, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/04/2024, 12:07

"Tối ngày tính chuyện tách ra, nhập vào"

TRUNG VIỆT
Từng nghe vè hiện đại “Không đâu như Việt Nam ta/Tối ngày tính chuyện tách ra nhập vào/Sát bên như đất nước Lào/Mà không tính chuyện nhập vào tách ra/Xa xa như đất nước Nga/Cũng không tính chuyện tách ra nhập vào…”. Ai nói cứ nói, chủ trương vẫn cứ chủ trương. Căn cứ vào diện tích, dân số, Trung ương quyết nhập. Chuyện tưởng đã yên từ thế kỷ trước, thì năm ngoái Quốc hội lại ra nghị quyết tách nhập.
Một góc xã Quỳnh Đôi bây giờ - vùng đất gắn với niềm tự hào khoa bảng đang được người dân yêu cầu giữ tên sau khi sáp nhập. Ảnh: P.N.

Tên làng xã mới và cái lý của người dân

Tại Quảng Nam, huyện Nông Sơn có nguy cơ bị xóa tên, với hai phương án nhập vô Hiệp Đức hoặc Quế Sơn. Dân la rần trời. Trên mạng xã hội, người dân Nông Sơn bày tỏ ý kiến rằng họ không chịu về Hiệp Đức. Cái lý của họ là “Nông Sơn vốn từ Quế Sơn tách ra, hà cớ chi nhập về Hiệp Đức?”. Cán bộ ở Nông Sơn tìm đường xin việc về Quế Sơn, hoặc chuyển nơi khác. Công việc ùn ứ, tâm lý bất an. 

Một công chức huyện nói: “Vợ tôi đi dạy cách đây gần 10km đường núi, chuyển tôi về trên đó, con cái ai đưa đón, tôi bỏ”. Rồi tỉnh cũng quyết nhập về Quế Sơn cho thuận lòng dân, còn tên huyện mới ra sao, bao giờ nhập, tính sau.

Đà Nẵng nhập phường, dân tình một phen lắc đầu: rắc rối. Tại quận Hải Châu thì gộp phường Bình Thuận và Hòa Thuận Đông thành phường Hòa Bình. Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, nói: “Hoà Bình từng là một địa danh ở khu vực Khuê Trung - Cẩm Lệ, chứ không phải ở khu vực này. Cần cân nhắc đến yếu tố lịch sử của vùng đất, hoặc khi sáp nhập hai phường có thể giữ nguyên tên một phường có từ xưa liên quan đến vùng đất để tránh xáo trộn về giấy tờ”. Phường Tân Chính với Chính Gián, dự định sáp nhập với tên mới là Tân Chính Gián, nghe như tên của… gia trang trong phim kiếm hiệp!

Nửa tháng trước, dư luận Khánh Hòa ngẩn ngơ khi thị xã Diên Khánh vốn có từ xa xưa, sau sáp nhập sẽ là thị xã Phú Thành. Dân la làng “nghe lạ hoắc”! Còn bây giờ, xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại toan sáp nhập thành xã Đôi Hậu. Dân tình nổi sóng, không chịu. Cái lý của họ là Quỳnh Đôi được biết đến là vùng đất khoa bảng của Nghệ An, là quê hương Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, danh nhân lịch sử Hồ Phi Tích, nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan... Còn Quỳnh Hậu, 4.000 năm trước đã ghi nhận nơi đây có dấu vết người Việt cổ.

Chưa biết chính quyền sẽ tính thế nào, trong khi Bộ Nội vụ khuyến cáo, là sáp nhập, đặt tên phải đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Sao không “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”?

Nghĩ mãi không ra. Khi phong trào chấn hưng văn hóa dân tộc trở lại, các tiền bối đã lôi địa bộ, sử sách tên làng xưa ra đặt lại từng tên làng tên xã. Hàm nghĩa văn hóa của địa danh gắn liền với thuở mô tê, ăn vào từng thước đất đầu tiên và gắn với cả tên tuổi các vị tiền hiền khai canh khai khẩn. Họ đặt tên không ngoài ý nghĩa cầu mong sung túc ấm no và yên vui, mưu cầu hôm nay và mai hậu con cháu hưởng phúc báu, lại lấy địa danh mà răn dạy con cháu - rằng chỗ họ đang ngồi chẳng phải trơ trơ nắm đất vô nghĩa, mà là xương máu mồ hôi cùng bao gửi gắm của tiền nhân.

Người ta hay viện dẫn là “ở nước ngoài người ta cũng vậy”, mà không dám hay không thèm biết, trong lịch sử mấy trăm năm của nước Mỹ, chưa bao giờ Quốc hội cho phép mở rộng này nọ. Gần một triệu dân vãng lai nơi khác đến Wasington DC làm việc, hết giờ là về “quê”, để lại thủ đô tĩnh lặng. Trên mạng, có người nói Vatican bé tí mà nó là một quốc gia hẳn hoi, chẳng màng tách nhập.

Còn chúng ta, chỉ cần tờ A4 là xong, văn hóa lịch sử chịu phận “xếp tàn y lại để dành hơi” nhưng không thèm “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”. Thiên hạ kèm lời bình cho chuyện nhập tách đổi tên ở mình bây giờ, là 4.0 trong văn hóa nhận thức, nhưng chính xác là 0.4! Để đó mà coi, nhập tách, xóa tên mai này không loạn lên vì khai sinh giấy tờ, tôi xin… “chết liền”!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất