, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 13/11/2021, 11:39

TP.HCM: lan tỏa nhiều mô hình giảm rác thải nhựa

NGUYỄN CHÂU
(plo.vn)
TP.HCM tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa bằng việc làm cụ thể nhằm thay đổi thói quen, nhận thức của nhiều người.

Thời gian qua, người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa. Những hành động này đã góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của cơ quan có thẩm quyền về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.

Thay túi nylon bằng túi tự phân hủy

Điển hình như việc UBND quận 1 (TP.HCM) đã tổ chức tốt tuyên truyền về nguồn gốc và tác hại của túi nylon khó phân hủy, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nylon khi mua hàng, bán hàng tại các chợ, các hộ kinh doanh. Việc làm này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của túi nylon và các giải pháp hạn chế sử dụng chúng.

Theo đó, UBND quận 1 đã vận động cá nhân, tổ chức bán lẻ, đơn vị khách thuê trong khuôn viên siêu thị, tòa nhà không dùng túi nylon khó phân hủy khi phục vụ khách hàng, người tiêu dùng. Thay vào đó, quận khuyến khích các cơ sở này dùng sản phẩm, nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường như các loại túi tự hủy sinh học, túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, lá sen, lá chuối, màng bọc thực phẩm sinh học…

Cơ quan chức năng cũng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi vải, làn mây, túi thân thiện với môi trường khi đi mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị. Các nhà cung cấp được quận khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, dùng giấy tái chế thay thế nylon bao gói các sản phẩm. Đối với hoạt động của nhân viên văn phòng, cán bộ, công nhân viên, các đơn vị cũng vận động nhân viên chủ động thay thế, giảm sử dụng các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hằng ngày.

Tương tự, UBND quận Tân Phú (TP.HCM) cũng tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, công nhân, người lao động không sử dụng túi nylon đựng thực phẩm, dùng chai đựng nước bằng thủy tinh, bình nước inox thay cho chai nhựa. Qua đó, nhiều người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tự giác tham gia phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Nhiều người dân khi đi chợ, siêu thị đã chủ động sử dụng túi vải thay vì túi nylon.

Hội Môi trường xây dựng Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM tái sử dụng chai nhựa để trồng cây. Ảnh: BQ

Doanh nghiệp đồng hành cùng người dân

Giống như nhiều người khác, chị Phan Thị Hồng (ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) đã thay đổi hẳn thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần rồi bỏ.

“Từ những thông tin trên báo chí, truyền hình và từ tuyên truyền của chính quyền địa phương, tôi đã thấy được mức độ nguy hại của nhựa dùng một lần. Vì thế, tôi đã thay đổi thói quen chủ động mang túi xách đi chợ để đựng đồ ăn thay vì đựng bằng nhiều túi nylon.

Khi đi làm, tôi mang theo bình đựng nước bằng inox chứ không còn dùng ly hay chai nhựa nữa. Tôi nghĩ mỗi người có ý thức một chút thì lượng rác thải nhựa sẽ giảm đáng kể” - chị Hồng chia sẻ.

Từ nhiều năm qua, bà Phan Thị Thúy Phượng (Giám đốc một công ty bao bì thân thiện với môi trường) đã kiên trì đến các chợ tuyên truyền đến tiểu thương sử dụng túi nylon thân thiện để thay thế túi nylon sử dụng một lần. Với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và ban quản lý các chợ nên số lượng túi nylon tự hủy đã có mặt rất nhiều tại các chợ ở TP.HCM.

Bà Phượng nói: “Trong một thời gian dài đích thân tôi đã đến rất nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM để tuyên truyền, vận động các tiểu thương sử dụng túi nylon thân thiện và rất vui vì ngày càng có nhiều người chuyển đổi”.

Bà Phượng cho biết trong thời gian TP.HCM và các tỉnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19, công ty bà đã cung cấp nhiều loại bao bì tự hủy đến nhiều nơi để đựng cơm. Thời gian tới, bà sẽ cùng một công ty lên kế hoạch thu gom túi nylon sạch để tái chế thành túi thời trang. Dự án này vừa có thể giúp cộng đồng hạn chế túi nylon khó phân hủy, vừa có thể tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ có nhu cầu làm việc ở nhà.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất