, //, :: GTM+7

Tín hiệu vui cho ngành hàng cá tra

MINH HIỂN
(baoangiang.com.vn)
Với việc các thương nhân Trung Quốc đặt mua 500 container cá tra của Công ty Cổ phần Nam Việt một lần nữa cho thấy, thị trường Trung Quốc sau 3 năm đóng cửa (thực hiện chính sách “Zero COVID”) đã mở cửa trở lại và đặt hàng với số lượng lớn. Đây không chỉ là tín hiệu vui đối với ngành hàng cá tra mà còn là cơ hội cho nông sản Việt Nam trước một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng.

Những đơn hàng “khủng”

Đến thời điểm này, Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là thị trường lớn thứ 2 của sản phẩm cá tra Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Năm 2022, mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn còn xảy ra trên đất nước này nhưng thương nhân Trung Quốc đã nhập khẩu gần 300.000 tấn cá tra, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 700 triệu USD. Đặc điểm của thị trường này là mua hàng với số lượng “khủng”, mặt hàng đa dạng, giá cả tốt.

Ngoài cá phi-lê, thị trường này còn mua cá tra xẻ bướm, nguyên con (bỏ nội tạng), cắt khúc, các mặt hàng giá trị gia tăng cùng dầu cá, bột cá, da cá… Cụ thể, đối với cá tra phi-lê (không hóa chất), giá xuất vào thị trường này từ 3,5 - 3,6 USD/kg. Đây được xem là giá xuất khẩu tốt nhất, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay.

Ngoài sản phẩm cá tra, Trung Quốc còn nhập khẩu rất nhiều loại nông sản khác của nông dân, như: Thanh long, mít, xoài, nhãn, sầu riêng... 3 tháng qua, sầu riêng Việt Nam đang vào mùa nghịch, thương nhân Trung Quốc “mạnh tay” thu gom, làm cho giá sầu riêng ở các nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang tăng từ 100.000 đồng/kg lên 170.000 rồi 200.000 đồng/kg. Với giá bán cao như vậy, 1 công sầu riêng Monthong hoặc Ri 6, nông dân đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng.

“Trung Quốc là thị trường lớn, đầy tiềm năng. Đặc tính của thị trường này là mua hàng với số lượng lớn, thời gian giao hàng nhanh, phương thức thanh toán sòng phẳng. Điều kiện mua hàng như thế, chỉ có những doanh nghiệp (DN), tập đoàn có tiềm lực kinh tế mạnh, sản xuất hàng hóa chất lượng, có vùng nuôi lớn cùng với bề dày kinh nghiệm mới có thể nhận và đáp ứng các đơn hàng…” - bà Trần Thị Lệ Dung (thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam) chia sẻ.

Nhìn lại lịch sử phát triển thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, các DN Việt có hàng hóa xuất vào thị trường này (xuất chính ngạch) đa phần đều có năng lực, bởi một khi đáp ứng được đơn hàng của thương nhân Trung Quốc đặt, các DN Việt Nam có thể “lớn mạnh” ngay. Trở lại đơn hàng mà Trung Quốc đặt mua 500 container cá tra, tương đương 12.000 tấn thành phẩm của Công ty Cổ phần Nam Việt, với số lượng này, chỉ có những đơn vị có sẵn vùng nuôi lớn như Nam Việt (vùng nuôi cá tra công nghệ cao 600ha, sản lượng đạt 200.000 tấn cá nguyên liệu/năm), tiềm lực kinh tế mạnh, có kinh nghiệm và khả năng dự báo tốt mới có thể đáp ứng những đơn hàng lớn...

Cá nguyên liệu tăng

“Giá cá tra nguyên liệu tăng từ 28.000 lên 31.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi, bởi với giá này, chúng tôi cắt được thua lỗ. Tuần rồi, ông Doãn Tới (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt) dự báo, giá cá đến cuối tháng 3/2023 có thể đạt mức 33.000 đồng/kg. Đến cuối tháng 5/2023, giá có thể đạt 35.000 - 36.000 đồng/kg”- ông Nguyễn Văn Nam (ngư dân xã Long Giang, huyện Chợ Mới) phấn khởi.

Trung Quốc mua hàng với số lượng lớn đã làm cho thị trường cá tra nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL những ngày qua “nóng lên” từng giờ. Giá cá tra tại ao tăng mạnh nhưng nhà máy không mua được cá nguyên liệu để chế biến. Nhiều đơn vị thu mua cá tra tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ cho biết, giá cá tra hiện nay giống như “cổ phiếu”, tức là tăng, giảm bất thường. Các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hồng Kông, Liên minh Châu Âu (EU) và thị trường các quốc gia Châu Á… mở cửa nhập hàng mạnh thì ngay tức khắc, giá cá nguyên liệu tăng.

“Chúng tôi rất mong giá cá tra nguyên liệu tăng để “giải cứu” nông dân. 3 năm qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, giá cá tra diễn biến phức tạp theo. Giá cá ở mức 28.000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng, vì giá thành nuôi lên đến 30.000 - 31.000 đồng/kg (tùy vào điều kiện nuôi của mỗi người, mỗi DN). Giá cá tra tăng từ 28.000 đồng/kg lên 31.000 - 31.500 đồng/kg, nông dân đã giảm được nỗi lo” - ông Nam phân tích thêm.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, thời gian qua, sở dĩ giá thành nuôi cá tra của nông dân tăng cao là do giá thức ăn tăng mạnh. Ngay từ cuối năm 2019, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhà máy chế biến thức ăn (trong đó có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản của Công ty Cổ phần Nam Việt) phải mở kho nhập nguyên liệu với giá cao.

Thời điểm hiện tại, Nam Việt mua cám để chế biến thức ăn, giá mua lên đến 8.900 - 9.000 đồng/kg (giá về tới nhà máy), trong khi trước đó chỉ có 4.500 đồng/kg. Mì lát 7.300 - 7.400 đồng/kg; đậu nành 15.600 đồng/kg, trấu đốt tăng từ 800 đồng lên 1.600 đồng/kg. Như vậy, giá thức ăn tăng mạnh làm cho giá thành nuôi cá tra tăng lên 30.000 - 31.000 đồng/kg, nông dân nuôi cá phải bán cá với giá từ 32.000 - 33.000 đồng/kg thì mới có lợi nhuận.

Trung Quốc mở cửa nhập hàng cá tra với số lượng lớn đã làm nông dân phấn khởi. Từ động thái mua hàng của thương nhân Trung Quốc cho thấy, muốn làm ăn ở thị trường này, trước hết DN phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, có bề dày kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, dự báo thị trường, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh, số lượng lớn mới có thể thành công. Đối với ngư dân, để tránh rủi ro (như những năm qua), cần tổ chức liên kết với DN thông qua mô hình nuôi gia công, nhằm hạn chế rủi ro, nông dân không còn phải chạy lo đầu ra…

“Trung Quốc mở cửa nhập cá tra với số lượng lớn, đây là tin vui đầu năm của ngành hàng cá tra Việt Nam, bởi kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, xuất khẩu cá tra vào thị trường này gặp muôn vàn khó khăn. Nay thị trường này mở cửa trở lại, ngay tức khắc giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng mạnh từ 28.000 lên 31.000 đồng, rồi 31.500 đồng/kg. Dự báo đến cuối tháng 4/2023, giá cá nguyên liệu sẽ lập đỉnh trở lại từ 35.000 - 36.000 đồng/kg, như thời điểm tháng 10/2018…” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới nhận định.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất