, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 05/11/2021, 14:32

“Tộc trưởng” làng biển

NGỌC OAI
(SGGP)
Cánh ngư dân tỉnh Bình Định nhiều người biết đến Bùi Thanh Ninh (biệt danh “Sáu Ninh”, 64 tuổi, làng biển Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bởi tấm lòng của ông với nghề biển và với lao động biển.
Ông Sáu Ninh sử dụng điện thoại để quán xuyến đội tàu cá 9 chiếc với gần 100 lao động.

Ông đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, huân huy chương cho nghĩa cử của mình. Sau hàng chục năm dọc ngang trên biển, ông Sáu Ninh về bờ để làm thủ lĩnh đội tàu cá 9 chiếc, được ví như “tộc trưởng” chăm lo cho hàng trăm lao động nghề biển.

Chinh phục biển xa

Tôi biết ông Sáu Ninh từ nhiều năm trước. Lần nào gặp ông cũng từng ấy câu chuyện về biển giã và đạo lý của người hành nghề trên biển. Sở hữu khối tài sản khổng lồ, ông Sáu Ninh vẫn sống rất giản dị, chất phác, đúng chất một ngư dân. Ông rất coi trọng việc đánh bắt gắn với tình yêu biển đảo, chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. Năm 2014, ông từng làm đơn xin UBND tỉnh Bình Định, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân cấp đất trên quần đảo Trường Sa cho ông định cư và xây trạm hậu cần nghề cá.

Ông Sáu Ninh hồi tưởng: Năm 16, 17 tuổi, gia đình đông con nên ông đã phải theo cha lênh đênh với sóng biển. Ngày xưa, cá biển nhiều lắm, tàu ngư phủ cứ ra khỏi mép sóng vài ba hải lý là đánh bắt no nê. Tuy nhiên, giá con cá quá thấp nên cuộc đánh bắt cứ đắp đổi qua ngày, người dân xứ biển Hoài Nhơn khó khăn chồng chất. Sáu Ninh vào nghề biển khá sớm, nhưng mãi đến năm 35 tuổi ông mới nghĩ chuyện tương lai, thay đổi tư duy đánh bắt. Sau bao năm ấp ủ, đến năm 1989, ông mạnh dạn vay mượn làng xóm, anh em và ngân hàng để đóng mới một chiếc tàu cá xa bờ khoảng 60CV (200 triệu đồng).

Ông Sáu Ninh bắt đầu đánh bắt xa bờ bằng nghề câu mực, nhưng lại phất lên nhờ câu cá ngừ đại dương. Cứ có tiền là ông lại tích cóp, dùng hết cho việc nâng cấp tàu cũ, đóng thêm tàu mới. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, đội tàu cá Sáu Ninh đã phát triển lên 12 chiếc.

Từ đó, ông đẩy mạnh kết nối với ngư dân trong vùng để hình thành tổ đội đánh bắt đoàn kết, tương trợ nhau trên biển. Những năm 2010 đến 2015, nghề câu cá ngừ đại dương nở rộ ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Lúc ấy, đội tàu Sáu Ninh đã phát triển lên 16 chiếc (6.000 CV) với 200 lao động, trở thành đội tàu đánh bắt mạnh nhất vùng, tổng sản lượng đánh bắt mỗi năm hàng chục tỷ đồng (trừ chi phí lãi 6-8 tỷ đồng/năm; ông Sáu Ninh thu về 2 tỷ đồng/năm).

Chăm lo cả trăm lao động

Để có đội tàu lớn nhất Hoài Nhơn, trước đây, ông Sáu Ninh thường lang thang khắp các làng biển trong vùng để “chiêu mộ” những ngư dân giỏi nghề, cần cù về làm ăn cùng mình. Đặc biệt, ông hay đến các làng biển nghèo để tìm kiếm và cưu mang những ngư dân khó khăn, thanh niên nghèo có ý chí và khát vọng.

Năm 1995, anh Võ Văn Rành 18 tuổi, sống côi cút trong gia đình nghèo khó ven vùng biển Hoài Hương (nay thuộc phường Hoài Hương, Hoài Nhơn). Thấy hoàn cảnh Rành đáng thương, tính tình hiền hậu, hiếu thảo, ông Sáu Ninh đưa anh về phụ tàu, làm ăn cùng mình. Anh Rành trưởng thành và trở thành thuyền trưởng giỏi của đội tàu Sáu Ninh.

Hiện tại, anh Rành đã trên 45 tuổi, vẫn là một trong những tài công đắc lực, tâm huyết của ông Ninh. Năm 2017, ông Ninh chi 5 tỷ đồng để đóng mới con tàu BĐ 98209 TS rồi giao tài sản cho anh Rành quản lý bằng hình thức hỗ trợ 1/4 cổ phần con tàu (khoảng 1,2 tỷ đồng) cho anh Rành. Dần dà, anh Rành hoàn trả 1,2 tỷ đồng, rồi vươn lên hưởng 50% cổ phần của con tàu 5 tỷ đồng này. Nhờ sự dìu dắt của ông Ninh, đến nay cuộc sống của gia đình anh Rành đã trở nên khá giả, cất được nhà khang trang.

Ngoài anh Rành, các tài công Nguyễn Sinh (thuyền trưởng tàu BĐ 97999 TS), Nguyễn Văn Phần (thuyền trưởng tàu BĐ 97229 TS) và 6 tài công khác đều xuất thân nghèo khó, nhờ ông Sáu Ninh dìu dắt mà vươn lên làm giàu.

“Tôi mở ra mô hình cổ phần tàu cá nhằm khích lệ anh em tài công, dần giao tàu cho họ tự chủ quản lý, hưởng lợi từ công sức đánh bắt của bản thân. Vừa rồi, tôi chi 50 tỷ đồng đóng mới tàu cá, mở cổ phần cho mỗi tài công từ 1 đến 1,5 tỷ đồng theo hình thức cho mượn không lãi, khi nào có vốn thì hoàn trả rồi nâng cao cổ phần lên để hưởng 50% con tàu. Từ đó, tôi sẽ lấy vốn để tiếp tục đóng các tàu cá mới, trao cơ hội cho các tài công, ngư dân khác”, ông Sáu Ninh chia sẻ.

Ngoài ra, hiện ông Sáu Ninh đang chăm lo cho hàng trăm lao động là người đi bạn (thuyền viên làm thuê trên tàu), người thân của họ và người lao động hậu cần trong bờ. Đối với bạn tàu, ông Sáu Ninh mở gói vốn từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng để xoay vòng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật,...

Có tầm nhìn xa

Không chỉ quản lý, chăm lo cho hàng trăm lao động, ông Sáu Ninh còn là người “anh cả”, “cây đại thụ” của vùng có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất miền Trung - thị xã Hoài Nhơn. Sự thành công của ông đã tạo hiệu ứng rất tích cực đối với ngư dân vùng biển này.

Đặc biệt, ông Sáu Ninh có công lớn trong việc quy tụ nghề cá Hoài Nhơn, là người đầu tiên thực hiện thành công hình thức tổ đội đánh bắt đoàn kết trên biển với mô hình “tàu mẹ - tàu con”, hỗ trợ nhau khi đánh bắt dài ngày trên biển. Từ thành công trên, Nghiệp đoàn nghề cá Hoài Nhơn được thành lập với 680 tổ đánh bắt đoàn kết (1.100 tàu).

Đến năm 2017, khi làn sóng đánh bắt ở miền Trung và cả nước bùng nổ, cá biển dần cạn kiệt, ông Sáu Ninh chủ động tái cơ cấu đội tàu cá của mình. Ông chi trên 50 tỷ đồng để đóng mới, cải hoán, nâng cấp toàn bộ đội tàu cá do mình quản lý. Từ đội tàu 16 chiếc, ông Sáu Ninh thanh lọc, nâng cấp thành 9 chiếc có chiều dài từ 15 đến 22m (trong đó đóng mới 5 tàu). Tuy số lượng giảm, song máy móc, công suất, trang thiết bị và công nghệ hiện đại hơn.

“Giờ tôi đầu tư đội tàu thiên về chất lượng, không theo số lượng nữa. Bởi, đánh bắt bây giờ phải dài ngày hơn, đội tàu phải khỏe mạnh, đoàn kết thì mới thường trực trên biển để đánh cá, góp sức bảo vệ chủ quyền, phát triển nghề cá hiện đại”, ông Sáu Ninh nói.

Trước khi từ biệt chúng tôi, ông Sáu Ninh tặc lưỡi, nói: “Hiện tôi còn một nguyện vọng muốn thành lập công ty cổ phần đánh bắt trên biển. Chỉ như thế thì nghề cá của chúng ta mới thay đổi hiện đại, gắn với trách nhiệm và bền vững hơn”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất