, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 02/02/2021, 09:06

Tranh Hàng Trống - Của tin còn một chút này

BẢO VÂN

Từng là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng xứ Bắc, tranh Hàng Trống (gọi theo tên khu phố nghề, bao gồm Hàng Trống và các các phố cổ lân cận như Hàng Nón, Hàng Quạt, từng là trung tâm làm tranh lớn thứ hai ở Việt Nam) mang dấu ấn “thị thành”, tỉ mỉ và tinh tế. Nghề làm tranh ở đây tưởng như đã có lúc thất truyền, nay đang có những tín hiệu vui…

Tranh Hàng Trống - Chợ Quê.
Tranh Hàng Trống - Chợ Quê.

Dân gian mà vẫn kinh kỳ

Tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, Hà Nội) hai tháng cuối năm vừa qua có một cuộc triển lãm nhỏ, không nhiều người biết đến, nhưng những ai đã đến thì đều lấy làm thú vị. Triển lãm là một phần nhỏ trong dự án nghệ thuật của thầy trò trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, có tên là “Từ truyền thống tới truyền thống”, giới thiệu nét đặc sắc, tinh hoa của dòng tranh dân gian Hàng Trống trong sự đối sánh với tác phẩm của các hoạ sĩ trẻ lấy cảm hứng từ dòng tranh này.

Tranh Hàng Trống phục vụ nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống. Không chỉ “dán trên vách” ba ngày Tết để vui xuân, tranh Hàng Trống còn xuất hiện ở nơi linh thiêng nhất trong các đền, miếu, điện thờ; trang trí tư gia; được các nhà sưu tập và cả các viện bảo tàng danh tiếng khắp các châu lục tìm mua.

Các nhà nghiên cứu mỹ thuật tạm chia tranh Hàng Trống ra làm 3 loại. Loại thứ nhất là tranh thờ, mang màu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là con người và vật, tuy gần gũi nhưng phảng phất vẻ thần bí; tiêu biểu là tranh Phúc Lộc Thọ (Tam Đa), Thất Đồng, Tôn Tử Vạn Đại (đông con nhiều cháu chắt để nối dõi đời đời). Thứ hai là tranh sinh hoạt và thiên nhiên; điển hình là tranh Chợ Quê, Canh nông chi đồ, Chim Công, Lý Ngư Vọng Nguyệt, Tứ Quý, Tố Nữ… Cuối cùng là loại tranh truyện và tranh vui, gồm Chuột vinh quy, Thầy đồ cóc, Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa…

Đặc biệt, trên tranh Hàng Trống thường có chữ, không chỉ là tên tranh mà còn thể hiện ý tưởng của tác phẩm. Chẳng thế mà trước Cách mạng tháng Tám (1945), chính quyền thực dân có lúc bắt các thợ tranh Hàng Trống phải in thêm dòng chữ “Pháp - Việt đề huề” trên tranh của mình để tuyên truyền chính trị. Từ một góc độ nào đó, điều này cho thấy chính quyền thực dân cũng nhận thức được sức sống mạnh mẽ của dòng tranh dân gian này và tìm mọi cách tận dụng.

Khác với tranh Đông Hồ xứ Kinh Bắc (là trung tâm làm tranh dân gian lớn nhất xứ Bắc kỳ xưa) chủ yếu dùng kỹ thuật in ván khắc, in ấn hàng loạt, tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ. Tranh chỉ in ván lấy nét, còn màu là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước lã, tô tranh theo kỹ thuật vờn màu; có khi còn được dát vàng, dát bạc. Hai màu chủ đạo trong tranh Hàng Trống là màu xanh da trời và hồng điều; có thêm lục, đỏ, da cam, vàng...

Cụ Lê Đình Nghiên, nghệ nhân có gia đình 3 đời theo nghề này, cho biết, màu đen của tranh được làm từ tro rơm nếp hay tro lá tre được đốt và ủ kỹ, màu vàng từ hoa hòe, màu chàm của các loại nguyên liệu từ núi rừng, màu son của sỏi đồi tán nhuyễn, rồi pha với dung dịch hồ nếp cổ truyền… Việc phối kết sắc màu này không có công thức chuẩn, mà tùy thuộc vào ý tứ của nghệ nhân, cốt sao thuận mắt và ưa nhìn. Một khác biệt nữa là người làm tranh Hàng Trống có sử dụng phẩm màu chứ không hoàn toàn là màu tự nhiên. Có lẽ cũng vì thế mà so với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống uyển chuyển hơn, màu sắc cũng tinh tế hơn, mỗi bản tranh có thể có những sắc độ riêng, không “y hệt”.

Tranh Hàng Trống - Ngũ hổ.
Tranh Hàng Trống - Ngũ hổ.

Ván khắc in tranh Hàng Trống thường làm bằng gỗ thị, hoặc gỗ thừng mực (lồng mức), do các nghệ nhân giỏi nhất thực hiện, gọi là “ra mẫu”. Công việc của người ra mẫu thực chất là sáng tác, có những mẫu tranh phải làm hàng tháng mới xong. Chính vì thế mà cùng một đề tài (chẳng hạn Lý ngư vọng nguyệt - Cá chép trông trăng), các nhà làm tranh khác nhau có những mẫu khác nhau, mỗi mẫu có nét đặc sắc riêng.

Tuy người xưa không chú trọng ghi lại tên tuổi của các nghệ nhân ra mẫu bậc thầy, nhưng những người mê tranh Hàng Trống đều biết đến gia tộc Lê Đình. Ở Hà Nội hiện nay, thế hệ thứ 3 của gia tộc này, cụ Lê Đình Nghiên, đến nay vẫn còn sáng tác. Trong rất nhiều năm, cụ Nghiên đã là nghệ nhân duy nhất còn kiên trì bám trụ với nghề tranh truyền thống trong nỗi phấp phỏng “của tin còn một chút này”…

Mạch nguồn vẫn chảy

Năm 1972, khi dòng tranh Hàng Trống đã nhiều phần mai một, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mời ông Lê Đình Nghiên tới làm việc với biên chế chính thức để phục chế những bức tranh Hàng Trống đang lưu trữ tại Bảo tàng. Từ đó, ông Nghiên không chỉ làm tranh mà còn cần mẫn phục chế tranh theo mẫu cũ. Khoảng năm 1968 - 1970, ông Lê Đình Nghiên làm tranh theo hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu sách báo (XUNHASABA).

Có một khách hàng ngoại quốc đặt mua tranh “Bịt mắt bắt dê”, song không hiểu vì sao hợp đồng lại ghi nhầm là tranh “Kéo co”. Cho đến lúc ấy thì “Kéo co” chưa hề có khuôn mẫu nào. Ông Nghiên về “cầu cứu” thân phụ là cụ Lê Đình Liệu, một thợ ra mẫu tranh kỳ cựu. Hai cha con “song kiếm hợp bích” để tạo ra khuôn mới. Tranh “Kéo co” mô tả mười đứa trẻ để tóc trái đào, mặc áo thụng, đi hài, chia thành hai phe, say sưa kéo co bất phân thắng bại…

Bức tranh mang dáng dấp và hơi thở của những ngày hội cổ truyền sung túc, đầm ấm, vui vẻ. Thật thú vị là một sai sót trong hợp đồng mua bán đã tạo thêm động lực để nghệ nhân tài hoa sáng tạo ra tác phẩm mới.

Sau nhiều năm lầm lũi độc hành, gần đây, cụ Nghiên đã vui mừng khôn xiết khi người con trai Lê Hoàn đang đi làm đã quyết định bỏ hết để chuyên tâm làm tranh cùng bố, vừa giữ lấy nghiệp nhà, vừa gìn giữ tinh hoa mỹ thuật dân gian. Theo anh Lê Hoàn, vài năm trở lại đây, xu hướng chơi tranh dân gian đang gia tăng trở lại. Tranh Hàng Trống không chỉ xuất ngoại, mà còn được nhiều khách hàng trong nước tìm mua. Nhưng yếu nhất vẫn là quảng bá để ngày càng nhiều người biết đến, không chỉ để mua tranh, mà còn để chung tay nỗ lực vực dậy, chấn hưng các dòng tranh dân gian, trong đó có tranh Hàng Trống.

Đúng là tranh Hàng Trống không còn ở thời cực thịnh. Đúng là không còn nhiều người đủ đam mê, tâm huyết để theo nghề làm tranh, nhưng chẳng phải là mạch nguồn nghệ thuật ấy vẫn đang âm thầm chảy? Những người trẻ như Lê Hoàn, như các hoạ sĩ trẻ của trường Mỹ thuật vẫn đang chăm chút, nuôi dưỡng dòng tranh Hàng Trống cho làng tranh dân gian của dân tộc.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất