, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 25/01/2023, 19:30

Tình yêu ban sơ cho độc bản Thành Lộc

NSND BẠCH TUYẾT
1. Hơn 60 năm làm đào hát cải lương, tôi có thói quen thuộc các bài ca của bạn diễn nhiều hơn của mình.

Đơn giản, vì đó là những lớp ca quá hay của những soạn giả, danh ca bậc thầy. Nhưng để mỗi lần coi là mỗi lần dậy lên trong lòng mình vừa nỗi xót xa vừa niềm yêu quý thì gần như chỉ duy nhứt Thành Lộc. Hầu như ai cũng thấy Lộc vắt kiệt mình trên sàn diễn. Nhưng vắt kiệt là Lộc, mà ươm mầm, gầy dựng rồi từ đó truyền đi thứ năng lượng sáng tạo cho chính mình, cho bạn diễn, cho công chúng cũng là Lộc. Nên tận cùng, là sự công bình cho tất cả.

Cái tiếc xót là ở chỗ, tài năng ấy, năng lượng ấy lại bày biện trong một không gian biểu diễn chật chội, cũ kỹ và có quá nhiều thứ phải vun vén, chắt chiu, dè xẻn.

Lại không thể không tự hỏi, 122 năm tây sang đô hộ cất Nhà hát Thành phố ngay xứ thuộc địa, 37 năm, tức 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, ta cất Nhà hát Hòa Bình, rồi còn gì nữa? Chẳng lẽ hành trình “đổi mới, hội nhập, phát triển” chỉ là đặc quyền của kinh tế ở đất nước nghìn năm văn hiến!

Nhưng thôi, đó là chuyện của “kiến trúc thượng tầng”. Còn với những gì đang có ở cái hạ tầng cơ sở này, từ Viện trao đổi văn hóa Pháp (IDECAF) đến Nhà văn hóa Thanh niên thì hàng tuần, mỗi đêm, Lộc và những cộng sự, bạn diễn của mình vẫn cứ tìm cách mà “bông đùa” với kịch nghệ lẫn… áo cơm. Tôi ngồi coi Lộc, coi khán giả của Lộc. Và mừng. Mừng cho nghề, cho nghiệp và biết ơn công chúng. Nhưng thấy có lỗi với tất cả họ, từ trách nhiệm kiến tạo thiết chế cho “nền tảng phát triển” - là văn hóa, nhất là văn hóa biểu diễn.

Tài năng của người nghệ sĩ - như Thành Lộc - khiến công chúng quên bẵng đi cái giới hạn của sàn diễn; hoặc có khi nó nối dài sự thăng hoa, sức tưởng tượng nơi người xem khiến họ thể quên đi tất cả. Mà biết đâu, nó lại là thứ thách đố Thành Lộc hơn. Bởi nói cho cùng, thế giới quanh Lộc là thế giới vô ảnh, nên vô hạn.

Ngày một Thành Lộc - Chu Xung cùng Hồng Vân - Thị Bình, Hữu Châu - Lỗ Quý xuất hiện là đã báo hiệu một thế hệ kịch sĩ Nam Bộ, sau Kim Cương lẫy lừng. Và Lộc dường như là người - không - tuổi, cách trở lại với bao nhiêu mùa của Ngày xửa ngày xưa, Mười hai bà mụ, mới đây thôi, lại vẫn là một tâm hồn trong trẻo, một nguồn năng lượng tinh khôi, Lộc truyền cho khán giả tương lai.

Từ kịch dân gian sang kịch xã hội, kịch lịch sử, những biên độ biến hóa cứ rộng ra, thâu lại, thăng giáng, nông sâu theo phẩm tính nhân vật. Ngồi xem một nghệ sĩ kịch - nói biểu diễn, nghệ sĩ kịch - hát như tôi lại thấy mình may mắn biết bao. Từ thoại, nói lối gối bài ca, chúng tôi đều nương theo dây, theo nhạc. Có khi, thầy đờn mới rao thôi, hay vuốt một tiếng chầu là xúc cảm người nghe đã được “dọn sẵn”. Ở đây, Lộc tự tạo nhạc tính cho thoại, hữu thanh và vô thanh.

Về tài năng độc bản này, chỉ có thể là di truyền. Biểu diễn kịch nói bằng huyết quản và cả… thanh quản của kịch hát, như Thành Lộc, Hữu Châu là rất hiếm. Hiếm nên quý là vì vậy.

NSƯT Thành Lộc đóng phản diện “Ngày xửa ngày xưa 33” - vai Tiên Cá Đen. Ảnh: Mai Nhật

2.

…Ngày trôi đi nhanh quá có hôm tôi ngồi cố tìm lại đôi chút thơ dại

Màu hoàng hôn tôi vẽ sẽ không trở lại mãi xa rồi đêm vẫn trôi…

…Đêm trôi tôi xót thương tôi

Mong manh như ánh sao rơi

…Đêm có thương thương giùm tôi…”

Đó là lời của ca khúc Bóng mây đời tôi của nhạc sĩ Đức Trí, đạo diễn Nguyễn Thành Lộc đem vào cho Alo! Lộ hàng (kịch bản: Lê Hoàng), do nhân vật gái điếm già - Thành Lộc thủ diễn. Khoảnh khắc Lộc hát, từng ca từ cứ chạm, khứa vào tôi. Lẽ nào Đức Trí viết riêng cho Thành Lộc, cho chính nhạc sĩ. Cả trong tận cùng cô đơn, vẫn tận tình sống, ân cần sống. Không ai khác, con người tự pha màu cho cuộc đời mình, vui hay buồn đều là chất liệu quý. Nghệ sĩ đích thực là thế. Họ chưa bao giờ ngừng yêu cuộc sống, cả khi cuộc sống “bỏ quên” họ, họ như kẻ bên lề.

Thương Con Người Nghệ Sĩ - cả trên kia sân khấu và dưới này cuộc đời. Tẩy trang, thay xiêm áo, lơ ngơ đi giữa thế sự, thị phi. Làm cái nghề “đóng vai” người khác, cái người khác đó có đủ tốt xấu, hay dở, sai đúng, trừ… diễn viên. Nên bên này của tôn vinh, tung hô là bên kia chê bai, bỉ bôi, chà đạp. Phải tập cho quen, phải nghe cho hết, biết chọn cái nào phải nào cần, biết bỏ cái không đúng mà bước tiếp, có khi lại sấp ngửa đúng sai. Nhưng tuyệt nhiên, không chấp chứa, ghét bỏ và bớt đi lòng nhiệt thành yêu + sáng tạo = sống.

Cái công thức ấy, tôi nghĩ cũng là thừa số chung cho những người như Thành Lộc, như tôi. Bằng không, ngược lại, chết sướng hơn.

Điều đó đã được chứng thực hôm tôi đi coi Tiên Nga. Lộc dựng và diễn. Phải nói, đến phân cảnh cụ Đồ Chiểu - cũng là nhân vật dẫn chuyện - chứng kiến cảnh Kim Liên tiết liệt đã phẫn uất biến ngọn bút thơ thành bút kiếm, người khai sinh đứa con tinh thần của mình cũng là người khai tử nhân vật, để bảo toàn phẩm giá của người con gái trung trinh.

Tạo hình của NSƯT Thành Lộc trong phim “Ngôi nhà bươm bướm”.

Thành Lộc trong dung mạo cụ Đồ, gióng lên đoản văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nhưng là lời non sông, là tinh thần của bách tính Việt, dù hơn 150 năm trước: “… Sống làm chi theo quân tả đạo, thấy lại thêm buồn, nghe càng thêm hổ. Thà thác mà đặng câu địch khái. Về theo tổ phụ cũng vinh, hơn còn ở với man di rất khổ”…

Cụ Đồ Chiểu: Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo.

Nhân vật Kim Liên (nghệ sĩ Lê Khánh) chắp tay: Thương vì hai chữ thiên dân.

Cụ Đồ Chiểu: Cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm. Cám bởi một câu vương thổ.

Tôi thành tâm đáp lễ. Không chỉ là một sự thưởng ngoạn. Đó là lòng thành kính, tưởng dâng. Nghệ thuật đã đạt đến tính thiêng. Người nghệ sĩ đã bước vào ngôi đền Tổ quốc. Đó là vinh quang tột đỉnh.

Với Thành Lộc, tôi tin vào cái giá trị thật của vinh quang ấy. Nó là nỗi đau đáu ngự trị trong Lộc suốt. Gọi là lý tưởng cũng đúng, lý tưởng của công dân - nghệ sĩ, chỉ thấy ý nghĩa của sự sáng tạo trong mạch ngầm dân tộc, trong ánh sáng và sự tiến bộ của quốc thể.

Một chi tiết nhỏ này cũng đủ thấy: trong vở Mười hai bà mụ (đang công diễn ở Nhà văn hóa Thanh niên), cảnh nhân vật của Thành Lộc bị túm quẳng xuống sông, thay vì đi về hướng sông thì lại đi xuống phía khán giả, Lộc quay lại, buông nhẹ một câu: “Í lộn, muốn đi vào lòng nhân dân hả”. Khán phòng vỗ tay. Họ tưởng thưởng cho người nghệ sĩ biết cái giá trị đích thực của mình ở đâu, vì ai.

Dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, tôi tham gia chương trình “Trăm năm nguồn cội”, tác giả - đạo diễn của chương trình, nghệ sĩ Quang Thảo kể, Lộc đi coi, hôm sau, Lộc gọi điện mời Quang Thảo - Đình Toàn (người dẫn chuyện) đi ăn sáng để chỉ nói một câu: “Anh cảm ơn hai đứa, vì đã làm một đêm nghệ thuật cho cải lương”.

Tôi lại thấy mình phải mang ơn các bạn, dịp trăm năm của cải lương, chính những người kịch nói đã chung lòng mà tôn vinh kịch hát. Mà tận cùng, hát hay nói cũng chỉ là phương tiện để cho người nghệ sĩ ký thác lên đó tình yêu, sức sáng tạo và lòng biết ơn.

Trong tình yêu sân khấu, tôi dành tình yêu ban sơ cho độc bản Thành Lộc.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất