, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 23/12/2016, 08:34

Tôi lại về mắc võng dưới gốc mù u…

HỒNG VÂN

Cứ mỗi lần thấy ông xã cầm cái ba lô lên rồi để xuống đôi ba lần là tôi biết ngay là sắp “có chuyện”. Chẳng biết can cớ gì sống ở Sài Gòn hơn 20 năm rồi mà hở ra một cái là anh quày quả về quê. Hồi còn má thì không nói gì, má mất cả chục năm rồi mà anh vẫn vậy. Người ta đi du lịch thì sang Tây, sang Tàu, còn anh chỉ có mỗi sở thích xách giỏ trực chỉ nhà má ở Ngãi Tứ, Tam Bình, Vĩnh Long.

 

Tôi là người “ngoại đạo” nên không hiểu hết tình cảm sâu nặng của người bạn đời đối với mảnh đất đã nuôi anh không lớn. Với anh, dù đã năm mươi tuổi hay nhiều hơn nữa thì mọi cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như những ngày thơ dại cởi truồng tắm mưa hay theo các anh chị ra đồng móc cua, bắt ốc.

Anh nói tuổi thơ anh gắn chặt với những đụn khói đốt đồng bàng bạc trong sương chiều, mùi khen khét của khoai lang nướng vùi trong đám un trâu và cảm giác xon xót của da thịt cọ vào rơm rạ những tối ngủ đồng canh lúa trong mơn man hơi lạnh của gió chướng đầu mùa... Tuổi thơ anh còn lãng đãng bóng hình một cô bé túm tóc đuôi gà có mùi mồ hôi thật lạ của lá sả, lá chanh quyện trong những nhọc nhằn của con nhà nghèo khó…

 

Chính vì vậy mà dù đi đâu, ở đâu, anh vẫn nhớ quê quay quắt như đứa bé nhớ sữa mẹ. Tôi không cảm nhận hết những tình cảm đó nơi anh cho đến một ngày tôi theo anh về quê đám giỗ. Hôm đó nghe tin chúng tôi về, má ra bến sông ngồi chờ. Dưới bến có cây mù u rất to, trái chín rụng đầy. Trong khi chờ chúng tôi, má đã nhặt được đầy một thúng. Ông xã tôi hớn hở như trẻ con được quà, vội vàng vứt hết đồ đạc, bưng cái thúng mù u vô nhà cho má.

Tối đó cô em chồng tôi không đốt đèn dầu mà đem mấy cái cọng dài dài như chiếc đũa ra thắp sáng. Đó là những chiếc rọi mù u do má tôi làm từ những trái mù u rụng đầy dưới bến. Cách làm rọi mù u cũng đơn giản: Lấy hột mù u quết nhuyễn trộn với bông gòn rồi quấn vô cọng tre phơi khô để dành xài dần.

Mùi dầu mù u dìu dịu, hăng hăng, khét khét rất khó tả. Tôi thích thú nhìn ánh lửa bập bùng, có cảm giác mình đang sống trong một không gian thật xa trong quá khứ chứ không phải đã là những năm đầu của thế kỷ 21. Từ hôm đó, tôi bắt đầu thấy thích món bánh canh thịt vịt của má; thích món bánh xèo nhưn tôm thịt ăn với đọt chiết, lá lụa, cát lồi và đủ thứ rau cỏ trong vườn. Má còn có món cháo hến ngọt lừ, béo ngậy, thơm nhức mũi mà ai ăn một lần sẽ không thể nào quên.…

 

Từ lúc nào, tôi đã bắt đầu thích đi chân trần trên những gốc rạ mới cắt, thích ngồi bên bờ sông trong tiếng rì rào của gió chướng cuối mùa để hít căng lồng ngực mùi hương hòa quyện của khói, của cỏ cây hoa lá và những liếp cày vừa lật lên. Tôi đã cảm nhận được thế nào là nơi chôn nhau cắt rốn của một con người và tôi hiểu vì sao người bạn đời của tôi vẫn đau đáu một tình yêu dành cho nơi ba má anh đã yên nghỉ.

Ngãi Tứ giờ có điện, có nước máy tới tận nhà. Đường đan, đường nhựa đã thay thế những lối nhỏ gập ghềnh năm xưa. Xe hơi đã có thể chạy đến tận nhà. Những đổi thay kỳ diệu mà mươi năm trước tôi không thể nào ngờ tới. Như là nhân duyên. Ông anh chồng đang ở ngôi nhà của ba má chồng tôi đi định cư ở nước ngoài. Anh gọi vợ chồng tôi về: “Nhà cửa, vườn đất, mồ mả ba má anh giao lại cho hai đứa. Tạm thời thuê người trông coi, mai mốt nghỉ hưu thì về”.

 

Cũng vừa kịp trong tôi đã đầy đặn một tình yêu dành cho ruộng vườn. Vậy nên bây giờ hễ rảnh rỗi là tôi cũng lại vác ba lô lên đường. Tôi không sang Tây, sang Tàu mà về mắc võng dưới gốc mù u để nghe tình tự quê hương đang trỗi dậy trong lòng…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất