, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 31/05/2018, 11:11

Trái trâm-đặc sản của vùng bảy núi

PHÚC LỘC
(Báo An Giang)

Hàng năm, cứ vào dịp nghỉ hè, tiếng ve kêu vang là tại vùng Bảy Núi – An Giang bắt đầu rộ lên mùa trâm chín, trai tráng trong làng tất bật trèo cây hái trái giao cho bạn hàng, không khí vô cùng náo nức.

Trâm đầu mùa mộng nước
Trâm đầu mùa mộng nước

Trâm là loại cây có mặt từ rất lâu đời trên vùng Bảy Núi – An Giang nhưng tập trung nhiều nhất ở 2 ấp Tô Trung và Tô Thị thuộc xã Núi Tô huyện Tri Tôn, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Vào những ngày nầy, khách tham quan du lịch đi dọc theo tỉnh lộ 15 thuộc xã núi Tô sẽ bắt gặp nhiều cây trâm chín sớm, trái dầy đặc, màu tím rịm khiến ai nấy cũng ngẩn ngơ vì quá đẹp, quá hấp dẫn. 

Trâm là một loài cây hoang dã, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, thích hợp với thời tiết, khí hậu miền sơn cước. Người trồng không cần tưới phân, phun thuốc. Cứ tới mùa là cây trổ hoa, đơm trái nên nhiều người gọi trâm là thứ đặc sản “trời cho”

Mùa trâm hàng năm bắt đầu từ lúc những cơn mưa đầu mùa rớt hạt, đúng vào thời điểm diễn ra mùa Vía Bà ở Châu Đốc cho nên nhiều người thường gọi trái trâm là đặc sản mùa vía Bà. Vào những ngày nầy trâm có mặt trên khắp các nẻo đường phố núi, nhất là các khu du lịch, công viên, góc phố, sân chùa. Tuy là món quà quê mộc mạc nhưng trái trâm đã theo các thương lái về đến TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành ở miền Tây

Trâm, tiếng dân tộc gọi là prine, trái trâm gọi là phday prine. Trái trâm nhỏ như trái cà phê, hơi dài, khi sống màu xanh, già màu đỏ tươi và lúc chín chuyển sang màu tím đen trông rất xinh. Trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn vào có vị chua chua, ngọt ngọt và hơi chát. Trái càng đen, căng tròn càng ngọt. Hột trâm khá to nên người ăn chỉ thưởng thức được phần thịt bên ngoài. Người ăn trâm không giấu được vì trên môi họ bao giờ cũng hiện lên một màu son tím.

Trái trâm ăn với muối ớt sẽ tăng thêm phần đậm đà và thi vị, càng ăn càng ghiền. Có người mua trái trâm về rửa sạch, ướp chung với đường và muối ớt rồi cho vào tủ lạnh để dành ăn cả tuần vẫn thấy ngon và ngon hơn cà tuyệt vời.

Hái Trâm bán cho thương lái và du khách
Hái Trâm bán cho thương lái và du khách

Một số vị cao niên cho rằng cây trâm núi Tô có mặt ít nhất cũng trăm năm vì trước khi họ ra đời là đã có trâm rồi. Có thể ngày xửa ngày xưa vùng núi Tô là nơi rừng rậm hoang vu, có một loài chim nào đó mang hạt từ phương xa đến nhả hột nên mới mọc ra loài cây nầy. Lại có ý kiến cho rằng trâm là loài cây do người trồng, vì đa số cây  đều mọc thành hàng trên bờ đê, nơi cao ráo giữa đồng. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tri Tôn thì hiện nay toàn huyện có trên 2300 cây trâm.

Theo GS. Phạm Hoàng Hộ, ở miền Đông Nam bộ cũng có một loài trâm trái tròn, màu đen, vị ngọt. Nhiều người sang Bankok (Thái Lan) du lịch cũng thấy nhiều người bán trâm, họ cho vào bọc nylon và có kèm theo muối ớt cũng giống như người bán trâm tại Châu Đốc.

Ông Chau Âm, trưởng ấp Tô Thuận, xã núi Tô cho biết đa số cây trâm đều mọc trên bờ ruộng. Chúng chiến thắng được lũ lụt mà cũng chịu hạn hán rất giỏi. Đúng vậy, hiện nay có nhiều cây trâm to hai người ôm, lá xanh mướt quanh năm giống như những cây dù khổng lồ rải rác trên vùng núi Tô.

Tuy người trồng không chăm sóc nhưng vất vả nhất là khâu hái trái. Người hái phải trèo lên chót vót hái từng trái, từng chùm, người giỏi cũng chỉ hái khoảng 20 - 30kg/ngày. Hàng năm, khi đến mùa trâm lực lượng trèo cây lên đến cả trăm người, hầu hết là người Khmer, giúp cho nhiều lao động có công ăn việc làm.

Chị Neang Chep ở ấp Tô Trung cho biết gia đình chị có 3 gốc trâm cổ thụ, bình quân mỗi ngày hái trên 15 kg trái, giá bán giao động từ 15 – 25.000đ/kg, tùy đầu vụ hoặc cuối vụ, có nơi lên đến 40.000đ/kg. Nếu bán lẻ giá 10.000đ/lon sữa bò. Một gia đình có từ 5 -10 gốc trâm, mỗi vụ thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Đối với một hộ miền núi, số tiền đó thật vô cùng có ý nghĩa.

Trâm hái xong có thể bán tại chỗ cho khách du lịch, nếu số lượng nhiều thì giao cho thương lái. Anh Trần Quốc Vũ, một thương lái cho biết vào những ngày cao điểm anh thu mua với số lượng trên 300 kg trái để giao lại cho bạn hàng và bán sang tận Campuchia. Tuy “vườn ai nấy bán” nhưng ở núi Tô có một quy định bất thành văn “Mỗi lần đến mùa trâm, các thương lái thường đặt cọc với các chủ vườn theo giá thỏa thuận đôi bên, tuyệt đối sau nầy không giành mối hoặc ép giá. Đối với người bán, mặc dù có người trả giá cao hơn, họ cũng giữ chữ tín, không làm trái với hợp đồng”.

Trâm tuy là một loài cây rừng hoang dã, hiệu quả kinh tế không bằng thốt lốt nhưng đối với nhiều người lớn tuổi ở vùng Bảy Núi - An Giang, trái trâm đã từng gắn bó với tuổi thơ của họ, nhất là vào những ngày vía Bà, hàng trăm các bà, các chị, trẻ em thi nhau bán trâm, trẻ con vừa đi vừa ngậm những trái trâm, đôi môi tím biếc mà lòng vẫn cứ vô tư.

Chính vì vậy trong dân gian mới có bài đồng dao: “Trời mưa lâm râm / Cây trâm có trái / Con gái có chồng / Đàn ông có vợ / Đàn bà có con…” Tất cả những thứ đó đã để lại trong lòng họ biết bao kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất