, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/12/2020, 15:03

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD

THÙY DUNG

Chiều nay, (24/12), Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Ảnh: An Lãng.
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Ảnh: An Lãng.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: “Năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy”. Cụ thể, đại dịch Covid-19, các hiện tượng thiên tai khốc liệt dị thường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu nguy cơ bùng nổ đã đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

“Dù vậy, với nỗ lực vượt khó, sáng tạo, khát vọng vươn lên, bám sát thực tiễn, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, năm 2020 nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Điều đó đã được thể hiện ở những con số ấn tượng. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.

Về trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là đối với cây trồng chủ lực. Nhờ đó, sản lượng lúa đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85%, giá gạo xuất khẩu được nâng cao từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020. Diện tích cây ăn quả đạt 1,1 triệu ha, tăng 40 nghìn ha so với năm 2019; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực (xoài, thanh long, cam, bưởi,... ) sản lượng tăng từ 4 - 9% so với năm 2019.

Trong chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%.

Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019; trong đó khai thác ước đạt 3,8 triệu tấn tăng 2,5%, nuôi trồng 4,56 triệu tấn tăng 1,4%.

Chế biến thủy sản.
Chế biến thủy sản.

Công tác phát triển rừng tiếp tục được Bộ và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng. Cả nước đã chuẩn bị được gần 850 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích trồng mới tập trung đạt 220 nghìn ha, đạt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển. Đặc biệt, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy vậy, vẫn duy trì 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo); thặng dư thương mại ước đạt 10,3 tỷ USD.

Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2020, thành lập mới được 14 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.555 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 Liên hiệp HTX NN, 17.300 HTX NN; thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.

Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh đã áp dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…; nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc; đến hết năm 2020 phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm OCOP.

Một trong những điểm nhấn của ngành nông nghiệp trong năm qua phải kể đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện đã có 5.506 xã (bằng 62%),  173/664 huyện (bằng 26%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đã có 12 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng, kinh tế nông thôn.

Đường hoa khang trang, sạch đẹp tại nông thôn.
Đường hoa khang trang, sạch đẹp tại nông thôn.

Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiến độ thực hiện và giải ngân một số dự án thủy lợi lớn, quan trọng đã cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra, phát huy hiệu quả đầu tư.

Giữ vai trò là cơ quan thường trực, công tác phòng chống thiên tai đã được Bộ NN&PTNT chủ động triển khai thực hiện. Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời tham mưu ưu tiên bố trí các nguồn lực nhằm kịp thời phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Qua đó đã sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với những kết quả trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Năm 2020 là một năm đầy gian nan, thử thách chưa từng có, một năm vượt khó đi lên với sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, toàn ngành, các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân. Chúng ta đã căn bản đạt được các mục tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ, đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho lao động xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid. Tạo ra tiền đề tốt hơn cho giai đoạn phát triển tới đây”.

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất