, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 01/10/2021, 07:30

Tranh trên giấy quê tôi

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Dòng tranh giấy được làm thủ công hoàn toàn với phương thức cổ và kỹ thuật khắc trên bột ướt qua khuôn độc bản, với độ bền từ 100 năm đến 300 năm. Từ nguyên liệu bản địa, tri thức bản địa, nhân lực bản địa, mỗi địa phương sẽ có sản phẩm giấy độc đáo của riêng mình. Ở Pà Cò, từ bao đời nay giấy giang vẫn yên phận trong lòng người H’mông, bỗng từ đầu tháng 10 năm 2019, một người đàn ông sôi nổi, vui tính lặn lội từ thành phố Đà Nẵng ngược ngàn... 

Lê Thanh Hà lặn lội lên xã Pà Cò ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình giúp bà con mở Giấy Quê Tôi - Giấy bản Mai Châu.

Kỳ công 

Đó là Lê Thanh Hà, chủ thương hiệu Giấy Quê Tôi. Hà điềm tĩnh quan sát kỹ lưỡng người H’mông làm giấy giang từ công đoạn đầu đến lúc đổ giấy, sau đó mới xắn tay vào việc.

Anh Hà áp những bức tranh trên giấy decal lên chiếc khung đã được bà con đổ bột giang tràn kín, rồi điều chỉnh van của chiếc súng nước (tương tự như cái vòi xịt để rửa xe) để bắn ra những tia nước mảnh, gọn. Nhịp nhàng múa đôi bàn tay để vòi nước vẽ bột theo hình trên tấm decal. Dưới áp lực nước, khung giấy giang dần hiện lên những hoa văn hình rau dớn, hình xoáy, hình vuông, hình răng cưa, hoa bí, quả trám, con rắn, sừng con dê, ngôi sao tám cánh, mặt trống đồng… tạo thành một bức tranh vô cùng sinh động. Bà con ồ lên thích thú… 

Suốt nửa tháng đắm đuối trên biển mây Pà Cò, Lê Thanh Hà giúp người dân đổ giấy kiểu người H’mông, in hoa văn bằng áp lực nước kiểu Rakusui Washi của Nhật Bản. Để đưa giấy giang lên hàng nghệ thuật, anh đã “xuyên sáng” cho chúng. Mỗi bức tranh được gắn đèn phía sau, làm chụp đèn hoặc in lên các tấm vách ngăn trang trí trong nhà để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Khi được chiếu sáng, tranh giấy giang trở nên lung linh, từng sợi xơ, từng họa tiết bật lên rực rỡ, cuốn hút. Bột giấy giang đắp nổi thành những bức phù điêu cũng là một cách làm độc đáo để cho ra đời những tác phẩm ấn tượng. Và ước nguyện hỗ trợ người H’mông hình thành Giấy Quê Tôi - Giấy bản Mai Châu của Lê Thanh Hà đã thành hiện thực, khi bà Sùng Y Dớ ở bản Trà Đáy, một trong số mười học trò của anh, quyết định mở xưởng sản xuất tranh giấy giang.

Cái nôi của Giấy Quê Tôi

Trước khi lên Pà Cò, anh Hà từng tiếp hai người lặn lội từ Bến Tre ra Đà Nẵng xin học. Anh đã đào tạo miễn phí giúp họ thành nghề và trở về xứ dừa mở Giấy Quê Tôi - Giấy dừa Bến Tre. Một người ở Phú Yên sau thời gian làm với anh ở Đà Nẵng, cũng đã tự tin trở về mở Giấy Quê Tôi ở Phú Yên.

Đại bản doanh của Giấy Quê Tôi là cơ sở làm tranh giấy dừa Đà Nẵng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) của anh Lê Thanh Hà sinh năm 1978, người Nghệ An, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Huế. 

Một số tác phẩm làm từ giấy

Anh Hà nảy ra ý tưởng làm giấy từ xơ dừa vào đầu năm 2015, từ suy nghĩ: xơ dừa làm được than nano ắt làm được giấy. Anh thử nghiệm nhiều cách làm, như xeo qua nước giống cách làm giấy dó, giấy Nhật, giấy Thái Lan… nhưng chỉ sau khi biết được cách đổ giấy của người H’mông rất tiện và khả năng làm khổ lớn bất tận, Hà mới nghĩ ra cách dùng nước dàn bột cho đều. Hơi mất công nhưng bề mặt giấy làm kiểu này thực sự tuyệt. Đó cũng là lý do mà Hà lặn lội lên Pà Cò giúp người dân cải tiến khâu làm giấy giang, cũng là một sự tri ân tới giấy bản.

Sau khi đã thử qua vài loại hợp chất, công thức để tăng nhiệt cho mau ngấm, anh Hà chọn nấu xơ dừa bằng nước vôi trong theo cách dân gian. Anh nhờ mấy người bạn ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội tìm giúp bản vẽ cơ cấu máy nghiền giấy thủ công châu Âu năm 1928, sau đó anh cùng một giảng viên chuyên ngành chế tạo máy và lắp đặt ở trường Cao đẳng nghề Quân khu 5 mày mò phục chế thành công máy nghiền từ bản vẽ. Tìm kiếm trên internet, Hà tiếp thu kỹ thuật in hoa văn bằng áp lực nước từ kỹ thuật in hoa văn trên giấy Rakusui Washi của Nhật Bản. Vậy là tranh giấy dừa ra đời. 

Sự kết hợp tuyệt mỹ

Trái với nhiều người thích bao phủ những việc mình làm trong một màn sương huyền hoặc để thêm phần quan trọng, anh Hà cười hơ hớ khẳng định: “Tranh giấy dừa dễ lắm, ai cũng có thể làm được”! 

Anh Hà vừa làm vừa giải thích với khách: “Bột xơ dừa sau khi xay mịn được đổ lên khung xeo làm bằng lụa để thoát nước và dùng nước để dàn bột cho phẳng mặt”. Sau khi dàn đều mặt và làm mịn mặt giấy, anh bắt đầu hạ hoa văn xuống để làm bức tranh. Hoa văn được vẽ trên trên máy vi tính, cắt decal xong dán lên mặt lưới. Hoa văn được in bằng áp lực nước kiểu Rakusui Washi của Nhật Bản. Kỹ thuật in này đòi hỏi nghệ nhân phải thật khéo léo để điều chỉnh mức độ nặng nhẹ của áp lực nước, tạo nên những lớp dày, mỏng theo ý muốn trên mặt giấy. Sau đó dỡ nó lên, đoạn nào cần mỏng thì bóc bớt bột giấy đi sao cho độ dày của xơ đủ cho ánh sáng xuyên qua. Đây cũng là công đoạn quyết định tính mỹ thuật của bức tranh. In họa tiết hoa văn xong, tờ tranh được phơi khô trong khoảng hai giờ. Công đoạn cuối là bóc giấy khỏi khung lụa, bồi, đóng khung, xuyên sáng. Khi có nguồn ánh sáng xuyên qua, vân và xơ dừa hiện lên sống động làm cho bức tranh trở nên cuốn hút người xem.

“Tôi quyết định đặt tên thương hiệu là Giấy Quê Tôi để đi đến vùng đất nào cũng có thể làm giấy và bàn giao lại cho người dân nơi đó” - Lê Thanh Hà.

Lê Thanh Hà tâm niệm, ngoài chất liệu đặc biệt, giấy phải có hệ thống hoa văn đặc trưng để nhìn vào đó, người ta nhận ra ngay hồn cốt của mỗi địa phương. Bằng sự tinh tế và vốn văn hóa đa dạng, anh đã tạo sự khác biệt ở hoa văn cho giấy mỗi miền. Nếu giấy Nipa (Hội An) là họa tiết mắt cửa, đầu hồi, chiếc nón lá, tà áo dài, ghe bầu… thì với giấy dừa Đà Nẵng, hoa văn chủ đạo là thiên nhiên như hoa đào chuông, voọc chà vá chân nâu, biển, cá chuồn, cá chìa vôi, rùa biển, hoa sen, đức Phật… Với giấy giang Mai Châu, họa tiết là những hình ảnh đặc sắc trong tâm thức của người H’mông: sóng nước, xoáy trôn ốc, rau dớn, quả trám, ngôi sao tám cánh… 

Ấp ủ ước mơ xây dựng ở mỗi tỉnh, thành một xưởng sản xuất giấy đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương, anh Hà sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai muốn học hỏi. “Các làng nghề truyền thống đang mai một không chỉ vì người trẻ không còn thiết tha với nghề của cha ông, mà còn vì họ không được chia sẻ bí quyết nghề nghiệp. Tôi sẵn sàng chia sẻ hết mọi bí quyết để tranh giấy dừa có thể mau chóng đến được với nhiều người hơn. Cạnh tranh bằng trí tuệ chứ đừng cạnh tranh bằng bí quyết”. - Anh tâm sự. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất