, //, :: GTM+7

Tín dụng đen vẫn len lỏi trong dân

MINH HUY
Nhằm hạn chế tín dụng đen, ngành ngân hàng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa – khu vực dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ để phát triển các dịch vụ thanh toán và cho vay trực tuyến để người dân có thể tiếp cận vốn ngân hàng một cách thuận lợi nhất.
Trang web cho vay tiền trực tuyến không khó tìm trên mạng.Ảnh: B.T.T

Đưa dịch vụ ngân hàng hiện đại đến vùng sâu vùng xa

Theo NHNN, tính đến đầu tháng 11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020. Đặc biệt, tín dụng nông nghiệp, nông thôn - địa bàn dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen - đạt trên 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so với cuối năm 2020. Kết quả này là do ngành ngân hàng thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp để người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng hiện đại, từ đó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu cấp thiết cũng như làm ăn để sinh sống.

Là ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện Agribank đang triển khai cho người dân tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa được vay tiêu dùng khi có các nhu cầu cấp thiết như người nhà đau ốm, bệnh tật, cưới xin… có hạn mức tới 30 triệu đồng với phương thức thấu chi, phát hành thẻ tín dụng. Trước đây thủ tục mất khoảng 5 - 7 ngày, nhưng hiện nay hồ sơ đã rất đơn giản, chỉ cần chính quyền xác nhận về thu nhập, nhu cầu… thì sẽ được giải ngân trong vòng 1 ngày.

Để mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, Ngân hàng Chính sách xã hội hiện cũng đã nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ, không cần thế chấp và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để nâng cao chất lượng tín dụng, ngân hàng này cũng phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để kết nối vay vốn giữa người dân và ngân hàng…

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất. Hiện mặt bằng lãi suất vay đã giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch. Ông cho biết NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.

Dùng mạng xã hội chèo kéo vay tiền

Trong bối cảnh dịch Covid-19, tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập… khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Tuy nhiên, dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng do chưa đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng, một bộ phận người dân vẫn tìm đến vay tiền từ tín dụng đen.

Thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền. Việc xét duyệt cho vay khá dễ dãi như chỉ cần gửi bản chụp giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân…) cho bên cung cấp tín dụng; đồng ý cho bên cho vay được quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng trên điện thoại của người vay nếu vay qua các ứng dụng.

Hiện nay, có nhiều nhóm cho vay qua app với lãi suất rất cao, không chỉ vượt qua quy định (không được quá 20%) mà thậm chí còn áp dụng lãi suất “cắt cổ” lên đến 500 - 700%/năm. Khi đến hạn không trả, bên cho vay sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại để gọi điện quấy nhiễu bất kể ngày đêm, khủng bố tinh thần người vay cùng gia đình, bạn bè của người đó, mục đích gây sức ép để họ phải tác động buộc người vay phải trả tiền.

Theo Bộ Công an, hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng. Không ít dịch vụ đã thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Các đối tượng này hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi hè, nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền vay “nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân... Cùng với đó, các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính… xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Về việc này, lãnh đạo NHNN cũng nhìn nhận gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” khi hoạt động này vẫn còn len lỏi trong dân, cả nông thôn lẫn thành thị, nhất là tình trạng các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động. Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng phức tạp. Trong khi việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các app, website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi...

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN, để góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh việc tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, cần có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen; có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất