, //, :: GTM+7

Tổng hội Nông nghiệp và những điểm nhấn trong năm 2020

TS. NGUYỄN NGỌC TRÍ
Năm 2020 là năm thứ 2, nhiệm kỳ II (2019 - 2024) của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Tổng hội). Năm 2020 là năm mà thế giới nói chung và nước ta nói riêng có rất nhiều biến động. Với đặc điểm của một tổ chức xã hội nghề nghiệp như Tổng hội - bao gồm nhiều hội viên, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhân trí, trí thức và một số cơ quan nghiên cứu, áp lực nhất chính là làm sao kết nối được các thành viên nhằm phục vụ cho mục tiêu rất lớn là hỗ trợ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, làm rõ được các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, những mong muốn của nhân dân.

Nhìn lại năm 2020, có thể nói Tổng hội đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành nông nghiệp. Với thế mạnh của một tổ chức xã hội tập hợp được nhiều hội viên là những nhà khoa học, những nhà quản lý, những doanh nghiệp và một số cơ quan nghiên cứu, Tổng hội đã triển khai được một số công việc có hiệu quả thiết thực như: Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, bà con nông dân mang lại kết quả trong sản xuất kinh doanh; Triển khai thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn trong xây dựng Nông thôn mới; Tham gia phản biện nhiều Đề án về phát triển bền vững trên các lĩnh vực khác nhau của ngành nông nghiệp…

Chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật

Một thời kỳ khá dài, chúng ta chỉ chú ý đến phát triển tăng năng suất, tăng sản lượng nên đã sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, dẫn đến hậu quả môi trường bị ảnh hướng nặng nề, đất đai bị thoái hóa và mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, để đưa nông nghiệp lên một tầm cao mới, việc chuyển hướng sang nền nông nghiệp sạch, an toàn là một quyết sách hợp lý.

Đáp ứng xu thế này, trong năm qua Ban Thường vụ Tổng hội đã thành lập 2 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Chuyển giao tiến bộ về nông nghiệp, nông thôn và giám định chất lượng nông sản, vật tư nông nghiệp và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị thành viên là doanh nghiệp, một số viện nghiên cứu thực hiện các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ công nghệ cho nông dân, cho doanh nghiệp. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn trong các lĩnh vực như sản xuất rau quả an toàn, chăn nuôi lợn an toàn sinh học, nuôi bò thịt tuần hoàn khép kín…

Tổng hội tổ chức họp Ban Thường vụ.
Tổng hội tổ chức họp Ban Thường vụ.

Chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật được coi là chìa khóa vàng giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Thông qua các mô hình, các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật góp phần thay đổi tập quán sản xuất canh tác, giảm chi phí, gia tăng hiệu quả kinh tế. Năm qua, Tổng hội đã tổ chức lớp “Tập huấn tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và thị trường nông sản” cho 50 học viên là cán bộ quản lý và một số hộ nông dân có sản xuất nông sản hàng hóa tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Lớp tập huấn chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng với cách làm đổi mới về cả nội dung và phương pháp tập huấn, các học viên đã có thể vận dụng những kiến thức được trang bị qua lớp tập huấn vào ngay các công việc cụ thể của mình tại cơ sở.

Góp sức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM

Với đội ngũ sẵn có là những cán bộ quản lý cao cấp và trung cấp giàu kinh nghiệm, rất tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đặc biệt là với Chương trình xây dựng NTM, Tổng hội đã có một số hoạt động góp sức vào Chương trình xây dựng NTM, như phương hướng nhiệm vụ năm 2020 đã nêu rõ. Tổng hội đã góp phần làm rõ bộ tiêu chí thế nào là NTM trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030.

Thực tế hiện nay, NTM có quá nhiều khái niệm: Nông thôn tiên tiến, Nông thôn kiểu mẫu, Nông thôn nâng chất, Nông thôn đáng sống… Điều này khiến các địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện. Sự tham gia đóng góp ý kiến của Tổng hội vào những nội dung này đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng NTM tiếp thu và ghi nhận. Để Chương trình xây dựng NTM được phát triển đồng đều và bền vững, Tổng hội cũng đã tham gia ý kiến cùng với các bộ, ngành địa phương để Chương trình xây dựng NTM ở các vùng khó khăn như miền núi đáp ứng được mong muốn của người dân, có tốc độ tăng nhanh hơn so với các bước đi của giai đoạn 1.

Một trong những vốn quý của Tổng hội là những nhà nghiên cứu, những nhà khoa học uy tín, đầy nhiệt huyết, sẵn sàng đóng góp vào sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam. Tin tưởng và tận dụng “kho trí tuệ” này, Tổng hội đã đăng ký với Bộ NN&PTNT thực hiện đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2021. Đề tài đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt và Tổng hội sẽ tiến hành phối hợp cùng Viện nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam thực hiện đề tài từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2021. Viện nghiên cứu Văn hóa là một thành viên tích cực của Tổng hội và đã có nhiều kết quả nghiên cứu phục vụ cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 1.

Hoạt động tư vấn, phản biện

Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, công tác tư vấn, phản biện xã hội của Tổng hội đã đạt được nhiều kết quả trong năm 2020, được các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao, được xã hội quan tâm, được các phương tiện thông tin truyền thông thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân coi là đối tác quan trọng để thực hiện nhiệm vụ.

Tổng hội tổ chức lớp
Tổng hội tổ chức lớp "Tập huấn tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và thị trường nông sản" tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Trên cơ sở lắng nghe, sàng lọc, lựa chọn một cách khách quan, khoa học đối với các ý kiến, kiến nghị của hội viên, thành viên, các nhà khoa học, các nhà quản lý… Tổng hội đã tận dụng tối đa các diễn đàn, hội thảo, các phương tiện truyền thông để phản ánh, đề xuất và kiến nghị với các cơ quan quản lý của các Bộ ngành Trung ương. Các nội dung tư vấn, phản biện của Tổng hội tập trung vào các kiến nghị kèm theo giải pháp khách quan, trung thực, khoa học, tâm huyết, trên thực tế đã tránh được tình trạng “đứng ngoài” phê phán. Năm 2020, Tổng hội đã tham gia phản biện các Đề án chiến lược như: Đề án Phát triển ngành Thủy sản; Đề án Phát triển ngành Chăn nuôi; Đề án Phát triển ngành Trồng trọt; Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ; Đề án Chiến lược Phát triển Kỹ năng nghề nông nghiệp Việt Nam; tham gia Hội nghị góp ý các dự thảo, các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Liên hiệp các Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Bước vào năm 2021, Việt Nam bước vào một năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, có tác động đến việc xây dựng Việt Nam thành một quốc gia giàu mạnh, mọi người dân đều được ấm no, hạnh phúc. Tổng hội sẽ có nhiều thành công mới, phát triển vững mạnh và sẽ đóng góp tích cực vào thành quả chung của nền nông nghiệp, xây dựng Việt Nam hùng cường.

Hội NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh công tác tập huấn, tham quan, dạy nghề

Năm 2020 vừa qua, các cấp hội thuộc Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức được 72 cuộc tuyên truyền cho 16.929 lượt hội viên về các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy Bắc Ninh về “Bắc Ninh nói không với thực phẩm bẩn” và “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”. Đồng thời, các cấp hội cũng đã phối hợp với các cơ quan KHKT tổ chức được 163 lớp tập huấn cho 15.455 lượt hội viên về sản xuất nông nghiệp, rau an toàn, rau hữu cơ, chăn nuôi, thủy sản bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm. Phối hợp với các ngành chức năng, Hội cũng đã tổ chức được 16 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế mới, các mô hình về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài huyện cho 356 lượt hội viên.

Lãnh đạo Trung tâm VAC cũng đã làm việc với Sở LĐTBXH, Chi cục PTNT tỉnh để xây dựng chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân; xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo 6 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2020 bao gồm một số kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Các lớp tập huấn, tham quan, dạy nghề đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất VAC giỏi trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay Hội NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh đã có tổng cộng 19.047 hội viên.

TUỆ NHƯ

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất