, //, :: GTM+7

TP.HCM và nguy cơ thiếu nước sạch

TUẤN ANH

Nếu không nhanh chóng phát triển hạ tầng cung cấp nước kịp với tốc độ phát triển của đô thị, chỉ trong vài năm tới, TP.HCM - trung tâm kinh tế xã hội lớn nhất nhì đất nước, sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân. Đó là chưa kể đến việc đảm bảo an ninh nguồn nước ở thành phố này còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác…

Chuyên viên Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nước sạch Sài Gòn kiểm tra hệ thống xử lý nước tại điểm khai thác Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai.

TP.HCM khai thác 94% lượng nước thô từ nước mặt ở hạ lưu sông Đồng Nai và lưu vực sông Sài Gòn để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Điều đáng nói, đây là khu vực thường xuyên bị xâm nhập mặn và chất lượng nước khá bấp bênh (do phụ thuộc vào khả năng kiểm soát nước thải của chính quyền các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực).

Nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước thô

Hiện tại, nguồn nước thô ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đều đang có xu hướng ô nhiễm và nhiễm mặn, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và các loại vi khuẩn, như coliform (loại vi khuẩn có trong chất thải của động vật), ô nhiễm nước do rác thải nhựa, đặc biệt là vi nhựa (là các sợi và hạt nhựa có kích thước nhỏ dưới 5mm, rất khó xử lý).

Theo TS Kiều Lê Thủy Chung - khoa Địa chất và Kỹ thuật Dầu khí, Đại học Bách Khoa TP.HCM - vi nhựa có nhiều trong nước thải sinh hoạt và công nghiệp, nó được tìm thấy ở nước mặt hoặc trầm tích của các ao, hồ, sông, nước biển và cả từ nước mưa. Kết quả phân tích chất lượng nước mà Tiến sĩ Chung và cộng sự ở Trung tâm châu Á Nghiên cứu về nước (CARE) thực hiện cho thấy trên sông Sài Gòn, mật độ vi nhựa đo được tại mỗi điểm có thể gấp 1.000 lần so với vi nhựa có ở sông của các nước phương Tây.

Đối với 6% lượng nước ngầm đang khai thác ở nhiều giếng khoan, tình trạng nhiễm vi khuẩn, vi sinh, coliform, hàm lượng ammonia, mangan cao, nồng độ pH cao… xảy ra khá phổ biến.

Không theo kịp tốc độ đô thị hóa

TP.HCM có tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ tăng dân số ở mức cao. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số do UBND TP.HCM công bố năm 2019, dân số thành phố có gần 9 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với năm 2009. Bình quân mỗi năm dân số thành phố tăng gần 200.000 người, tương đương dân số 1 quận. Tỷ lệ dân cư gia tăng nhanh ở khu vực nông thôn cũng được ghi nhận. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng ngành nước đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Trong khi đó, hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước hiện nay của TP.HCM chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu cấp nước sinh hoạt trong hiện tại và tương lai do được phát triển, đấu nối qua nhiều thời kỳ khác nhau, các điểm tiếp nhận cách xa các nhà máy nước nhưng lại thiếu hệ thống tăng áp, thiếu bể chứa trung gian; vùng phục vụ lại quá rộng v.v… Với mạng lưới đường ống như vậy, việc kiểm soát thất thoát nước sạch - vốn đã thiếu - là một vấn đề nan giải.

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), những năm trước đây, việc đầu tư cho hạ tầng chủ yếu là phát triển mạng lưới cấp nước. Hiện nay, nhu cầu nước sạch tăng nhanh do áp lực gia tăng dân số cơ học, Sawaco phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mới đáp ứng được nhu cầu, bao gồm phát triển mạng lưới cấp nước (áp dụng cho khu vực đông dân cư); xây dựng, nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước (áp dụng cho các khu vực xa nguồn nước tập trung của thành phố, khu vực nông thôn); lắp đồng hồ tổng (đây là giải pháp tạm thời cho các khu vực không có đủ điều kiện về hạ tầng để phát triển mạng lưới cấp nước); cung cấp bồn chứa nước tập trung, thiết bị lọc hộ gia đình (giải pháp tạm thời cho các khu vực nông thôn hoặc khu dân cư rải rác ở xa mạng lưới cấp nước, chưa có hạ tầng kỹ thuật). Các giải pháp này trước mắt đã đáp ứng được nhu cầu nước sạch sinh hoạt của gần 2,2 triệu hộ dân.

Tuy nhiên, giá nước thấp khiến việc đầu tư hoàn chỉnh và mở rộng mạng lưới cấp nước gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tại những khu vực dân cư thưa thớt, phân tán, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh. Khi đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước về quận 12 và các huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, nguồn vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao do tỷ lệ sử dụng nước sạch tại vòi của người dân thấp (nhiều hộ lắp đặt đồng hồ nhưng lại sử dụng nước từ giếng khoan). Thực tế này làm nguồn thu của ngành nước bị ảnh hưởng.

Kiểm tra chất lượng nguồn nước tại Nhà máy nước Thủ Đức III.

Tương tự, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (đơn vị cung cấp nước sạch cho huyện Củ Chi) những năm trước đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho hệ thống cấp nước về nông thôn. Tuy nhiên, trong hơn 70.000 đồng hồ nước lắp đặt đến tận nhà dân, có đến 36.000 đồng hồ không sử dụng nước liên tục trong 6 tháng, chiếm tỷ lệ 51%. Mặc dù khách hàng không sử dụng nước, đơn vị cấp nước vẫn phải tốn chi phí thực hiện các hoạt động nghiệp vụ cho những khách hàng này trong các khâu như ghi số nước, in và phát hành hóa đơn, sửa chữa rò rỉ mạng lưới… gây lãng phí cả về chi phí và nhân lực, chưa kể vốn đầu tư chậm được thu hồi nên rất khó tái đầu tư hoặc đầu tư mới.

Giải pháp nào để khắc phục?

Theo đề án Phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050, tổng công suất toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 3,6 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công suất này chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 10 năm tới. Trong 20 năm tiếp theo (2030 - 2050), hệ thống cần có thêm các nguồn cung cấp để đạt khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm nữa cho thành phố mới đủ.

Với mục tiêu đảm bảo mỗi người dân sống và làm việc tại TP.HCM đều được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ cung cấp nước sạch, chất lượng và ổn định, đảm bảo an ninh nguồn nước thô, đảm bảo cấp nước an toàn cho cả hệ thống, bằng hoặc vượt các yêu cầu của Chương trình quốc gia về cấp nước an toàn, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp táo bạo để khắc phục những tình trạng đã được đề cập ở trên.

Một trong những giải pháp đó là việc di dời dần các điểm khai thác nước thô ở hạ lưu lên phía thượng nguồn sông Đồng Nai và sông Sài Gòn để hạn chế ô nhiễm. Theo đó, các nhà máy nước hiện có và nhà máy mới sẽ được cung cấp nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An, các cụm hồ dự trữ nước thô cũng sẽ được xây dựng.

Thành phố cũng dự kiến xây dựng nhà máy nước phía Đông thành phố (vị trí nhà máy có thể đặt tại thành phố Thủ Đức) với công suất 500.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn năm 2040; nhà máy nước phía Tây thành phố (vị trí nhà máy có thể đặt tại huyện Hóc Môn hoặc huyện Bình Chánh) sẽ sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn/hồ Dầu Tiếng, công suất giai đoạn 2040 là 500.000m3/ngày đêm, công suất giai đoạn 2050 là 2.000.000m3/ngày đêm.

Các hệ thống cấp nước thông minh như hệ thống thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển các quá trình từ xa (SCADA) cho nhà máy nước và trung tâm điều khiển phân phối (DCC) tích hợp với mô hình thủy lực, quản lý tài sản và hệ thống thông tin địa lý (GIS), giải pháp xây dựng và tích hợp cho hệ thống thông tin quản lý (MIS), hệ thống thông tin tài chính (FIS), hệ thống quản lý và kiểm kê tài sản (AIMS) cũng sẽ được tính đến để đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả cho hệ thống cung cấp nước nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước sạch cho người dân thành phố trong thời gian tới.

Theo ông Trương Công Nam - Ủy viên Ban thường vụ Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Cấp Thoát nước Miền Trung - Tây Nguyên việc đưa các nhà máy nước lên thượng nguồn là một giải pháp tốt nhằm giảm bớt sự lệ thuộc, hoặc cắt đứt nguồn cung cấp nước thô bị ô nhiễm do hậu quả xả thải của các khu công nghiệp và khu đô thị nằm ở phía thượng lưu lưu vực sông. Qua đó sẽ giảm bớt được chi phí quản lý, vận hành. Điều quan trọng hơn là nó góp phần đảm bảo an ninh cấp nước, đặc biệt là trong mùa lũ.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất