, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/03/2021, 16:03

Tín dụng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Để phát triển kinh tế xanh và bền vững, vai trò của hệ thống tài chính ngân hàng là không thể thiếu vì hệ thống này là một mắc xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế xanh và bền vững nói riêng.

Mô hình kinh tế tuần hoàn ở doanh nghiệp

Trong thời đại khủng hoảng rác thải hiện nay, việc các doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng rác thải ra môi trường. Một số ít doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng đã bắt đầu sử dụng nhựa tái chế làm bao bì, chấp nhận rủi ro và chấp nhận giảm lợi nhuận với kỳ vọng mở đường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất.

Đi tiên phong trong vấn đề này là Công ty TNHH La Vie, thành viên của Tập đoàn Nestlé, khi doanh nghiệp này thông báo ra mắt sản phẩm nước khoáng thiên nhiên La Vie 700ml sử dụng bao bì làm từ 50% nhựa tái chế - rPET. Đây là loại nhựa được tạo ra từ vỏ chai PET đã qua sử dụng với quy trình tái chế rất chặt chẽ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh khắt khe của ngành thực phẩm và đồ uống.

Có một thực tế là hiện nay, việc sản xuất ra chai nhựa mới rẻ hơn nhiều so với việc sản xuất chai từ nhựa tái chế. Chỉ khi nào việc thu gom, phân loại và tái chế vỏ chai PET đã qua sử dụng - nguyên liệu cho việc sản xuất rPET - trở nên phổ biến và hoàn thiện thì chi phí cho việc sản xuất rPET mới có thể giảm xuống. Vì thế, các doanh nghiệp đi tiên phong trong việc mở đường cho kinh tế tuần hoàn sẽ phải chấp nhận rất nhiều khó khăn trong buổi ban đầu.

Theo ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc của La Vie, hiện doanh nghiệp này phải nhập khẩu phôi chai nhựa rPET từ châu Âu với mức giá cao hơn từ 30% - 50% so với nhựa mới. Chênh lệch lớn như vậy cũng có nghĩa là chi phí sản xuất tăng lên, song ông Tazzi cho biết La Vie chấp nhận điều ấy. “Chúng tôi làm ra sản phẩm này không đơn thuần vì lợi nhuận mà vì tương lai và sự đúng đắn. Chúng tôi là công ty đi đầu, dám chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro”, ông Fausto Tazzi chia sẻ. Ông cũng hy vọng một ngày không xa La Vie sẽ không dừng lại ở mức bao bì sử dụng 50% nhựa tái chế như hiện nay mà sẽ là 100% nhựa tái chế.

Được biết La Vie cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ngưng sử dụng màng co nắp chai cho sản phẩm nước khoáng vào năm 2018 vì đây là phần bao bì nhựa khó thu gom, khó phân hủy, mặc dù kết quả thăm dò ý kiến khách hàng ban đầu khi ấy cho thấy nhiều người tiêu dùng không chấp nhận việc loại bỏ màng co này.

Với việc sử dụng chai đựng nước khoáng có bao bì làm từ nhựa tái chế, La Vie đã phát tín hiệu quan trọng cho thấy nhu cầu tiêu thụ bao bì từ nhựa tái chế là có thật và còn là nhu cầu không nhỏ. Tín hiệu này góp phần củng cố niềm tin, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất rPET vì cho đến nay, chưa có đơn vị nào trong nước sản xuất bao bì nhựa tái chế dùng cho thực phẩm, nhất là nước giải khát.

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), chi phí sản xuất chai nhựa tái chế hiện cao hơn so với nhựa mới trong khi giá bán không thể tăng, do đó, rất cần có chính sách khuyến khích đầu tư để thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn bắt tay vào lĩnh vực này.

Ông cũng cho rằng việc doanh nghiệp sử dụng chai nhựa tái chế là động thái giúp xã hội và doanh nghiệp thay đổi nhận thức trong việc thu gom, sử dụng và ứng dụng một cách phù hợp vật liệu tái chế.

Tín dụng xanh, động lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Tháng 8/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Việc phê duyệt này đã mở đường cho các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt tay xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình; một số NHTM cũng chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh.

Tín dụng cho năng lượng tái tạo luôn được NHNN khuyến khích. Đây cũng là một trong 12 lĩnh vực xanh được NHNN thực hiện theo dõi dư nợ tín dụng. Cho đến nay, Việt Nam có 31 TCTD có phát sinh dư nợ trên 285.000 tỷ đồng đối với các dự án xanh, tăng hơn 8% so với 2017, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, có 31 TCTD thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội là trên 1.184.000 tỷ đồng, với trên 491.000 khoản cấp tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội.

Trong lĩnh vực nhựa tái chế giá trị cao (nhựa tái chế dùng cho ngành thực phẩm) trong nước, vào tháng 07/2020, Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân cũng đã nhận khoản vay 60 triệu USD từ ngân hàng HSBC để xây dựng nhà máy tái chế chai nhựa đã qua sử dụng thành chai nhựa mới tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Nhà máy hiện đã hoàn thành và dự kiến đi vào sản xuất từ quý I/2021. Theo ông Lê Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân, những chai nhựa PET đã qua sử dụng được thu gom, phân loại kỹ càng trước khi đưa vào sản xuất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành ngân hàng đã mang đến những kết quả đáng khích lệ nêu trên. Không chỉ rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, hệ thống NHNN còn tăng cường năng lực cho các ngân hàng phát triển sản phẩm hỗ trợ tín dụng xanh; đặc biệt, NHNN đã bổ sung nội dung về tín dụng - ngân hàng xanh vào Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Một trong những ngân hàng hết sức tích cực trong lĩnh vực này là VietinBank. Tính đến nay, VietinBank đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo; chủ động định hướng ưu tiên các dự án phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; chú trọng cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng và phục vụ đồng bộ chuỗi giá trị ngành năng lượng từ năng lượng sơ cấp đến sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng…

Tính tới quý III/2020, VietinBank có dư nợ tín dụng xanh là 22.700 tỷ đồng cho gần 278 dự án, chủ yếu thuộc ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm 71% dư nợ tín dụng xanh). Ngoài ra, VietinBank cũng đã và đang tài trợ cho 400 dự án năng lượng tái tạo, nhiều dự án có quy mô và công suất lớn hơn 100 MW, gồm các nguồn năng lượng tái tạo đa dạng. Nhiều dự án điện đã tài trợ có hiệu quả như dự án điện mặt trời Trung Nam (Trà Vinh), Điện gió Hướng Tân (Hòa Bình), Thủy điện Thuận Hòa
(Hà Giang)...

Bình luận


user-avt

Trần Huy Hòa

11:10, 20/10/2021

Bài viết quá hay dòng vốn xanh đầu tư bảo vệ môi trường.

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất