, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 05/10/2022, 13:10

TP.HCM: Số ca tử vong do sốt xuất huyết cao kỷ lục trong 10 năm qua

DIỆU LINH
Tối 4/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 62.085 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết nặng tại bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM (Ảnh: Sức khỏe & Đời sống)

Tuy số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 40 (tính đến ngày 2/10/2022) đã giảm gần 14% so với trung bình 4 tuần trước tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia dự báo, dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm và tử vong do sốt xuất huyết vẫn có thể tăng cao do đang vào đỉnh dịch hàng năm. 

Sáng 3/10, trong cuộc họp giao ban của Sở Y tế TP.HCM về hoạt động trọng tâm quý 4/2022 và tình hình dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Thượng Chí cho biết: “Trong 10 năm liên tục, chưa có năm nào có 25 ca tử vong như thế này, dịch bệnh chưa có dấu hiệu đi xuống, còn có nguy cơ tăng”. 

Vận dụng bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch Covid-19, nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, ngày 4/10 Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh thực hiện mô hình tháp ba tầng để chống dịch sốt xuất huyết. 

Theo đó, tầng 1 sẽ là các Trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Sở y tế yêu cầu tất cả các nhân viên y tế thuộc các cơ sở y tế tầng 1 phải được tập huấn hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết và đảm bảo không bỏ sót trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh nào.

Với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải được hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà, cách phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng. Khi phát hiện có dấu hiệu cảnh báo nặng, tuyệt đối không được lạm dụng chỉ định truyền dịch trong điều trị mà cần chuyển người bệnh sớm đến các cơ sở y tế thuộc tầng 2 - 3. 

Tầng 2 là các bệnh viện tuyến huyện, tuyến thành phố, các bệnh viện đa khoa khu vực và tư nhân có điều trị bệnh lý nhiễm. Ở các bệnh viện tầng 2 sẽ chịu trách nhiệm phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu đến khám hoặc các bệnh nhân được chuyển đến từ tầng 1, điều trị tích cực theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sớm chuyển đến bệnh viện tầng 3 khi không đáp ứng điều trị. 

Các trường hợp người bệnh có diễn tiến nặng, cần được hội chẩn khẩn cấp hoặc kích hoạt quy trình báo động đỏ đến Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết thuộc Sở Y tế. Đặc biệt tuyệt đối không chuyển viện người bệnh trong tình trạng nguy kịch hoặc chưa liên hệ được bệnh viện tầng 3 để chuyển viện. 

Tầng 3 là các bệnh viện chuyên khoa nhiễm (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) và các bệnh viện đa khoa được Sở Y tế phân công là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết.

Tại đây, các bệnh viện cần thành lập các đơn vị khoa hồi sức sốt xuất huyết, chịu trách nhiệm tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân mắc bệnh nặng được chuyển đến từ tầng 1 và tầng 2. Ngoài ra, các bệnh viện ở tầng 3 cũng cần cử ra nhân sự tham gia Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết thuộc Sở Y tế, tham gia quy trình báo động đỏ liên viện khi được yêu cầu. 

Cùng với đó, Sở Y tế cũng lưu ý việc áp dụng phân tầng trong điều trị sốt xuất huyết có điểm khác so với điều trị Covid-19 là không chuyển ngược người bệnh về tầng thấp hơn. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất