, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/09/2021, 13:45

Tranh đặc biệt từ những người đặc biệt

PHƯƠNG ĐẶNG
Bên cạnh các dòng tranh với chất liệu nổi bật, còn có những dòng tranh đặc biệt không chỉ bởi chất liệu làm nên chúng mà bởi tính nhân văn chứa đựng trong mỗi sản phẩm.

Tranh từ vụn vải

Nằm trong lòng làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) và có tuổi đời chỉ khoảng 3 năm, nhưng hợp tác xã Vụn (Vụn Art) là cái tên có lẽ không quá xa lạ với những người yêu nghệ thuật. Trụ sở của Vụn Art - một căn phòng nhỏ nhưng có sức thu hút rất riêng bởi bức tường bằng kính, bên trong treo ngay ngắn những bức tranh dân gian bằng vải đầy màu sắc sinh động - là nơi những người khuyết tật ngày ngày tỉ mỉ ghép lụa vụn để tạo thành những bức tranh độc đáo.

Tranh dân gian là cảm hứng để tạo nên các tác phẩm của Vụn Art.

Giám đốc của Vụn Art là anh Lê Việt Cường. Căn bệnh bại liệt năm 1 tuổi đã khiến anh trở thành một người khuyết tật. Thấu hiểu những khó khăn của người khuyết tật trong cuộc sống, khi có được cơ duyên đến với nghề làm tranh từ vải vụn, anh đã đi khắp 17 phường của quận Hà Đông tìm người khuyết tật, vận động họ tham gia lớp học làm tranh do anh tổ chức. Không chỉ mời các họa sỹ tên tuổi đến dạy, anh còn dùng tiền cá nhân tích cóp được để hỗ trợ tiền học, tiền ăn cho họ. “Tôi chọn tên “Vụn” với ý nghĩa rằng mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vải vụn nhỏ, nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng - giống như chất keo, sẽ kết dính chúng tôi lại thành mảng lớn hơn. Khi chúng ta ghép thành miếng vải lớn thì trên miếng vải đó, sẽ vẽ được giấc mơ của mình và khi đó không còn là vụn bé nhỏ nữa”, anh Cường nói.

Tranh của Vụn Art tập trung vào các dòng tranh nghệ thuật dân gian. Sự riêng biệt của tranh ghép vải nằm ở phong cách và chất liệu với nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đầu tiên là phác thảo tranh trên bìa cứng để định hình rồi cắt rời chi tiết. Vải vụn chuẩn bị trước đó phải được làm sạch sẽ rồi là cho phẳng. Để đảm bảo độ cứng cáp cho miếng vải cũng như độ bền màu sau này, những mảnh vải vụn sẽ được phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô trước khi ghép vào tranh. Nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài và học sinh, sinh viên… đã rất thích thú với tour trải nghiệm tìm hiểu và tự tay làm tranh vải ghép. Năm 2019, Vụn Art được UNESCO đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hóa, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về việc làm cho nhóm yếu thế. Các sản phẩm của Vụn được Hà Nội thẩm định, đánh giá OCOP 4 sao - hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu. Đến nay, cơ sở đã tạo việc làm cho gần 20 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Tranh từ dây đồng

Chị Nguyễn Nhật Minh Phương bên hai bức tranh từ dây đồng mang tên Phật niết bàn và Voi con vì hòa bình thế giới.

Ở Việt Nam, nhắc đến dòng tranh dây đồng là nhắc đến chị Nguyễn Nhật Minh Phương (TP.HCM). Chị Phương đã được tổ chức Guinness Việt Nam xác lập kỷ lục là người làm tranh dây đồng đầu tiên tại Việt Nam. Chị Phương kể, năm 19 tuổi, khi tình cờ xem một người bạn quấn dây kẽm, chị Phương hiếu kỳ nên cũng mày mò ngồi làm thử rồi nhận ra mình bị hấp dẫn bởi loại hình này. Sau đó chị tự nghiên cứu quấn dây đồng làm những món trang sức nhỏ, rồi đến làm tranh dây đồng. Sau đó nữa thì chị quyết định dành toàn tâm toàn ý cho những bức tranh đồng. Hiện tại, chị Phương đang sở hữu một cơ ngơi nhỏ với nhiều sản phẩm tranh đẹp mắt được xuất khẩu đều đặn sang nước ngoài và một lớp học truyền nghề cho học viên khuyết tật.

Tranh dây đồng gồm các công đoạn như phác họa ra giấy, làm khung, họa tiết rồi quấn dây đồng và cuối cùng là đính vào nền của khung tranh. Những cuộn dây đồng được chị nhập từ Mỹ và Nhật vì chất lượng tốt, độ dẻo phù hợp để uốn nắn và nhiều màu sắc. Trung bình một bức tranh cần từ 10 - 30kg đồng và mất khoảng hai tuần để hoàn thiện. Đây là nghề đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn, bù lại giá thành của mỗi bức tranh rất cao, có bức lên đến vài trăm triệu đồng.

Bức tranh Nam Phương Hoàng Hậu có giá 150 triệu đồng

Nhận thấy nghề làm tranh từ dây đồng có nhiều tiềm năng trong tương lai, lại là người hay làm công tác từ thiện và trăn trở cho cuộc mưu sinh của những hoàn cảnh khó khăn, chị quyết định mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật. Chị cũng có thể dùng ngôn ngữ ký hiệu để hướng dẫn cho các bạn học viên khi cần thiết. Nhiều người khuyết tật sau khi ra nghề đã có thể kiếm thêm thu nhập từ làm trang sức, phụ kiện dây đồng. Một số khác ở lại cùng làm tranh với chị Phương và được trả lương từ 5 - 9 triệu đồng/tháng. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.


Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất