, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 15/12/2020, 12:41

Tịnh Biên, nhà nhà người người góp công góp của xây cầu

BAN DUNG

Chúng tôi trở lại Tịnh Biên (An Giang) vào ngày nơi đây khánh thành hàng loạt các cây cầu mới. Bức tranh nông thôn ở một huyện biên giới nay nổi bật với những công trình cầu giao thông khang trang, vững chãi. Với tôi, điều làm cho bức tranh ấy trở nên hoàn mỹ chính là nụ cười của bà con nơi đây.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm bên cây cầu mới.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm bên cây cầu mới.

Niềm mong mỏi đi theo năm tháng

Sống ở đất Tịnh Biên ngót nghét năm chục năm, ông Hồ Văn Thui (xã Tân Lập) chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng đất này. Theo lời kể của ông Thui, ngày trước, nơi đây vốn rất hoang vu, nhìn đâu cũng thấy rừng rậm, sông nước. Người dân tứ xứ về chốn này khai khẩn ruộng đất để “mần ăn” thì cất nhà dọc theo bờ kênh. Hướng mắt về phía con kênh trước nhà, ông Thui vừa bấm đốt ngón tay vừa kể tên những hộ đầu tiên sống ở đây, tổng cộng có 7 hộ. “Hồi đó nào có đường sá gì, muốn đi đâu chỉ có duy nhất một cách là bơi xuồng mà thôi” - ông Thui nhớ lại.

Theo thời gian, hòa cùng với nhịp phát triển của cả nước, Tịnh Biên cũng không ngừng đổi mới. Giờ đây, trên mảnh đất mênh mông rừng tràm năm xưa đã có những khu dân cư đông đúc, nhiều tuyến đường mới được hình thành. Ông Thui cho biết, con đường ngang nhà ông được nhà nước mở cách đây hơn chục năm: “Ở miệt này mấy chục năm trời, cuối cùng cũng có được con đường để đi, mừng dữ lắm”.

Tuy nhiên, Tịnh Biên vẫn là một trong những huyện nghèo của tỉnh. Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh An Giang, Tịnh Biên có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia dài gần 20km. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm phần lớn, hơn 85%, đời sống người dân ở đây chủ yếu vẫn dựa vào hoạt động sản xuất thuần nông. Bên cạnh đó, đây còn là huyện có rất đông đồng bào tộc người Khmer sinh sống. Được biết đến nhiều bởi danh xưng Bảy Núi, song trên thực tế, Tịnh Biên có đến hơn 57% diện tích là đồng bằng ngập nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt, phân bổ rộng khắp.

Ông Lê Ngọc Tấn - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Tịnh Biên cho biết, toàn huyện có đến 143 tuyến kênh, tương đương 1.300km kênh nhưng chỉ có 61 cầu nông thôn. Đây đa số là những cây cầu tạm nhỏ hẹp, trọng tải thấp, chỉ có thể cho xe máy đi qua. Nhiều cầu đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Từ năm 2016 đến năm 2019, huyện Tịnh Biên đã dồn lực xây dựng được 15 cây cầu mới. Song đây chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu của địa phương. Số lượng cầu cần đầu tư thì nhiều, nguồn lực của huyện thì có hạn, do đó, mong mỏi về những cây cầu bắc qua kênh để bà con đi lại thuận tiện hơn vẫn cứ mãi là mong mỏi.

Những tấm lòng thơm thảo

Với kim chỉ nam là đồng hành cùng các địa phương vùng biên giới cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, ngay từ khi mở rộng địa bàn hoạt động sang địa phận tỉnh An Giang, Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt đã ghi tên Tịnh Biên vào danh sách những huyện cần được hỗ trợ. Sau khi vận động được doanh nghiệp, cuối tháng 5/2020, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng Ban tổ chức Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt và đại diện hai đơn vị tài trợ là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Cổ phần VNG về Tịnh Biên khảo sát, chọn địa điểm xây dựng cầu.

Trực tiếp đi đến các xã, nhìn thấy cảnh người dân qua lại trên những cây cầu gỗ nhỏ hẹp, các em học sinh đi phà để đến trường, các thành viên trong đoàn không khỏi chạnh lòng. Ngay tại đây, các nhà tài trợ đã đồng ý hỗ trợ huyện Tịnh biên 11 tỷ đồng (mỗi đơn vị 5,5 tỷ đồng) để xây mới 7 cây cầu; cải tạo, mở rộng, dịch chuyển từ những cây cầu cũ đến vị trí phù hợp và nâng cấp đường để khai thác sử dụng hiệu quả hạ tầng giao thông.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại diện các đơn vị tài trợ tham quan cây cầu mới trong ngày khánh thành.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại diện các đơn vị tài trợ tham quan cây cầu mới trong ngày khánh thành.

Sự hỗ trợ từ Chương trình như đã tiếp thêm động lực cho địa phương. Từ nguồn vốn “mồi” này, huyện Tịnh Biên đã tích cực huy động nhiều nguồn vốn khác nữa để xây dựng thêm một số công trình cầu. Cụ thể, huyện đã thống nhất xây mới 11 cây cầu, di dời 2 cây cầu sắt cũ đến vị trí phù hợp và cải tạo nâng cấp 6 đường dẫn vào cầu với tổng kinh phí xây dựng là 19,2 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt là 11 tỷ đồng, ngân sách huyện 7,7 tỷ đồng và các nguồn vốn xã hội hoá khác là 0,5 tỷ đồng.

Gần 1 tháng kể từ khi có kết quả khảo sát, lễ khởi công xây dựng các công trình cầu diễn ra trong sự vui mừng khôn tả của chính quyền và người dân huyện Tịnh Biên. Sau bao năm mong mỏi, ước mơ có được cây cầu mới vững chãi nay sắp trở thành hiện thực khiến bà con vô cùng phấn khởi. Bởi vậy, ai có của góp của, ai có công góp công, nhà nhà, người người đồng lòng hưởng ứng hiến đất, tình nguyện tham gia hỗ trợ thi công. Bằng giọng nói hồ hởi, bà Trần Thị Cam (xã Tân Lập) chia sẻ: “Thấy xây cầu mới, dân ở đây ai cũng mừng nên muốn xây đến đâu là cho xây láng. Không ai tiếc đất đai mà cũng không ai nghĩ ngợi gì đến chuyện đền bù”.

Đặc biệt, hầu hết các công trình đều được thi công bởi các đội xây dựng cầu từ thiện. Vì là từ thiện nên các nhà thầu này chỉ tính đủ tiền vật tư và tiền công cho anh em công nhân chứ “lời hổng có nhiêu” như lời ông Nguyễn Văn Được - đội trưởng đội xây cầu từ thiện bộc bạch. Cảm thông với chủ thầu, nhiều anh em công nhân còn chịu khó đi làm mà mang cơm theo chứ không nhận bao bữa trưa.

Nối liền đôi bờ

Và rồi, những cây cầu mới cuối cùng cũng đã thành hình, nối liền đôi bờ kênh. Tất cả các cây cầu này đều có bề ngang rộng 4m, tải trọng 5 tấn, nhiều cây dài đến hơn 54m. Sự hiện diện của những công trình khang trang như làm bừng lên sức sống của những vùng quê. Ông Trần Văn Vinh - Phó Chủ tịch UNBD xã Núi Voi cho biết, cây cầu Voi 1 được đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã bởi đó là cầu nối giao thương, qua lại của người dân trong xã với các vùng lân cận. Việc vận chuyển nông sản, hàng hoá thuận lợi cũng góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân, là cơ sở để xã đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, công trình cầu này cũng là điểm cộng cho tiêu chí giao thông nông thôn của địa phương. Ông Lê Hùng Dân (xã Núi Voi) khoe: “Có cầu này là rất thuận lợi cho bà con nông dân chúng tôi, ra vô ruộng rẫy chạy xe cái vèo là đến, tiết kiệm được nhiều thời gian, làm thêm được bao việc”.

Từ hiên nhà, ông Hồ Văn Thui nhìn ngắm cây cầu mới vẫn còn rợp cờ, phướn treo từ hôm khánh thành. Đặt chén chè xuống, ông nói: “Hồi đó mà có cầu, có đường thì tui cũng không để cho mấy đứa con tui bị dốt”. Ông Thui có 4 người con trai, anh cả năm nay đã 39 tuổi, anh út cũng 26. Thời còn nghèo khó chật vật kiếm từng miếng ăn mà lại phải chèo xuồng đưa con đi học quãng đường gần 4 cây số, vất vả quá nên vợ chồng ông đành cho các con nghỉ học. Riêng người con trai út thì theo học được đến lớp 8 vì lúc đó cũng đã có đường, có cầu tạm nên tự đạp xe đi được. Rồi ông Thui lại vui vẻ khoe giờ ông đã có 5 đứa cháu nội, đứa nào cũng được đi học đàng hoàng. “Có cầu lớn, chắc chắn, tụi nhỏ đi học mình cũng yên tâm” - ông Thui bộc bạch.

Các em học sinh đạp xe bon bon qua cây cầu mới.
Các em học sinh đạp xe bon bon qua cây cầu mới.

Cây cầu Khuyến Học là cây cầu nối liền hai xã Tân Lập của huyện Tịnh Biên và xã Tà Đảnh của huyện Tri Tôn. Ngay đầu cầu là ngôi trường THCS Tà Đảnh. Đúng như tên gọi, cây cầu này dẫn lối cho biết bao em học sinh đến trường. Thầy Nguyễn Nhân Hậu - Hiệu trưởng trường THCS Tà Đảnh cho biết, trước đây khi chưa có cây cầu này, các em học sinh ở các xã bên kia cầu phải đi đường vòng khá xa. Cầu qua kênh cũng là cầu gỗ, không đảm bảo an toàn. Có nhiều trường hợp các em bỏ học vì nhà xa, đường đi khó, nhà trường phải đến tận nhà động viên, kêu gọi các em quay trở lại trường. Không chỉ các em học sinh, các thầy cô giáo ở bên “đó” qua “đây” đi dạy cũng vất vả. Bởi vậy, sự xuất hiện của cây cầu mới như nối liền con đường đến trường của các em học sinh và thầy cô giáo.

Khi được hỏi về con đường đi học mới, em Trần Thị Yến Nhi - học sinh lớp 7A5 trường THCS Tà Đảnh hồn nhiên kể: “Nhà con ở bên kia cầu, hằng ngày con tự đạp xe đi học. Hồi trước đi đường vòng thì mất 15 phút, giờ đi đường mới chỉ mất có 5 phút thôi. Với lại cây cầu mới vừa đẹp vừa lớn, đi không có sợ bị té nữa”.

Dưới ánh nắng chiều trong vắt, nhìn các em học sinh đạp xe bon bon qua cây cầu mới, tôi bất giác thả nụ cười vào nền trời xanh.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất