, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 23/12/2021, 16:29

Tôm hùm đỏ vùng Bretagne đang hồi sinh

TƯỜNG NGUYỄN
(theo Reporterre.net)
Chiếc thuyền chài của ngư dân Xavier Vaillant nổ máy khởi hành ngay trong màn đêm dày đặc, hướng mũi thẳng tiến đến đảo Ouessant, nằm cách bờ biển phía tây nước Pháp 18,5km, thuộc lãnh hải vùng hành chánh Bretagne. Ba ngày trước, họ đã thả lưới và giờ thì dong thuyền ra khơi thu hoạch cá, tôm.

Trong số hải sản đánh bắt được, phải kể đến loài tôm hùm đỏ nổi tiếng vùng Bretagne: thịt ngon và bán rất được giá. Ngay tại bến, giá tôm sống trung bình là 40 euro/kg và có thể lên đến 55 euro. Loài hải sản này nhiều năm trước đây rất khan hiếm và chỉ mới được phục hồi sản lượng từ một năm nay.

Nhìn lại quá khứ, cho đến thập niên 1950, mỗi năm ngư dân Pháp đã đánh bắt được gần 500 tấn tôm hùm đỏ trong vùng biển phía nam của tỉnh Finistère. Song đến cuối thập niên 1970 thì chỉ đạt được 25 tấn. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các tàu của ngư dân đã được trang bị động cơ và phương pháp thả lưới cũng thay đổi nên sản lượng khai thác tăng vọt. Ông Martial Laurans, chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu Khai thác tài nguyên biển của Pháp (IFREMER), thuật lại: “Chúng ta đã khai thác tôm hùm đỏ một cách quá mức trong khi không có được những biện pháp kiểm soát hoạt động này. Chúng ta đã chuyển đổi từ phương pháp đánh bắt bằng bẫy lồng sang phương pháp thả lưới, dẫn đến trữ lượng bị suy kiệt nhanh chóng”. Đứng trước thực tế đáng buồn này, Hội đồng khai thác thủy hải sản của tỉnh Finistère, cũng là một tổ chức đại diện cho nghề khai thác tôm hùm đỏ tại đây, đã phải đưa ra các biện pháp nhằm cứu vãn tình hình.

Năm 2007, Hội đồng quyết định khoanh vùng cấm đánh bắt trên một khu vực biển rộng 5.000ha ngoài khơi tỉnh Finistère. Đồng thời, thành lập Công viên biển tự nhiên Iroise (Parc naturel marin d’Iroise) trải rộng trên một diện tích 3.550km2 (Iroise là tên vùng biển ven bờ tỉnh Finistère). Ban quản lý công viên biển này đã có nhiều biện pháp giám sát hiệu quả để mọi ngư dân đều phải tuân thủ quy định tại đây.

Ngu dân đang đo chiều dài cơ thể của tôm sau khi đánh bắt theo quy định. Những cá thể tôm nhỏ hơn 110mm sẽ được trả lại môi trường biển (nguồn: Reporterre)

Đề ra những quy định nghiêm ngặt về khai thác thủy hải sản để “phục hồi trữ lượng”

Đến năm 2009, có thêm một số biện pháp mới được áp dụng, trong đó có quy định về kích thước cá thể tôm hùm được đánh bắt: chiều dài cơ thể tôm phải đạt 11cm (trước đây trên 9,5cm là đã được phép khai thác thương mại). Tuy chỉ chênh lệch 1,5cm chiều dài cơ thể thôi, nhưng cũng đủ cho con tôm sống thêm được hai năm nữa và đạt đến trọng lượng 900g so với 500g khi đánh bắt như trước đây. Hơn nữa, thời gian cộng thêm hai năm trong vòng đời của tôm sẽ giúp chúng sinh sản được ít nhất thêm một lần nữa, nhằm tạo điều kiện duy trì số lượng quần thể tôm trong tự nhiên.

Đến năm 2011, quy định được siết chặt thêm, theo đó ngư dân không được phép đánh bắt trong mùa tôm sinh sản, tính từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, trên vùng biển Đại Tây Dương của tỉnh Finistère và tại eo biển Manche.

Năm 2016 có thể được xem là cột mốc cuối cùng trong các biện pháp bảo vệ quần thể tôm hùm đỏ khi Hội đồng khai thác thủy hải sản Finistère ra quy định mới: cấm đánh bắt các cá thể tôm “đang ôm trứng”, tức tôm cái đang có bọc trứng dưới bụng.

Ông Martial Laurans thuộc IFREMER phấn khởi nhận định rằng chính hai quy định gia tăng kích thước cá thể tôm được phép khai thác và cấm đánh bắt tôm đang ôm trứng đã phát huy hiệu quả tối đa trên thực tế. Bằng chứng là trong khoảng thời gian hai năm 2013 và 2014, đội ngũ chuyên gia đã quan sát thấy xuất hiện khắp nơi những quần thể ấu trùng tôm phát triển tốt. Họ nhận định đây là những cá thể tôm sẽ đủ trưởng thành cho các mùa tôm kể từ năm 2020. Sébastien Masson là một trong những ngư dân đánh bắt tôm hùm nổi tiếng nhất trong vùng miền bắc Finistère, đã rất vui vẻ sau những mùa tôm gần đây: “Năm ngoái, tôi làm được 2,3 tấn. Năm nay, nhiều hơn”.

Tuy nhiên, ngư dân này cũng tỏ ra không thoải mái trước quy định “gắn thẻ bài” cho tôm. Theo đó, từ ngày 01/06/2019, tất cả những cá thể tôm hùm đỏ được xuất bến từ một tàu khai thác hải sản của ngư dân Bretagne và tại tất cả các cảng khai thác hải sản, đều phải được gắn thẻ nhận diện. Đó là chiếc thẻ bằng nhựa, được đánh số thứ tự và ngư dân phải bấm chiếc thẻ này vào phần râu tôm ngay trên tàu vừa cập bến. Ông Erwan Quemeneur thuộc Hội đồng khai thác thủy hải sản Finistère giải thích: “Thẻ nhận diện giúp chúng tôi theo dõi được trữ lượng tôm hùm và giúp ngăn chặn việc khai thác trái phép”.

Gắn thẻ nhận diện cho tôm theo quy định (nguồn: Reporterre)

Tuy quy định này gây ít nhiều phiền toái vì khó thực hiện tốt trên thực địa, khiến ngư dân mất thêm thời gian ít nhất là một tiếng đồng hồ, chưa kể đến phát sinh chi phí phụ - tính ra là 1 euro cho một chiếc thẻ nhựa, song nhiều ngư dân rất đồng thuận. Ông Erwan Quemeneur nói: “Nên áp dụng cho tất cả những loài hải sản khác. Thật không hay chút nào khi chúng ta đánh bắt cá tôm tràn lan, phải để cho chúng có thời gian sinh sản chứ. Phải tuân thủ một điểm dừng trong chu kỳ sinh học của cá tôm mà khai thác”.

Trồi sụt theo môi trường tự nhiên

Thế nhưng, việc tôm hùm đỏ “quay lại” vùng biển tỉnh Finistère không chỉ duy nhất nhờ vào những biện pháp chủ quan của con người. Sébastien Masson nhận định: “Tôi có kinh nghiệm đi biển thả lưới lâu nay thì thấy là có những năm không có tôm và có những năm tôm đầy ắp. Chắc chắn là việc thả lưới có tác động xấu đến số lượng tôm tự nhiên, nhưng lưới không phải yếu tố duy nhất, mà môi trường tự nhiên cũng đóng một vai trò không nhỏ”.

Môi trường biển tự nhiên với những thay đổi về nhiệt độ nước biển, dòng hải lưu, mật độ phiêu sinh vật trong nước biển, tính axít trong nước biển, và nhiều yếu tố tự nhiên khác đã và đang ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật biển, khiến có những năm số lượng tôm hùm phát triển dồi dào, có những năm thì suy kiệt. “Tôi nghĩ rằng hiện tượng này xảy ra theo chu kỳ. Chúng ta sẽ có được một lượng tôm hùm dồi dào trong vòng 27 năm, sau đó lại sụt giảm đi, rồi chu kỳ sẽ quay lại”, Xavier Vaillant - một ngư dân nhiều kinh nghiệm chia sẻ.

Quy tình tôm hùm đỏ tiêu thụ trên thị trờng phải đạt chiều dài cơ thể tối thiểu là 11cm và phải được gắn thè (nguồn: Reporterre)

Một yếu tố nữa gây sụt giảm sản lượng tôm hùm đỏ là hiện tượng bạch tuộc xuất hiện nhiều ngoài khơi vùng biển tỉnh Finistère, chúng săn bắt tôm hùm làm thức ăn khá nhiều. Song, bất luận như thế nào đi chăng nữa, tại vùng biển này cũng đang và sẽ còn có những “góc khuất vàng”, nơi mà số lượng tôm hùm đỏ phát triển rất nhiều, điển hình như vùng biển chung quanh đảo Ouessant, một địa điểm đã được đề cập ở phần đầu bài viết này. Ngư dân Sébastien Masson nhận xét: “Bố tôi đã từng nói là tại vùng biển này, sẽ không có con tôm hùm cuối cùng đâu”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất