, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 13/12/2021, 09:14

"Tinh thần Saemaul" ở bản du lịch từng là tụ điểm ma tuý của Lai Châu

MINH PHÚC
(nongnghiep.vn)
Sự đổi thay số phận của người dân bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu) minh chứng cho tinh thần "chăm chỉ, tự lực và hợp tác" trong phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về nguồn lực phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng hợp tác - liên kết - thị trường tại Đại học Thủy lợi sáng 11/12. Ảnh: Minh Phúc.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về nguồn lực phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng hợp tác - liên kết - thị trường tại Đại học Thủy lợi sáng 11/12. Ảnh: Minh Phúc.

Sáng 11/12, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn quản lý Nhà nước gắn với định hướng phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025 khu vực phía Bắc.

Kỹ thuật “5 whys” – bí quyết thành công của người Nhật

Chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược, chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực phát triển bền vững theo hướng “hợp tác – liên kết – thị trường”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Ngay lúc này, Việt Nam phải tính đến cái giá phải trả nếu không thay đổi, không tiến tới một nền kinh tế xanh, một nền nông nghiệp xanh”.

Ông cho rằng, chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn là chuyển đổi một cấu trúc kinh tế, văn hoá và xã hội. Nền kinh tế được tạo ra từ giá trị tinh thần, lấy con người là trung tâm. Do đó, cần nâng cao năng lực và trí tuệ của người dân nông thôn, để người nông dân có tinh thần tự lực, sáng tạo, biết chia sẻ, hợp tác cũng như tổ chức sản xuất và hiểu biết quy luật thị trường.

“Cái chúng ta đã học là giá trị của ngày hôm qua. Giống như trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, có những bài toán chúng ta đã tìm được lời giải rồi, nhưng ngày nay, chúng ta tiếp tục tìm ra những lời giải mới hơn, nhanh, đơn giản hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho Phó Chủ tịch JICA - Shinichi Yamanaka.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho Phó Chủ tịch JICA - Shinichi Yamanaka.

Có bao giờ chúng ta nghĩ điều gì làm nên thành công của nền nông nghiệp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu? Người thứ nhất cho rằng vì nước Mỹ, Nhật giàu thì mới có nền nông nghiệp phát triển như vậy, còn các nước nghèo thì không làm được.

Người thứ hai lại nghĩ rằng nền nông nghiệp Mỹ, Nhật cũng chẳng có gì hơn mình, chẳng qua là họ hạ tầng và công nghệ tốt. Hai thái cực đó có một điểm chung, đó là họ chỉ nhìn được “phần nổi của tảng băng chìm”.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp lý giải: “Nhiều khi chúng ta chỉ chú ý tới những gì mình thấy, còn những thứ không nhìn thấy, khó nhìn thấy thì lại bỏ qua. Họ không có thói quen để ý những thứ phía sau, theo chiều sâu”. Cũng giống như việc chúng ta thường chỉ nhìn hiện tại chứ không nhìn về quá khứ.

Người Nhật có kỹ thuật “5 whys”. Đây là một kỹ thuật đặt câu hỏi lặp đi lặp lại được sử dụng để khám phá mối quan hệ nguyên nhân và hiệu quả làm cơ sở cho một vấn đề cụ thể. Mục tiêu chính của kỹ thuật này là xác định nguyên nhân gốc rễ của khuyết tật hoặc vấn đề bằng cách lặp lại câu hỏi "tại sao?" Mỗi câu trả lời tạo thành cơ sở cho câu hỏi tiếp theo. Hãng sản xuất ô tô Toyota đã triển khai triệt để nguyên tắc này và họ đã thành công.

“Nhiều khi không có vấn đề chính là có vấn đề”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và giải thích: “Vấn đề là chúng ta có chịu khám phá, hoặc có cặp mắt tinh tường để nhận ra những điều bất ổn, cần phải cải tiến để phát triển hay không. Khi anh không thấy có vấn đề, anh sẽ không hành động, mà không hành động là một loại hành động”.

Kích hoạt tinh thần “Tinh thần Saemaul” trong phát triển nông thôn

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới của chúng ta được Đảng đánh giá là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Nhưng, các Saemaul-undong (còn được gọi là Phong trào Làng mới) được khởi xướng vào năm 1970 bởi Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee để hiện đại hóa kinh tế nông thôn lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của Hàn Quốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Lai Châu và bạn bè quốc tế chụp ảnh lưu niệm cùng người dân bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Laichau.gov.vn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Lai Châu và bạn bè quốc tế chụp ảnh lưu niệm cùng người dân bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Laichau.gov.vn.

Lý do là bởi phong trào này đã đề cao “tinh thần Saemaul” với ba thành tố “chăm chỉ, tự lực và hợp tác” của những người dân nông thôn. Đặc trưng của phong trào này không đơn thuần là một kế hoạch hành động mà là một cuộc “vận động cải cách ý thức” cùng với “vận động thực hiện hành động”.

Những năm 70 của thế kỷ trước, người dân nông thôn Hàn Quốc thường hát bài ca cổ động cho phong trào Làng mới, trong đó có câu: “Chúng ta cùng xây dựng cuộc sống tươi đẹp bằng sức mạnh của chúng ta”.

“Nếu người dân trông chờ, ỷ lại, mạnh ai nấy làm và tất cả trông chờ vào sự hỗ trợ của hà nước thì không bao giờ địa phương đó, quốc gia đó phát triển được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm, nếu chúng ta không tiếp cận giống như “Tinh thần Saemaul” của người Hàn Quốc, thì rất có thể chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, chương trình xây dựng nông thôn mới chúng ta sẽ đi chệch hướng.

Lâu nay chúng ta cứ loay hoay tập trung vào “phần cứng”, chứ chưa chú trọng “phần mềm” đó là giá trị tinh thần, giá trị văn hoá, lịch sử, giá trị cộng đồng của mỗi địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với xu thế biến đổi nhu cầu tiêu dùng ngày càng nhanh, một sản phẩm có thể chỉ tồn tại một vài năm rồi mất đi vì không thể cạnh tranh. Chúng ta không thể giúp người nông dân liên tục tạo ra sản phẩm mới, nhưng cái chúng ta có thể làm, đó là giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ năng, tinh thần hợp tác, gắn kết cộng đồng để tạo ra những giá trị mới.

“Các quốc gia hùng mạnh đều đi từ con người để phát triển chứ không phải đi từ sự áp đặt, mọi sự hỗ trợ không xuất phát từ con người thì sẽ trở nên vô nghĩa. Do đó, hồi tôi làm Bí thư tỉnh Đồng Tháp, tôi hay nói với bà con rằng: Tôi có trách nhiệm lo cho người dân, vì người dân tin tưởng bầu tôi chức vụ này. Nhưng, tôi lo là làm sao để người dân có thể tự lo cho mình, chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ.

Trong các chương trình biểu diễn văn hoá văn nghệ, chúng ta mặc định nông dân là phải mặc chiếc áo màu nâu, những người sản xuất tay lấm chân bùn, cầm cái lưỡi hái... Đó là vì chúng ta chưa tạo ra người nông dân thế hệ mới, họ cũng phải là nhà khoa học, họ cũng biết quy luật cung cầu thị trường, biết sử dụng máy cấy, máy cày...

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, thị trường hóa được một sản phẩm nhiều khi còn khó hơn việc tạo ra sản phẩm đó, nếu thúc đẩy sản xuất mà không biết kết nối với thị trường thì sẽ không thành công. Việc giải mã thị trường cũng khó hơn giải mã sản xuất, bởi thị trường "đỏng đảnh" hơn và dễ thay đổi. Mỗi thị trường lại yêu cầu khác nhau, nên chúng ta phải hiểu từng thị trường để tạo ra sản phẩm phù hợp. Trong khi đó, thị trường là trăm người bán, vạn người mua.

Làm nông nghiệp, làm du lịch nông thôn là một chiến lược, chứ không phải chúng ta làm cho vui. Thông qua du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ kích hoạt tài nguyên bản địa, các sản phẩm OCOP.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan vui vẻ đón nhận món quà lưu niệm của người dân bản Sin Suối Hồ gửi tặng. Ông đánh giá cao cách làm du lịch thông minh, thân thiện của người dân bản địa. Ảnh: Laichau.gov.vn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan vui vẻ đón nhận món quà lưu niệm của người dân bản Sin Suối Hồ gửi tặng. Ông đánh giá cao cách làm du lịch thông minh, thân thiện của người dân bản địa. Ảnh: Laichau.gov.vn.

“Vừa rồi tôi đi thăm mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sin Suối Hồ (Lai Châu). Tôi rất ấn tượng với cách làm du lịch thông minh, vững chắc của họ. Một bản mà chúng ta chỉ nghĩ đơn thuần là làm du lịch để bán vé. Nhưng họ nói với tôi rằng, nếu không phát triển du lịch, cộng đồng này sẽ không tồn tại nữa. Bởi ngày trước, đây là một tụ điểm trồng ma tuý của tỉnh Lai Châu, rất nhiều người nghiện ma tuý và nghiện rượu. Nhờ trải qua mấy chục năm du lịch cộng đồng, người dân thay đổi nhận thức. Họ thông minh hơn, họ bỏ ma tuý, họ bỏ rượu”, Bộ trưởng Hoan kể.

Nhiều khi, chúng ta thấy có những thứ không có giá trị, nhưng đó mới là giá trị đích thực. Chúng ta cần kích hoạt dòng sông, con suối, phế tích, bắt nó sống lại để làm du lịch, chứ du lịch không phải chỉ là rừng vàng, biển bạc hay là một tổ hợp du lịch hiện đại kiểu như Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Nên chúng ta cần tích hợp đa giá trị để kích hoạt mỗi vùng đất, mỗi địa phương và cả quốc gia.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất