, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 23/11/2022, 07:00

Trăn trở của ông Sáu Dân

TRẦN TRỌNG THỨC
Cuối tháng 11 này, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt - mà nhiều người vẫn quen gọi với tên thân tình là Ông Sáu Dân - sẽ được tổ chức tại Vũng Liêm quê ông, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Đây là nơi ông có nhiều tình cảm sâu đậm suốt hai thời kỳ kháng chiến tại Miền Tây Nam bộ, như lời tự sự của ông: “Từ năm lên 7 - 8 tuổi, tôi đã theo cha nuôi đi gặt mướn cho các điền chủ vùng Nam sông Hậu. Trong kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, tôi có nhiều năm hoạt động ở đây....”.

Thật không kể hết sự đóng góp của người dân đồng bằng qua các thời kỳ. Trong chiến tranh, ở xa Trung ương, từ con người cho đến cơ sở hậu cần đều phải lo tại chỗ, có lúc còn phải xoay xở, chi viện cho cả miền Đông. Sau ngày đất nước thống nhất, khi kinh tế đã đi xuống đến tận cùng do cơ chế thì Đồng bằng Sông Cửu Long lo cái ăn cho cả nước. Đến thời kỳ Đổi mới, nơi đây còn làm ra gạo xuất khẩu dù năm nào một số tỉnh đầu nguồn cũng chịu cảnh ngập lụt.

Thế nhưng trăn trở của ông là miền Tây Nam bộ vẫn chưa được đầu tư tương xứng với những gì đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Đường sá đi lại khó khăn, học sinh vùng xa đi học vất vả, đau yếu thì thuốc thang, đi bệnh viện là cả vấn đề. Đó là những gì tận mắt chứng kiến mà ông nói là sau khi từ giã các chức vụ, ông muốn đi sâu vào những việc trong cương vị trước đây mình không đủ thời gian để làm. Tất nhiên đó không phải là suy nghĩ xuất phát từ những gắn bó riêng với đồng bào ở ĐBSCL, cũng không chỉ đơn thuần là một câu chuyện ơn nghĩa đạo lý mà là một bài toán kinh tế cần xem xét ở mức độ cả nước vì 13 tỉnh thành đồng bằng miền Tây Nam bộ với dân số gần 18 triệu người đã gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế xưa nay.

Qua những nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế, chúng ta thấy rằng Đồng bằng sông Cửu Long có bốn cái nhất đó là (1) lương thực kể cả xuất khẩu gạo lớn nhất, (2) thủy hải sản có diện tích nuôi trồng khai thác cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu lớn nhất, (3) vườn cây ăn trái, đủ cả bốn mùa lớn nhất, (4) tiềm năng cho phát triển nông nghiệp đa dạng, có khả năng đi vào công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn lớn nhất. Thế nhưng, điểm yếu là hạ tầng kinh tế xã hội và đào tạo nguồn nhân lực thấp nhất. 

Đó không chỉ là những gì ông Sáu Dân nhìn thấy mà các cơ quan xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể đều nắm vững, nhưng nhìn chung vẫn rất chậm có kế hoạch triển khai nhằm khắc phục tình trạng này. Tất nhiên có nhiều cách lý giải cho sự chậm trễ này, từ cách xác định những công trình ưu tiên và hiệu quả đến có quá nhiều ngành và địa phương đang khát vốn đầu tư. Cũng may và thật đáng mừng là nhiều công trình về hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng kế hoạch từ thời ông Kiệt điều hành Chính phủ, gần đây đã được đầu tư thực hiện dù có phần chậm trễ.

Nhìn về tương lai phát triển của ĐBSCL, có lần ông Võ Văn Kiệt đã nêu ra một số vấn đề mà theo ông cần có ba khâu tập trung đột phá: Một là, phát triển toàn bộ hệ thống giao thông ĐBSCL, mà tập trung chủ yếu là đường bộ. Đây là một điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội và rút ngắn khoảng cách vùng này với trung tâm lớn là Thành phố Hồ Chí Minh. Phải làm sao từ thành phố này đến Cần Thơ không quá hai tiếng đồng hồ, từ cần Thơ đến Cà Mau không quá hai tiếng và ngược lại. Hai là, một hệ thống thuỷ lợi an toàn cho sản xuất và đời sống của hơn 17 triệu dân đồng bằng. Ba là đào tạo nguồn nhân lực ngang tầm với yêu cầu phát triển của ĐBSCL.

Tất cả đến nay vẫn còn là ước mơ mà chỉ có thể làm được nếu có kế hoạch đầu tư thỏa đáng và đầu tư bù lại cho những năm trước đây. Ngoài ra, việc huy động mọi nguồn lực tự thân của đồng bằng và với cơ chế thích hợp của vùng kinh tế trọng điểm thì trong khoảng thời gian không xa sẽ đưa miền Tây Nam bộ phát triển bền vững.

Có người ví von ngày nay nông dân Nam bộ đã có thể thỏa mãn với ước mơ được ngồi trên những chiếc máy bay tân tiến, ngắm nhìn cánh đồng thẳng cánh cò bay qua việc đầu tư quy hoạch các sân bay trong vùng và phân bố đều trong khu vực, dưới tầm mắt mình là những chiếc cầu hiện đại, những xa lộ thẳng tắp. Tuy nhiên điều đáng buồn hơn cả là người dân miền Tây Nam bộ vẫn còn nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn. 

Theo Wikipedia, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này thuộc loại thấp nhất cả nước với mức 54 triệu đồng trong khi cả nước là 64 triệu đồng/ người/ năm. Đây cũng là một trong những nỗi trăn trở của ông Sáu Dân cho đến ngày ông từ giã chúng ta.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất