, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/11/2021, 11:07

Trả lương cao, làng nghề vẫn “khát” nhân lực

LAN NHI
(laodong.vn)
Sẵn sàng chi trả mức lương hàng chục triệu đồng, nhiều xưởng sản xuất ở làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) vẫn khó thu hút người lao động có tay nghề, phục vụ sản xuất những tháng cuối năm.
Biển quảng cáo tuyển dụng lao động với lương cao được dán tại một cơ sở sản xuất ở thôn Hạ Thái (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội). Ảnh: Lan Nhi

Thiếu hụt lao động

Theo ghi nhận của PV Lao Động, trong những ngày gần đây nhiều xưởng làm tranh sơn mài truyền thống Hạ Thái đang nhanh chóng khôi phục lại sản xuất sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh việc nối lại các nguồn cung, các xưởng sản xuất ở đây còn tìm cách thu hút lại nguồn nhân công lao động bằng việc trả mức lương rất hậu hĩnh.

Dọc theo trục đường làng nghề sơn mài Hạ Thái, hàng loạt biển quảng cáo, tờ thông báo tuyển dụng được treo dán khắp mọi nơi. Nhiều chủ xưởng sản xuất đã liên tục phải đưa ra các gói ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm, thưởng dịp lễ Tết, kèm theo mức lương khủng thế nhưng họ vẫn phải “mỏi mắt” tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp. 

Đăng tin tuyển dụng gần 3 tháng nay, anh Hùng (chủ xưởng tranh sơn mài truyền thống Hạ Thái) vẫn chưa tuyển đủ người. Xưởng của anh vẫn thiếu hụt nhiều lao động có tay nghề cao ở một số công đoạn quan trọng. Với những hợp đồng nhận về cuối năm tăng cao, anh Hùng rất lo lắng vì không biết có xoay sở kịp, trả hàng cho khách đúng hẹn.

Anh Hùng chia sẻ: “Tôi đăng tin tuyển thợ vẽ, tìm hoạ sĩ, người biết làm nghề sơn mài căn bản đã nhiều tháng nay. Với mức lương đưa ra ưu đãi như vậy nhưng hiện tại xưởng vẫn đang thiếu khuyết những thợ có tay nghề.

Nhiều khi anh em trong làng cùng sản xuất, kinh doanh tranh sơn mài phải chạy vạy đi hỏi thăm, nhờ nhau tìm kiếm người làm nhưng cũng không ăn thua. Các xưởng sản xuất tranh sơn mài tại đây hầu như đều gặp khó khăn chung trong việc tuyển dụng người làm được việc, thợ đã có tay nghề. Trong khi đó, nguồn lao động trẻ có tay nghề ở Hạ Thái đã bị thiếu hụt nhiều năm nay”.

Chào mời người lao động với mức lương từ 8 - 20 triệu đồng/tháng, nghệ nhân Trương Mạnh Giầu (làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái) cũng lắc đầu ngao ngán, cho rằng, đây là một bài toán khó giải. 

Đầu ra chưa ổn định

Càng về những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp, xưởng sản xuất ở làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái đang phải đôn đáo tuyển dụng lao động để hoàn thành các đơn hàng đã đặt từ trước.

Mặc dù đã đưa ra mức lương hàng chục triệu đồng, kèm theo nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để “giữ chân” người lao động nhưng khi được hỏi, các chủ cơ sở sản xuất tại đây đều cho rằng vẫn rất khó tuyển dụng.  

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái - chia sẻ: “Trước đây, làng Hạ Thái có khoảng 80% hộ dân làm sơn mài. Nghề sơn mài được xem là nghề chính và đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân. Nhưng hiện nay, do một số hộ đã chuyển sang phát triển các ngành nghề mới, nhiều công ty, xí nghiệp lân cận mọc lên nên lực lượng lao động làng nghề sơn mài cũng tản mát và giảm mạnh”.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Thi (Trưởng thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái) cho biết: Hiện tại, ở làng Hạ Thái có khoảng 3.250 nhân khẩu, trong đó có 9 nghệ nhân, 2 nghệ nhân ưu tú đã được Nhà nước công nhận. Hằng năm, chính quyền thôn cũng đã nhiều lần đi vận động các gia đình có con em theo học các lớp thủ công mỹ nghệ miễn phí, tiếp nối nghề truyền thống của cha ông nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất