, //, :: GTM+7

TP.HCM: Bổ sung nguồn nước mặt để giảm khai thác nước ngầm

TUẤN ANH
Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn dự báo đến năm 2025, độ mặn trên các nhánh sông Sài Gòn vào khoảng 0,25%, mức độ thâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền ước sẽ cách trạm bơm Hòa Phú (huyện Củ Chi, TP.HCM) 0,7km và cách trạm bơm Hóa An (Đồng Nai) 3,7km.

Những con số báo động này cho thấy nếu TP.HCM không sớm có các biện pháp quyết liệt, khoa học, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn vào năm 2030.

An ninh nguồn nước bị đe dọa

Bên cạnh nhiễm mặn, ô nhiễm rác thải hữu cơ đang gia tăng nhanh do lưu vực sông Sài Gòn chạy qua các khu công nghiệp trọng điểm ở Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, hầu hết các nguồn nước mặt tại TP.HCM đã bị ô nhiễm, vượt chuẩn loại B từ 5 - 10 lần (là loại được khuyến cáo không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt).

Các trạm bơm như Hòa Phú và Hóa An cung cấp nước thô cho cụm nhà máy nước Tân Hiệp, nhà máy nước Thủ Đức (cung cấp khoảng 90% nước sạch sinh hoạt cho TP.HCM) lại đặt ở khu vực hạ lưu, nơi chất lượng nguồn nước thô chưa bao giờ được đánh giá là tốt nhất vì ảnh hưởng khai thác phía thượng nguồn. Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), lo ngại nếu không có biện pháp khắc phục, đến năm 2035, TP.HCM có thể sẽ cạn kiệt các nguồn nước có thể khai thác.

Ngoài nguồn nước mặt, hiện nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn là hơn 700.000m3/ngày. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết tình trạng khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân chủ yếu khiến TP sụt lún trên diện rộng (trung bình 40mm/năm, có nơi nặng nhất 67mm/năm). Điều này buộc TP phải tìm giải pháp bổ sung, thay thế nguồn cung cấp nước mặt và hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm để đảm bảo an ninh nguồn nước, ngăn chặn tình trạng sụt lún đất ở đô thị trong thời gian tới.

Bổ sung nguồn cấp nước mặt

Cơ sở hạ tầng xử lý, cung cấp nước đầu tư từ lâu có dấu hiệu xuống cấp, chưa được cải tạo đã hạn chế rất nhiều năng lực ứng phó khi có sự cố khẩn cấp. Để khắc phục tình trạng này, từ nay đến năm 2030, TP.HCM kêu gọi đầu tư xây dựng tổng cộng 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất xử lý khoảng 3.000.000m3 nước thải/ngày. UBND TP.HCM giao Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn và các đơn vị cấp nước trên địa bàn TP nghiên cứu đổi mới mô hình công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành để tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước, đảm bảo thu gom và cấp nước hiệu quả, chất lượng…

Ngành nước TP.HCM đã có kế hoạch di dời các nhà máy nước ở hạ nguồn lên thượng nguồn, bổ sung nguồn cung cấp nước thô lấy từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) và có thể cả hồ Trị An (Đồng Nai). TP.HCM cũng lên phương án xây dựng thêm hồ chứa (cách ngã ba sông Sài Gòn và sông Thị Tính 1km về phía thượng nguồn để tránh ô nhiễm, xâm nhập mặn) với dung tích 5.000.000m3, dự kiến có thể dự trữ, cung cấp nước sạch cho người dân TP trong vòng 7 ngày. Việc này sẽ giúp TP đảm bảo an ninh nguồn nước khi có sự cố khẩn cấp xảy ra.

Sawaco cam kết mức khai thác nước ngầm sẽ giảm còn 30.000m3/ngày (lượng nước này được đưa vào chế độ dự phòng). Để đảm bảo an toàn cấp nước cho TP, Công ty sẽ từng bước tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với tổng công suất 600.000m3/ngày.

Giảm mạnh việc khai thác nước ngầm

Mới đây, UBND TP.HCM ban hành “Kế hoạch thực hiện Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM năm 2021, điều chỉnh Quy hoạch Cấp nước TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”. Theo đó, ngay trong năm 2021 sẽ giảm khai thác nước ngầm ít nhất 16.650m3/ngày. Lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM còn 100.000m3/ngày. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: Việc giảm khai thác nước ngầm sẽ hướng đến 4 nhóm đối tượng chính: hộ gia đình; khu chế xuất - khu công nghiệp; nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất bên ngoài các khu chế xuất - khu công nghiệp nhưng không phải hộ gia đình và Sawaco. 

Cụ thể, Sở đã đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm, chỉ tiêu 32% với đối tượng là hộ dân, doanh nghiệp có lượng khai thác dưới 20m3/ngày do các địa phương quản lý. Với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, khu chế xuất - khu công nghiệp do Sở TN&MT TP.HCM quản lý, Sở sẽ báo cáo ngừng cấp giấy phép 151 công trình với tổng lượng khai thác nước hơn 50.000m3/ngày. Đồng thời trám lấp giếng khai thác nước dưới đất, chấm dứt việc khai thác nước ngầm ở khu vực nội thành.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất