, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/07/2020, 09:21

Trả nợ mẹ rừng

DƯƠNG HOÀI

PGS.TS Trần Thị Thu Hà (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp - Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), người được đồng nghiệp yêu mến đặt cho biệt danh “Hà rừng”, vừa bước lên bục nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2019, một giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ. Đó thực sự là kết quả của tình yêu và công sức mà chị dành cho khoa học, cho cây cỏ núi rừng bền bỉ qua nhiều năm tháng.

 

PGS.TS Trần Thị Thu Hà (ngồi) và cộng sự.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (ngồi) và cộng sự.

Nuôi giữ nguồn dược liệu quý

Sinh ra ở vùng núi Con Cuông (tỉnh Nghệ An), cả tuổi thơ của chị gắn với màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Người dân quê chị sống nhờ rừng, thác cũng gửi gắm ở rừng. Rừng giàu có vậy, mà dân thì vẫn nghèo. Điều đó ám ảnh chị, thôi thúc chị quyết tâm theo đuổi ngành học Lâm sinh của Đại học Nông Lâm Thái Nguyên - một ngành học rất ít phụ nữ muốn chọn lựa, vì biết trước sẽ đầy vất vả, gian truân.

Ở trường đại học, cô sinh viên nghèo Trần Thị Thu Hà đã gây ấn tượng với thầy cô, bạn bè bởi sự nỗ lực và thành tích học tập đáng nể, luôn là sinh viên giỏi đứng đầu của khóa. Sau khi tốt nghiệp, chị được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Thời đó, tiếng Anh còn là “của hiếm”, nhưng ấp ủ ước mơ đi du học để nâng cao trình độ nên chị đã cần mẫn ôn luyện. Chị tâm niệm, muốn làm gì tốt cũng cần phải có kiến thức, trình độ. Với quyết tâm và nghị lục đó, chị đã giành được học bổng sang Na Uy, Úc học thạc sĩ rồi tiến sĩ, sau đó trở về trường tiếp tục công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Từ một giảng viên chính, thành giảng viên cao cấp, rồi được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, là cả một quá trình học hỏi, rèn luyện phấn đấu gian khổ của chị. Tuy nhiên với chị, trái ngọt ngày hôm nay không phải chỉ là những danh vị mà chị có được. Điều quan trọng hơn cả, chính là những kết quả nghiên cứu của chị được ứng dụng vào thực tế, mang lại lợi ích thực sự cho bà con, những người đang sống nhờ rừng ở mọi miền Tổ quốc.

Với 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng cây dược liệu và lâm nghiệp, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã chuyển giao ứng dụng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp của nhiều tỉnh như Thái nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam… Đặc biệt, chị đã có 12 giống dược liệu quý và 8 giải pháp hữu ích được Nhà nước cấp bằng bảo hộ...

Để dân sống được trên đất rừng

Khi mới bắt tay vào nghề, chị tập trung vào công tác bảo tồn và nghiên cứu về cây gỗ, với mục tiêu tuyển chọn và lai tạo những giống gỗ tốt phục vụ cho công tác trồng rừng, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Các nghiên cứu đầu tiên của chị tập trung vào hệ thống canh tác nông lâm kết hợp với sự tài trợ của Tổ chức FAO tại Bangkok (Thái Lan). Sau đó, chị đã làm việc với rất nhiều tổ chức quốc tế như CARE, UNDP, GTZ, Ausaid… về các chương trình dự án liên quan đến phát triển sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên. Đến nay, hằng năm cơ sở của chị vẫn cung cấp từ 3 đến 5 triệu cây giống chất lượng cao các dòng keo lai và bạch đàn lai cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Những chuyến công tác dài ngày, làm việc với lãnh đạo địa phương, sống cùng với đồng bào đã khiến chị nhận ra chính sách cho phát triển lâm nghiệp và sinh kế vùng cao tương đối hoàn hảo ở tầm vĩ mô, nhưng ở các vùng núi cao vẫn rất khó để thành công, bởi các yếu tố đặc thù. Vậy giúp đồng bào bằng cách nào để thiết thực nhất? Chị không ngừng trăn trở về điều này. Và rồi, một hướng đi đã được vạch ra rất rõ ràng, đó là tập trung vào phát triển cây dược liệu, nhất là khi nguồn dược liệu quý ở Việt Nam đang bị mai một dần, thậm chí có nhiều loài đã được ghi vào sách đỏ. Chị đã tự “buộc” cho mình một phận sự, đó là bảo tồn các giống cây đồng thời phát triển kinh tế, sinh kế cho các đối tượng nghèo và vùng núi xa xôi hẻo lánh. Với chị, phải giúp người dân trồng cấy, khai thác dược liệu một cách bền vững, hiệu quả, thay vì chỉ biết khai thác trong tự nhiên.

Trong suốt 10 năm ròng, chị cùng các cộng sự của mình miệt mài nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và nuôi trồng thành công nhiều loại cây dược liệu quý của Việt Nam. Những giống dược liệu mà chị nghiên cứu đều mang lợi ích kinh tế cao như thông đất, lan kim tuyến, gừng gió, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân tím, sói rừng, kim ngân hoa, sâm Ngọc Linh… Chị chia sẻ, một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nghiên cứu của chị là nhân giống cây thông đất, loại cây có chứa hoạt chất Hupper A chữa bệnh teo não, bằng nuôi cấy mô tế bào. Chị cùng các cộng sự của mình đã quên ăn, quên ngủ, chạy đua cùng thời gian để kịp tiến độ theo yêu cầu của dự án FISRT do Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới chủ trì. Thật may mắn, công sức của chị đã được đền đáp, chị đã nắm trong tay bí kíp nhân giống loại cây quý hiếm và rất “khó tính” này.

Nghiên cứu, tạo ra những cây giống có chất hoạt tính dược liệu tốt, có thể trồng ở quy mô lớn nhưng để người dân tin tưởng và làm theo, chị phải đích thân đi đến vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn cho người dân bản địa. Không chỉ hướng dẫn cách trồng dược liệu, chị còn phải cam kết thu mua tiêu thụ sản phẩm của bà con, liên kết để cung cấp nguyên liệu cho những công ty, tập đoàn lớn sản xuất các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng. Nhờ đó, không ít người dân địa phương đã có thể sống được trên đất rừng.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà (trái) và cộng sự.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (trái) và cộng sự.

Tiếp tục con đường đã chọn

Một ngày làm việc của chị Hà thường bắt đầu từ 6 giờ sáng để kiểm tra vườn ươm giống, khu khảo nghiệm giống và kết thúc công việc tại phòng thí nghiệm khi chiều muộn. Dù bận rộn với vai trò quản lý, tham gia tư vấn hàng chục dự án ở nhiều quy mô khác nhau, nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian, tâm sức cho nghiên cứu khoa học và hướng dẫn các luận văn thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ. Để truyền cảm hứng cho thế hệ sau, chị luôn tâm niệm bản thân mình phải là một người “4 thực”: làm thực, nói thực, hiểu biết thực và tâm huyết thực. Đó là lý do mà nhiều nhà nghiên cứu trẻ mong được chị hướng dẫn, dìu dắt trên con đường khoa học.

Nói về cái giá phải trả trên con đường nghiên cứu khoa học, chị cho biết, phụ nữ có nhiều vất vả thiệt thòi hơn nam giới. Chị đã từng phải xa con gái đầu lòng khi con mới được 20 tháng tuổi để đi làm nghiên cứu sinh ở Úc, sau đó lại xa con trai thứ 2 khi cũng chưa đầy 2 tuổi để đi học ở Mỹ. Chị đã từng phải chờ con ngủ rồi tranh thủ làm việc vào ban đêm, từng nhiều ngày không biết đến bữa cơm gia đình khi đêm muộn mới rời phòng thí nghiệm… Rất may, chị có gia đình hai bên nội ngoại giúp đỡ, có một người chồng hiểu và ủng hộ niềm đam mê khoa học của vợ. Chị tự hào vì con gái đầu lòng nay đã đi du học ở Úc, con trai nhỏ rất ngoan và học hành giỏi giang. Sau tất cả, chị hài lòng vì những nỗ lực của mình đã được đền đáp nhưng chị tâm sự, tất cả vẫn đang trong một hành trình dài.

Chị vẫn có mong muốn tiếp tục đào sâu nghiên cứu những công trình hướng tới lợi ích cho các khu vực miền núi, trung du, đồng bào thiểu số. Và đặc biệt, các nghiên cứu tiếp theo của chị sẽ tập trung hơn vào vấn đề thu hoạch và chế biến các sản phẩm thô trở thành những sản phẩm tinh, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ cho người dân. Đó là con đường chị đã chọn và sẽ gắn bó mãi mãi.

DƯƠNG HOÀI

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất