, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 13/11/2021, 14:00

Trái đất có Mặt trăng thứ 2 trong ít nhất 300 năm tới

THANH HÀ
(laodong.vn)
Tiểu hành tinh gần Trái đất Kamo’oalewa, có thể thực sự là một mặt trăng thu nhỏ, theo nhóm nghiên cứu do Đại học Arizona, Mỹ, dẫn dắt.
Tiểu hành tinh Kamo'oalewa gần hệ thống Trái đất-Mặt trăng. Ảnh: Đại học Arizona

Tiểu hành tinh gần Trái đất Kamo’oalewa được đặt tên theo tiếng Hawaii có nghĩa là một thiên thể đang chuyển động. 

Tiểu hành tinh Kamo’oalewa có thể là một mảnh vỡ của Mặt trăng, theo một bài báo mới công bố trên tạp chí Nature Communications Earth and Environment. 

Kamo'oalewa là một bán vệ tinh - phân loại phụ của những tiểu hành tinh gần Trái đất quay quanh Mặt trời nhưng vẫn tương đối gần Trái đất. Nhân loại có ít thông tin về những bán vệ tinh như Kamo’oalewa do nhóm vật thể này mờ nhạt và khó quan sát. Kamo'oalewa mờ hơn khoảng 4 triệu lần so với ngôi sao mờ nhất mà mắt người có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm. 

Kamo'oalewa được kính thiên văn PanSTARRS ở Hawaii phát hiện năm 2016. Tiểu hành tinh này có kích thước gần bằng một vòng đu quay, với đường kính từ 45-60m và cách Trái đất khoảng 14,5 triệu km. 

Do quỹ đạo của Kamo'oalewa, các nhà thiên văn học chỉ có thể quan sát được tiểu hành tinh này từ Trái đất trong vài tuần vào tháng 4 hàng năm. Kích thước tương đối nhỏ của Kamo’oalewa khiến tiểu hành tinh này chỉ có thể quan sát được bằng một trong những kính thiên văn lớn nhất trên Trái đất.

Sử dụng kính thiên văn Large Binocular Telescope Observatory ở núi Graham ở miền nam Arizona, nhóm các nhà thiên văn học do nghiên cứu sinh khoa học hành tinh Ben Sharkey dẫn dắt phát hiện ra mô hình ánh sáng phản xạ của Kamo'oalewa khớp với đá mặt trăng từ các sứ mệnh Apollo của NASA, cho thấy tiểu hành tinh này có nguồn gốc từ Mặt trăng.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Arizona tin rằng Kamo'oalewa có thể văng vào không gian vũ trụ sau một vụ va chạm Mặt trăng cổ đại. Ảnh: AFP/Getty

Nhóm vẫn chưa thể chắc chắn tiểu hành tinh được tách ra bằng cách nào bởi một phần là do chưa từng có tiểu hành tinh nào khác được biết đến có nguồn gốc từ Mặt trăng. 

Quỹ đạo của Kamo'oalewa là một manh mối khác về nguồn gốc Mặt trăng của tiểu hành tinh này. Quỹ đạo của tiểu hành tinh này tương tự như Trái đất, nhưng có độ nghiêng nhỏ nhất. Quỹ đạo của Kamo'oalewa cũng không phải là điển hình của các tiểu hành tinh gần Trái đất, theo đồng tác giả nghiên cứu Renu Malhotra, giáo sư khoa học hành tinh ở Đại học Arizona, người đứng đầu phần phân tích quỹ đạo của nghiên cứu.

“Kamo'oalewa sẽ không ở trong quỹ đạo cụ thể này quá lâu, chỉ khoảng 300 năm trong tương lai, và chúng tôi ước tính rằng nó đã đến quỹ đạo này khoảng 500 năm trước" - bà Malhotra nói. Phòng thí nghiệm của bà cũng đang nghiên cứu thêm về nguồn gốc của tiểu hành tinh này. 

Cũng viết về nghiên cứu tiểu hành tinh Kamo’oalewa của Đại học Arizona, tạp chí Times nhận định, như vậy, Trái đất có một Mặt trăng thứ 2, ít nhất là trong vòng 300 năm nữa.

Tiểu hành tinh Kamo’oalewa quay quanh Trái đất theo một quỹ đạo xoắn ốc lặp đi lặp lại đưa thiên thể này tiếp cận Trái đất gần hơn không quá 40 đến 100 lần khoảng cách 384.000 km của Mặt trăng - vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Đường bay kỳ lạ của Kamo’oalewa trong vũ trụ là do lực hấp dẫn kéo đẩy của Trái đất và Mặt trời khiến tiểu hành tinh này không thể đạt được quỹ đạo bình thường. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất