Tạo nhiều sinh kế, phát huy tinh thần tự lực vươn lên
Là huyện miền núi, nằm ở phía tây của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê được ví như “chảo lửa, túi mưa” của cả nước.
Mùa nắng nền nhiệt thường cao hơn các địa phương khác 1 - 2 độ C. Mùa mưa, chưa nơi nào ngập lụt thì Hương Khê đã phủ kín màu nước bạc. Chính đặc thù thời tiết khắc nghiệt nên cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Thuộc diện hộ nghèo, nhà có 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 sào lúa, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (xã Hương Đô) cứ rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu trước, hụt sau.
Cuối năm 2022, gia đình chị Nhung được hỗ trợ 7,5 triệu đồng để mua bê giống, vợ chồng chị bàn nhau vay thêm 8 triệu đồng để mua một con bò đang mang thai, chỉ khoảng 1 tháng thì bò đã sinh một con bê, gia đình chị bán được 7 triệu đồng lấy vốn tiếp tục gầy đàn.
“Được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo huyện cũng như chính quyền địa phương, hiện nay từ một con bò ban đầu, giờ gia đình tôi đã có thêm được 2 con bê. Hơn thế, năm 2023, được Bộ Công an làm cho căn nhà, vợ chồng tôi đã có chỗ tránh nắng, trú mưa. Cuộc sống gia đình từ đó cũng khấm khá hơn”, chi Nhung chia sẻ.
Cách gia đình chị Nhung không xa là gia đình anh Ngô Văn Ánh. Vợ mất vì bạo bệnh, một mình nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi lớn, cuộc sống của bốn bố con cũng chỉ quẩn quanh 3 sào ruộng. Cuối năm 2022, gia đình anh được hỗ trợ 7,5 triệu đồng để mua bê giống. Anh vay thêm 2,5 triệu đồng mua một con bò sinh sản giá 10 triệu đồng. Do tích cực chăm sóc, phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ chăn nuôi - thú y xã nên chỉ sau 1 năm con bò giống đã làm mẹ rồi sinh sản được 1 bê con.
“Ngoài việc tiếp tục gầy dựng đàn bò, cây dó trầm cũng đến thời kỳ thu hoạch nên cuộc sống của bố con tôi dần ổn định hơn. Có điều kiện để cho các con đi học đại học, cao đẳng”, anh Ánh chia sẻ.
Trao đổi với Nông thôn Việt, ông Nguyễn Trí Đồng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền đã giúp người nghèo được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo; có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Các mô hình đã và đang thực hiện gồm nuôi gà, bò sinh sản… Riêng đối với bò sinh sản thì địa phương sẽ hỗ trợ trực tiếp tiền mặt, người dân tự mua giống, sau khi các hộ mua giống chính quyền huyện, xã sẽ xuống nghiệm thu đồng thời gắn chip để quản lý”.
Đa dạng hóa sinh kế, phát huy hiệu quả các mô hình
Thực tế, để giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, mỗi địa phương ở Hà Tĩnh đều có những cách làm khác nhau để phù hợp với thực tiễn.
Huyện Cẩm Xuyên tiếp tục thực hiện các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển 41 mô hình giảm nghèo tại 23 xã, thị với 404 hộ tham gia.
Đối với huyện Hương Sơn, ngoài định hướng chọn hỗ trợ bò giống, dê giống… thì để phát huy tối đa hiệu quả “cần câu cơm”, huyện đã trích ngân sách để phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng khó khăn, đào tạo nghề cho người lao động; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho người nghèo, cận nghèo…
Có thể khẳng định, việc trao “cần câu” đã tạo nguồn sinh kế hiệu quả để người dân có điểm tựa vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình đẩy mạnh chăn nuôi, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất.