, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 01/04/2022, 14:06

Trà Vinh tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản

TUẤN ANH
Trong hai ngày 30 và 31/03, tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Hội làm vườn Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu, kết nối, hợp tác để phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản địa phương.
Hơn 80 đơn vị, doanh nghiệp, HTX ở ba miền đã tham gia hoạt động thiết thực này.

Thông qua hoạt động này, các bên tham gia có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, xây dựng và phát huy hiệu quả “liên kết 04 nhà” (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) trong hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản...

Tại buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh, PGS.TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam đề xuất 10 lĩnh vực mà các chuyên gia, doanh nghiệp qua sự kết nối của Hội làm vườn Việt Nam có thể hỗ trợ tỉnh Trà Vinh. Bao gồm: Chuyển đổi số trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết sản xuất - tiêu thụ - truy xuất nguồn gốc, bảo quản chế biến nông sản - sấy - kho lạnh, tư vấn sử dụng đất, tư vấn quy trình canh tác, tư vấn chứng nhận Gap -Organic, tổ chức diễn đàn - hội thảo - tập huấn - đào tạo, tham quan học tập kinh nghiệm trong - ngoài nước, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp…

PGS.TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam phát biểu tại Hội thảo kết nối giao thương

Tham gia chương trình kết nối, các doanh nghiệp đã phân tích những thế mạnh, hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương, đề xuất những cơ chế hợp tác trong thời gian tới. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cam kết hỗ trợ các HTX, nông hộ tại địa phương về vốn, vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp tốt theo mô hình VietGap và GlobalGap. Việc chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, bao tiêu sản phẩm… cũng sẽ được thúc đẩy.  

Ông Nguyễn Thái Việt Huy (áo xanh) đang giới thiệu sản phẩm máy bay không người  lái (drone) phục vụ tưới tiêu “made in Viet Nam” do công ty Mismart sản xuất. Drone có thể tích chứa từ 20-30 lít, với công suất tưới 1ha/15 phút

Các nhà khoa học cũng chia sẻ thông tin về các tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ như hệ thống tưới tiêu thông minh, máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu tự động, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn... 

Trà Vinh hiện có 79% diện tích đất nông nghiệp. Phần lớn diện tích có thể xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản, chuyên canh trồng các loại màu (rau, củ, quả), các loại cây ăn trái theo tiêu chuẩn nông sản sạch phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đây là vùng có thể phát triển nuôi trồng đa dạng sinh học vùng nước ngọt, nước lợ, nước mặn. 

Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, một trong những hạn chế hiện nay đối với nông nghiệp Trà Vinh là người dân còn có thói quen canh tác cũ, việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc phòng trừ sâu bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ, khiến các sản phẩm nông sản chưa được đánh giá cao, khó đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Các đại biểu tham dự cũng đã tham quan một số mô hình trang trại tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh. 

Ông Dũng khẳng định những giải pháp được các chuyên gia đưa ra sẽ giúp ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ hướng đến việc tổ chức sản xuất trên cơ sở tăng cường thâm canh, nâng cao hệ số sử dụng đất, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

“Chúng tôi mong những hoạt động kết nối tương tự sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, giúp người nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, ổn định sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị nông sản" - ông Dũng nói.

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh có kế hoạch xây dựng và phát triển vùng chuyên canh sản xuất rau, đậu, thực phẩm chất lượng cao từ 1500 - 2000 hecta với sản lượng từ 40 - 50 ngàn tấn. Xây dựng vùng sản xuất rau, củ, quả theo hướng an toàn, áp dụng công nghệ cao theo quy trình VietGap diện tích khoảng 40 ngàn hecta, sản lượng 1 triệu tấn phục vụ 2 thị trường lớn là TP.HCM, Cần Thơ và phục vụ xuất khẩu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất