnh phụ nữ trẻ em chụp được bên đường… Thi thoảng mở ra, tôi lại được ngắm nụ cười móm mém của bà cụ ngồi đạp máy khâu con bướm trước mái hiên đầy nắng. Quanh bà là dây phơi vải lanh nhuộm chàm, nhuộm đen phấp phới. Từ các tấm vải màu tối ấy, bàn tay khéo léo của người phụ nữ sẽ thêu lên những sợi chỉ đỏ, hồng, xanh, tím... tạo nên các mẫu hoa văn truyền thống của đồng bào Mông, Dao đỏ, Dao chàm, Tày...

Vừa rồi, tôi trở lại Sa Pa sau 15 năm xa cách và không khỏi bất ngờ. Bản Tả Phìn và một số bản quanh Sa Pa bây giờ nhà cửa “bê tông hoá”, tuyệt nhiên ta không thể tìm thấy những người đàn bà ngồi khâu vá trên núi hay bên đường như năm xưa.

Người qua lại, di chuyển trên đường lộ bây giờ, rất khó nhận biết đâu là người Kinh tới làm ăn hay dân bản địa. Người trong bản đa số mặc áo thun, nếu một phụ nữ hay bé gái mặc áo váy hoạ tiết thổ cẩm, nhìn kỹ ta sẽ thấy ngay đó là chất liệu tổng hợp, vải pha nhiều nilon và in bằng kỹ thuật công nghiệp.

Ngay trung tâm Sa Pa, có những đứa trẻ cầm vài món đồ chèo kéo khách mua hàng vải sợi, nhưng tiếng còi roét roét của đội bảo vệ lập tức xuất hiện, xua lũ trẻ cùng lời cảnh báo: “Đừng mua! Hàng Trung Quốc đấy. Đồ handmade giờ phải vào tận bản mới có!”.

Tại chợ Sa Pa, tôi chọn chiếc khăn quàng thổ cẩm để chống lạnh. Khăn màu đỏ cotton mềm mại, hoa văn rất đẹp, giá chỉ 120 ngàn. Người bán nói thẳng rằng đó là khăn Trung Quốc, dệt bằng máy, thiết kế bằng kỹ thuật vi tính, đồng bào mình chưa làm được khăn với mẫu mã “xịn mịn” như vậy, và nếu muốn mua chiếc khăn handmade thật sự thì giá rất cao.

Nghe giải thích xong, đầu tôi nảy ra nỗi lo: “Vậy, đồng bào mình sẽ cạnh tranh với hàng thổ cẩm công nghiệp Trung Quốc bắt mắt và giá rẻ bằng cách nào?”.

Xuống bản du lịch Cát Cát, tôi thấy bản bây giờ người ta làm du lịch “sặc mùi công nghiệp”. Không còn mùi hôi chuồng trại vật nuôi thả rông như năm xưa tôi đi, khách vẫn được vào các căn nhà gỗ có cụ bà, cụ ông cặm cụi bên bàn máy khâu hay khung cửi, kế đó là dây phơi với những vuông vải nhuộm chàm. Thế nhưng các sản phẩm vải sợi trong dãy sạp bán đồ lưu niệm ở đường đi thì chủ yếu là thổ cẩm “công nghiệp” mà ai cũng biết là xuất xứ Trung Quốc.

Trong không gian ngập sắc màu kim cổ, tôi nhờ cô bé nhân viên người Mông của tiệm cho thuê trang phục tên Lyn (số 2 đường Cát Cát, Sa Pa) tìm giúp “bộ váy “real” của phụ nữ Mông”. Kết quả, tôi phải đặt tiền thế chân cao hơn các bộ đồ vải Trung Quốc trong tiệm, vì giá trị bộ “hàng real” này lên tới 3 triệu đồng.

“Đây đúng là vải người Mông làm”, cô bé khẳng định chắc nịch, nhưng thú nhận các chi tiết đi kèm là hàng Trung Quốc.

Cô gái giúp tôi khoác bộ đồ nặng trịch lên người, và tôi thật bất ngờ vì sự dễ chịu. Vải thổ cẩm của người đồng bào Tây Bắc có nguồn gốc từ sợi lanh, 100% cotton, nên rất thoáng mát, thấm hút mồ hôi. 4 tiếng sau đó, tôi mặc bộ đồ “real” trèo đèo lội suối trong điều kiện thời tiết hết từ nắng nóng chuyển sang mưa lạnh, và đã hiểu vì sao không chỉ người vùng cao yêu thích chất liệu sợi tự nhiên, mà khách nước ngoài cũng mê mẩn. Vải lanh vừa che chắn nắng tốt, vừa ấm áp khi trời trở lạnh. Thật sự đa đụng!

2.

Nghe tiếng chợ Tráng Kìm (thung lũng Tráng Kìm, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã lâu, nhưng phải đến khi xuống chợ, hòa vào dòng người bán bán mua mua giữa cao nguyên, chúng tôi mới thấy hết vẻ sinh động của chợ phiên miền núi.

Người đi chợ là đồng bào từ các bản làng xa xôi xuống đổi hàng, mua nhu yếu phẩm, sắm dụng cụ làm nông, đi rừng... Bên cạnh các sạp bán dao rừng, cuốc, búa, các dụng cụ nhà nông, hoa trái của rừng... chợ Tráng Kìm còn rực rỡ với vài chục sạp vải màu sắc sặc sỡ, có cả chỗ bán khung quay sợi.

Đây là dụng cụ trong một khâu làm ra vải lanh. Để có tấm vải may quần áo, xà cạp, khăn, mũ... người dân tộc ít người trồng cây lanh trong các thung lũng màu mỡ.

Lanh là thực vật thân cỏ, khi trồng khoảng 4 - 5 tháng và cây cao cỡ đầu người thì có thể thu hoạch. Người đồng bào chặt gốc, đem về tước lấy phần vỏ cây. Phần vỏ này là các sợi cellulose dạng dài, chạy dọc thân cây. Sau rất nhiều khâu đập, giã, luộc, nghiền, giặt... kỳ công, vất vả, người ta sẽ thu được loại sợi thô màu ngà.

Mớ sợi tơ này được đưa vào khung quay sợi để xe thành sợi dài đều đặn và thành cuộn trước khi tiếp tục xử lý cho thật mịn. Cuối cùng, sợi cũng được vào khung dệt để tạo nên tấm vải.

Trong quy trình dệt vải bằng khung gỗ kiểu cổ xưa, chất lượng mảnh vải phụ thuộc vào chất lượng sợi và kỹ năng lùa con thoi của thợ dệt. Tuy nhiên, số những người dệt lanh lão luyện của núi rừng nay không còn nhiều. Các công đoạn làm ra sợi lanh cũng quá vất vả, nên theo dòng chảy thời gian, người già lành nghề dần khuất bóng mà con cháu không muốn học nghề. Chúng thích vào các thành phố lớn làm công nhân và ăn mặc như người Kinh hơn.

Khi sản phẩm vải công nghiệp tràn khắp các hẻm núi với giá rẻ, giới trẻ ở bản chuyển sang mặc hàng công nghiệp. Một đứa bé 15, 16 tuổi ở bản hôm nay cầm smartphone và selfie với áo thun, quần jeans, thậm chí là bốt cao, váy ngắn như thanh thiếu niên Trung Quốc, Hàn Quốc. Vì sự hội tụ văn hóa, giao hòa phong cách ăn mặc các miền, vì tác động của mạng xã hội cùng nhiều lý do khác mà nghề dệt vải lanh thổ cẩm mai một dần, trang phục truyền thống hầu như chỉ còn xuất hiện trong dịp lễ hội.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, vải lanh thổ cẩm đã có cơ hội thức dậy khi các bản làng mở hướng phát triển du lịch cộng đồng. Đồng bào đem đãi khách những nét đẹp văn hóa, đời sống của mình, và trang phục độc đáo từ vải lanh thổ cẩm đã trở thành sản phẩm du lịch không thể thiếu.

“Thổ cẩm là nguồn thu quan trọng của bản em”, cô Hảng Thị Sú người có quán cà phê cho thuê trang phục bản địa ở bản Sìn Suối Hồ (xã Sìn Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) chia sẻ với chúng tôi.

Sau một thời gian làm hướng dẫn viên du lịch tại Sa Pa, Hảng Thị Sú rút ra nhận xét: “Du khách Việt tới với vùng cao thường mua sắm các đặc sản địa phương, còn du khách nước ngoài chuộng mua các mặt hàng thổ cẩm. Họ thích tham quan quy trình sản xuất vải như: quay sợi, dệt vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu tay… Sau đó họ sẽ mua các sản phẩm như túi xách, khăn quàng, túi đựng điện thoại, trang phục nam nữ… mang về”.

Hảng Thị Sú nói rằng, hàng thổ cẩm của bản đi khắp thế giới theo chân du khách. Ngoài ra còn có một lượng hàng lớn được bán online trên các trang mạng xã hội. Nhờ bán được hàng, phụ nữ trong bản có việc làm đều đặn, họ cũng có ý thức mặc trang phục tự dệt, giảm dần các loại áo công nghiệp.

Trai gái bản Sìn Suối Hồ hôm nay mặc thổ cẩm như một cách làm đẹp bản, tạo ra hình ảnh cộng đồng người Mông chưa bị cơn lốc “hiện đại hóa” làm phai nhạt truyền thống.

3.

Trên dốc Thẩm Mã của cung đường Hạnh Phúc (Hà Giang), chúng tôi cũng gặp vợ chồng anh Ly Mí Xá và chị Vừ Thị Hà.

Từ làng Vần Chải B, ngày ngày họ chở vải lanh thổ cẩm lên dốc Thẩm Mã (điểm dừng chân check-in nổi tiếng). Chiếc lán nho nhỏ treo và bày một số sản phẩm thổ cẩm mà như chủ quán giới thiệu: “Tuy mẫu mã chưa đẹp, nhưng đó là sản phẩm dân dã từ đôi tay người con gái Mông”.

Trải tấm vải lanh trắng ngà, chị Hà cặm cụi vẽ các hoạ tiết bằng sáp ong. Nhiều YouTuber, Facebooker, TikToker quay chụp, chị Hà trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Tận dụng thế mạnh bán hàng của mình, chị kết nối các phụ nữ trong làng bằng cách đặt hàng và trả công. Có hiệu quả kinh tế, nhiều lớp dạy nghề cho con em trong bản và liên bản, liên xã… được mở ra, gầy dựng niềm yêu thích may vá, thêu thùa, và tạo trend mặc trang phục thổ cẩm cho phụ nữ trong vùng. Trên trang Facebook cá nhân, anh Ly Mí Xá cũng tích cực quay clip, chụp ảnh, post nội dung quảng bá sản phẩm cho vợ.

Mùa đông này, chiếc quán nhỏ trên rẻo cao vừa nhận một thợ dệt mới. Đó là bé gái 14 tuổi vừa hết tuổi đứng cầm hoa cho du khách chụp hình lưu niệm. Em được chị Hà dạy dệt vải, dạy cắt may và dạy cách tiếp thị bán thổ cẩm, để có tiền phụ cha mẹ nuôi đàn em 9 đứa.

Một thế hệ mới đang hăm hở tiếp bước để dòng chảy thổ cẩm tiếp tục kể câu chuyện đẹp của mình.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất