, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 02/10/2022, 13:30

Trăn trở ở phố hay về quê

MINH KHÔI
(sggp.org.vn)
Vừa bước chân vào quán cà phê, chưa kịp gọi nước uống, cô bạn tôi liền thông báo: Nhà em mua đất ở Lâm Đồng rồi, em sẽ lên trước để theo dõi việc xây nhà. Xong xuôi, cả gia đình em sẽ chuyển lên đó sống.

1. Câu chuyện được Thảo Trang (30 tuổi, kinh doanh tự do, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ bắt đầu từ cơ duyên đặc biệt khi cô đi du lịch lên Lâm Hà (Lâm Đồng). Sau khi tham quan khu nghỉ dưỡng của một người chị thân thiết, thời tiết, khí hậu và điều kiện sống rất hợp ý mình, Trang vô cùng tâm đắc. “Ngay từ khi đặt chân lên đây, em đã có cảm nhận, mình muốn sống và gắn bó với nơi này. Nhìn con gái chạy nhảy, nô đùa trong không gian rộng, mát và trong lành, em càng thích thú hơn. Em cũng dành thời gian tìm hiểu về môi trường sống, các khu vực và tiện ích xung quanh”, cô cho biết.

Trăn trở ở phố hay về quê ảnh 1
Nhiều người chọn về quê để có môi trường sống trong lành cho con cái

Nhờ được “mai mối” cho một mảnh đất nhỏ nằm trong khu vực liền kề, đa phần đều đã có chủ sở hữu, cô về bàn với chồng và nhanh chóng đưa ra quyết định, dù trong tay chỉ có khoảng một nửa số tiền so với giá trị miếng đất. Hai vợ chồng liên lạc với hai bên gia đình để vay mượn thêm, nhằm sớm hiện thực hóa ước mơ bỏ phố về quê.

Trang cho biết, công việc chính của cô là kinh doanh tự do nên việc thay đổi nơi ở không ảnh hưởng. Trong khi đó, chồng cô hiện đang làm trong lĩnh vực IT, thời gian gần đây cũng đã nghỉ công việc thời gian cố định, chuyển sang làm tự do, nhận từng dự án nên cũng thuận lợi. “Ban đầu, chúng em dự định chỉ xây một ngôi nhà gỗ nhỏ rồi sẽ dần hoàn thiện thêm. Em và con gái sẽ lên trước, vừa để bé làm quen môi trường sống, vừa chuẩn bị cho việc học của con”, cô kể thêm. Nhìn cách Trang hào hứng tâm sự kế hoạch bỏ phố về quê dễ khiến nhiều người cũng háo hức không kém.

2. Cũng xác định về quê ở Ninh Thuận, nhưng với gia đình anh Văn Thắng (38 tuổi, làm ngành điện lực, ngụ quận 12, TPHCM) tất cả đang trong giai đoạn chuẩn bị. Anh cho biết: “Sau dịch bệnh, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Đặc biệt, sức khỏe tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì chứng thoát vị đĩa đệm. Tôi xác định về quê để thay đổi môi trường sống, gần gũi với gia đình hơn”. Theo kế hoạch, hai vợ chồng anh sẽ bán căn nhà ở hiện tại. Sau khi tính toán chuyện mua đất, xây nhà ở quê, cũng sẽ dư ra một khoản nhất định để dành đầu tư kinh doanh, như mở một cửa hàng tạp hóa, hay điện nước.

Chị Thu Hường, vợ anh Thắng, cho biết, đó là dự định và nếu sớm, phải 1-2 năm nữa mới có thể biến ước mơ bỏ phố về quê được. “Tôi không phản đối kế hoạch của chồng, nhưng chúng tôi xác định phải có sự tính toán kỹ lưỡng và chi tiết. Không thể vì những mong muốn nhất thời mà bỏ tất cả để về quê. Vì nếu xác định về là ở luôn, khó trở lại thành phố. Chúng tôi đang nghiên cứu về quê sẽ làm gì để duy trì thu nhập phục vụ cho sinh hoạt hàng tháng. Quan trọng hơn là việc học hành của con cái phải được đảm bảo”, chị tâm sự. Hiện tại, cả hai vẫn đang tìm hiểu kỹ, đồng thời lắng nghe những lời khuyên của gia đình, bạn bè nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất.

3. “Bỏ phố về quê” vẫn luôn là phong trào, đặc biệt sau thời điểm dịch bệnh phức tạp. Thậm chí trên mạng xã hội như Facebook còn có hẳn các hội nhóm liên tục chia sẻ các hình ảnh về cuộc sống thanh bình, không bon chen. Phong trào lập các làng sinh thái, đặc biệt ở những khu vực đất đai còn rộng, dân cư thưa thớt cũng đang nổi lên, giống như trường hợp của chị Thảo Trang.

Tuy nhiên, trong câu chuyện bỏ phố về quê, điều quan trọng nhất, bản thân mỗi người có thực sự hiểu mình mong muốn là gì. Về quê sống, hay ở lại thành phố, phải là điều bạn thực sự mong cầu và phù hợp với định hướng của mỗi gia đình. Việc xác định tư tưởng sẽ khiến bạn có quyết tâm, động lực và vạch ra kế hoạch cụ thể cho một bước ngoặt lớn, không chỉ đơn thuần là thay đổi nơi ở.

Cũng vì xác định được điều đó nên sau gần 1 năm chuyển về Thái Nguyên sinh sống, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Kiên (trước làm công nhân, ngụ Bình Dương) thay đổi theo hướng rất tích cực. Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng đều làm công nhân phải khéo tính toán mới đủ chi tiêu cho cả gia đình 4 thành viên. Sau khi về quê, anh được anh em trong nhà tạo điều kiện phát triển mô hình vườn - ao - chuồng, vợ anh làm thuê thời vụ không khi nào ngớt việc. Việc học của con cái cũng giảm hẳn áp lực về kinh tế.

Vậy mới thấy, từ chỗ xác định tư tưởng sẽ về quê, về quê làm gì, để sống và “đối mặt” với gia đình, làng xóm như thế nào, không đơn giản. Về quê đã khó. Về quê và có cuộc sống như mong đợi không đơn giản. Và càng khó hơn sau khi về quê nếu mọi thứ không thuận lợi lại phải khăn gói trở lại thành phố một lần nữa, nhất là với những gia đình đã có con cái… 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất