, //, :: GTM+7

Trái phiếu xanh kênh huy động vốn cho tăng trưởng xanh

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Nhu cầu vốn cho phát triển các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, là rất lớn.

Nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh: lớn

Trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững là phương tiện huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường - xã hội và tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững, gọi chung là các dự án xanh. Nhu cầu vốn cho phát triển các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, là rất lớn.

Những năm gần đây, sự phát triển của thị trường trái phiếu dán nhãn, đặc biệt là trái phiếu xanh, đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư quốc tế. Cộng đồng nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ hưu trí, công ty quản lý tài sản, cá nhân có tài sản lớn) với danh mục đầu tư lớn, bao gồm cả những khoản đầu tư có mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững, đang ngày càng tìm kiếm các cơ hội đầu tư xanh từ các thị trường đang phát triển.

Theo báo cáo gần đây của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), giá trị phát hành trái phiếu xanh năm 2019 ở các thị trường đang phát triển đạt 52 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2018, góp phần đưa tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh ở các thị trường này lên 168 tỷ USD.

Ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhu cầu về trái phiếu xanh, xã hội và bền vững tiếp tục đạt mức đặt mua cao kỷ lục. Theo một báo cáo khác vào đầu năm 2021 của Moody’s, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững trên thế giới đạt mức kỷ lục 491 tỷ USD vào năm 2020.

Phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam: chậm

Tại Việt Nam, từ 5 năm trước, khái niệm trái phiếu xanh nói riêng và các sản phẩm tài chính xanh đã chính thức được đưa vào khuôn khổ pháp lý như một cam kết mạnh mẽ về phát triển thị trường vốn xanh và bền vững. Bộ Tài chính khi đó đã có Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Theo đó, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính xanh sẽ mở ra kênh huy động vốn mới, thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… đang diễn biến phức tạp gần đây, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng tái tạo - điều mà hiện nay các định chế tài chính chưa thể đáp ứng hết được bằng các sản phẩm tài chính truyền thống.

Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam đã có 4 đợt phát hành nợ xanh với tổng trị giá gần 284 triệu USD, được phát hành bởi một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh (23,4 triệu USD năm 2016), một chính quyền thành phố (3,6 triệu USD năm 2016) và hai khoản vay xanh (tương ứng 71 triệu USD và 186 triệu USD vào năm 2020). Hiện phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu (57%) xanh được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành nghề chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm cùng với ngành xử lý chất thải và nông nghiệp.

Là thành viên của Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF), thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tích cực tham gia thúc đẩy các Tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN (AGBS), Tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN (ASBS) và Tiêu chuẩn trái phiếu bền vững ASEAN (ASUS) dựa trên các nguyên tắc về nội dung này của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam. Đánh giá về triển vọng đối với trái phiếu xanh tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng một số ngành có tiềm năng thu hút đầu tư lớn như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước, trong đó, đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng sản xuất năng lượng tái tạo lên 7% vào cuối năm 2020 và 10% vào năm 2030 đồng thời giảm sử dụng điện than nhập khẩu trong khi đến cuối 2019, các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam mới chỉ chiếm 2,1% tổng sản lượng điện được sản xuất.

Theo Báo cáo Cơ hội đầu tư khí hậu của IFC, giai đoạn từ 2016 đến 2030, chỉ riêng đầu tư cho năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể thu hút được 59 tỷ USD từ trái phiếu xanh, trong đó hơn một nửa (31 tỷ USD) là vào các dự án năng lượng mặt trời và 19 tỷ USD cho các dự án thủy điện nhỏ.

Tuy nhiên, theo UBCKNN, mặc dù có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô nhưng đến nay, việc phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn diễn ra khá chậm. Mới đây, UBCKNN phối hợp với IFC ban hành Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, qua đó hướng dẫn về cách thức phát hành, cách quản lý dòng tiền, nguồn vốn cho các dự án xanh, đặc biệt là việc công bố thông tin về môi trường, xã hội của doanh nghiệp một cách minh bạch để có thể thu hút vốn đầu tư vào trái phiếu xanh mạnh mẽ hơn nữa.

Thị trường vốn Việt Nam có thể còn non trẻ nhưng trái phiếu xanh đã bắt đầu xuất hiện và bước đầu thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hy vọng trong tương lai, trái phiếu xanh sẽ sớm trở thành kênh huy động vốn thật sự hiệu quả cho các dự án hướng tới phát triển bền vững.

Tags

Bình luận


user-avt

Trâm Anh

10:10, 11/10/2021

Bài viết của tác giả phân tích trái phiếu xanh rất hay. Ước gì Ngân hàng Việt Nam cũng quan tâm nhiều hơn đến tín dụng xanh như nông nghiệp xanh, cho môi trường sống con người bớt ô nhiễm, đau khổ. Chúc mừng tác giả và mong TC NTV có nhiều bài hay như vậy..

Xem thêm bình luận
Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất