, //, :: GTM+7

Trang trại nhãn trên cao nguyên M'Drăk

ANH KHÔI
Chúng tôi đến thăm khu vườn rộng 15 hecta trồng vải, nhãn ở Ea Pil huyện M’Drăk (tỉnh Đắk Lắk) của anh Võ Quang Đạt và chị Trần Thị Xuyến khi trời đã về chiều. Chập choạng tối nhưng anh chị vẫn đang cần mẫn cắt tỉa cành cho những cây nhãn mới trồng.

Hơn 10 năm trước, nơi đây còn là mảnh đất hoang bạc màu, đường vào thì lầy lội, nhiều đoạn chỉ toàn đá tảng. Để có thể gầy dựng nên vườn cây như bây giờ, anh Đạt, chị Xuyến bắt đầu bằng cách gánh từng gánh 10 cây giống từ đường lớn cách đó khá xa để vào vườn…

Chị Xuyến chăm sóc vườn cây của gia đình.

Năng nhặt chặt bị

Anh Võ Quang Đạt nhớ lại, anh biết đến mảnh đất này từ khoảng 30 năm trước khi còn đi thu mua mía ở đây để đưa về nhà máy đường tại Cam Ranh - Khánh Hòa. Cơn “sốt” mía đi qua, anh bỏ nghề. Sau đó, anh cũng rời bỏ Nha Trang lên đây sinh sống với nghề săn bắn. Cách đây 15 năm, anh mua mẫu đất vườn đầu tiên với giá mười mấy triệu đồng.

Khởi đầu với cây bưởi và một vài loại cây khác nhưng đều không thành công, anh chuyển sang trồng nhãn sau khi nghe một người em thân thiết “mách nước” rằng loại cây này dễ trồng, thu nhập cao. “10 năm trước, cây nhãn đã cho thu hoạch xấp xỉ 700 - 800 triệu đồng trên một hecta”, anh nhớ lại.

Khi đó, có ít vốn liếng trong tay, anh mua 1.600 cây giống đầu tiên để gây dựng vườn nhãn. Để mở rộng diện tích, anh chị tự tay chiết cành để có thêm cây giống. Chị Xuyến chia sẻ, ngày nắng cũng như mưa, vợ chồng chị hì hục khoanh nhánh, lấy bùn rơm bện rồi quấn ni-lông chỗ chiết đợi cây ra rễ. Để có nước tưới, chị phải đi xa gánh từng gánh nước về. Sau này, để đỡ cực hơn, anh chị đào đất giữa các hàng cây, đưa ống dẫn nước chôn ngầm phía dưới để tưới. Mọi kỹ thuật đều tự mày mò tìm hiểu và tự làm. 

Bắt đầu phát triển vườn cây vào năm 2015, đến nay, anh chị đã gây dựng được hơn 15 ngàn cây nhãn và vải trên tổng diện tích canh tác 15 hecta. Theo anh Đạt, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Đà Nẵng, Hà Nội. Vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận nơi để mua, mỗi hecta cho doanh thu 500 triệu đồng. Trừ đi chi phí, mỗi năm bình quân anh chị cũng thu lợi khoảng 4 - 5 tỷ đồng, một khoản hoa lợi không nhỏ!

Anh Đạt (ngoài cùng bên trái) dẫn khách tham quan vườn nhãn.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Như nhiều vùng khác ở M’Drăk, Ea Pil nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của hai vùng khí hậu là Đông Trường Sơn và duyên hải miền Trung nên thường xuyên bị hạn hán trong mùa khô và mưa dài ngày, lũ lụt trong mùa mưa. Thời tiết này khiến người sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Để đối phó với thời tiết khắc nghiệt, vợ chồng anh Đạt chị Xuyến quyết định chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh như đạm cá, WEHG… để giữ độ phì cho đất giúp cây có nhiều dinh dưỡng, tăng khả năng đề kháng và sức chịu đựng. Ngoài việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), anh chị còn thường xuyên cắt tỉa cành lá và những chùm trái sinh trưởng kém để cây tập trung sức nuôi số ít trái còn lại thật tốt. Anh cũng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm nhân công.

Tham gia đoàn công tác của Hội Làm vườn Việt Nam (chi nhánh phía Nam), anh Nguyễn Văn Thiện (Công ty CP Thế giới Thông minh) khi đến tham quan vườn cây của anh Đạt, chị Xuyến đã rất ngạc nhiên khi biết vườn cây vừa chịu đựng đợt sương muối kéo dài, trái rụng nhiều nhưng những chùm trái còn lại trên cành vẫn sum suê, mọng nước, vỏ tươi. Anh Trần Đình Xi ở xã Ea Kar cho biết anh đi tưới mía thuê quanh đây, thấy vườn đẹp nên ghé vào thăm. Anh trầm trồ: “Chủ vườn chắc phải bỏ nhiều công sức lắm mới có được cái vườn ngon lành vầy. Đất đồi núi mà làm được vườn cây, ao thả cá đẹp quá!”

Gần 25 năm bên nhau, trong đó có đến 15 năm “cúi mặt cho đất, đưa lưng cho trời” trên vùng cao nguyên, chị Xuyến và anh Đạt cùng 3 người con hiện đã có cuộc sống ổn định. Nhưng anh chị vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Chị Xuyến cho biết cứ sau mỗi mùa thu hoạch, hễ thu được tiền là anh Đạt lại đi mua thêm đất, trồng cây. Còn anh Đạt thì cho biết anh mở rộng vườn để tính chuyện làm thêm du lịch sinh thái…

Du khách tới thăm vườn nhãn.

Khẳng định lợi thế du lịch của vườn cây và mảnh đất mà gia đình anh Đạt, chị Xuyến đã dày công gầy dựng, ông Nguyễn Văn Mười - Phó Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Hội Làm vườn Việt Nam – cho rằng địa hình đồi núi tự nhiên cũng như sự phân bố tuyệt đẹp của vườn cây, cảnh quan nơi đây rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái. Ông nhấn mạnh: “Nếu làm được việc này, trang trại của vợ chồng anh Đạt sẽ có thêm nguồn thu. Nhiều trang trại đã hoạt động theo mô hình du lịch sinh thái dưới sự tư vấn của Hội Làm vườn Việt Nam và đạt hiệu quả kinh tế khá cao”.

Đắk Lắk có 627.000ha đất nông nghiệp, xếp thứ nhất cả nước, trong đó, vùng đất đỏ bazan chiếm khoảng 40% diện tích với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và cây lương thực. Ngoài diện tích cây công nghiệp, cây lương thực khá lớn, Đắk Lắk hiện còn có trên 3.200ha trồng nhãn, vải, chôm chôm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất