, //, :: GTM+7

Trên vùng cà phê Abrabica Đà Lạt

Sau hơn 2 năm được thương hiệu cà phê cao cấp Starbucks (Mỹ) đưa lên kệ tại chuỗi cửa hàng, cà phê Arabica xuất xứ từ Đà Lạt trở thành loại cà phê đầu tiên trồng tại Việt Nam được Starbucks đưa vào sử dụng trong chuỗi hơn 21.000 quán cà phê nổi tiếng khắp thế giới. Điều gì tạo nên sự khác biệt đã khiến thương hiệu cà phê Arabica Đà Lạt hấp dẫn đến vậy?

Ông Nguyễn Song Vũ (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) giới thiệu cách phơi cà phê Arabica trên giàn đảm bảo vệ sinh
Ông Nguyễn Song Vũ (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) giới thiệu cách phơi cà phê Arabica trên giàn đảm bảo vệ sinh
Cà phê Arabica đặc sản
 
Arabica (cà phê chè) là giống cà phê có giá trị kinh tế cao nhất Việt Nam, được trồng ở nhiều vùng như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Gia Lai... Riêng dòng Arabica trồng ở Đà Lạt được đánh giá có chất lượng hơn hẳn do thổ nhưỡng thuận lợi, biên độ nhiệt, sương, độ cao trên 1.500m so với mực nước biển.
 
Nhờ sở hữu lợi thế về độ cao và điều kiện khí hậu, cà phê Cầu Đất (xã Xuân Trường, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 25km về phía Đông Nam) có chất lượng rất cao. Cà phê Arabica từ Cầu Đất nổi bật bởi sự kết hợp của vị chua thanh tao và đắng nhẹ, nước pha màu nâu nhạt, hơi trong của hổ phách, vị chua thanh xen lẫn đắng dịu, kết hợp với mùi thơm đặc trưng, hậu vị ngọt đã đánh thức vị giác của những người sành cà phê từ khắp nơi trên thế giới.
 
Có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng cà phê, ông Nông Văn Khánh (thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) cho biết: “So với nhiều vùng trồng cà phê khác, vào mùa khô người trồng cà phê ở Cầu Đất không quá vất vả bơm tưới nước, do lá và cây hấp thụ một lượng lớn hơi nước từ sương mù về đêm.
 
Nhà vườn ở đây dù không bơm tưới vào những tháng ít mưa nhưng cà phê vẫn ra hoa và kết trái đều, năng suất và chất lượng quả cũng được duy trì ổn định.
 
Ngoài ra, một trong những điểm khác biệt của cà phê Cầu Đất là tới kỳ thu hoạch, các nhà vườn chỉ tiến hành hái tỉa quả chín chứ không hái ồ ạt cả quả xanh, quả già lẫn non. Do vậy, thời gian thu hái cà phê kéo dài, có thể từ tháng 10 năm trước tới tận tháng 2, tháng 3 năm sau”.
 
Đưa chúng tôi đi thăm một vòng khu phơi hạt cà phê, ông Nguyễn Song Vũ, chủ doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê bền vững Song Vũ (đóng tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt), chia sẻ: “Sau khi thu hái, cà phê sẽ được đưa vào máy chà bỏ vỏ để lấy hạt rồi ngâm trong nước khoảng 24 tiếng. Những hạt này sẽ được vớt rửa cho sạch nhớt và phơi khô.
 
Giàn phơi cà phê trong nhà kính luôn đảm bảo vệ sinh, tránh bụi bẩn. Sau khi phơi hạt, người làm bắt đầu công đoạn nhặt hạt thủ công lựa chọn những hạt cà phê có kích thước đều nhau, loại bỏ những hạt đen, hạt bị hư”.
 
Khẳng định thương hiệu
 
Cuối năm 2017, sản phẩm cà phê Arabica Cầu Đất - Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu đối với các sản phẩm gồm cà phê nhân, cà phê bột thuộc loại cà phê Arabica.
 
Ông Nguyễn Đình Thiện, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết, sau khi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, địa phương sẽ phát triển diện tích, hỗ trợ thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn các xã, phường làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân.
 
Hình thành chuỗi liên kết trong ngành cà phê; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp chủ động tạm trữ cà phê, tham gia điều tiết cung cầu trên thị trường. Đảm bảo 100% cà phê được phơi, sấy đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; nâng tỷ lệ chế biến ước đạt 100% sản lượng đến năm 2020.
 
Cà phê Abrabica được lựa từ những trái chính đều, phân loại kỹ càng
Cà phê Abrabica được lựa từ những trái chính đều, phân loại kỹ càng
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn TP Đà Lạt hiện có hơn 3.500 ha cà phê Arabica, sản lượng gần 11.000 tấn/năm.
 
Ông Võ Văn Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay từ năm 2013 Trung tâm đã triển khai mô hình 4C (sản xuất cà phê sạch bền vững) theo phương thức liên kết trên diện tích 15 ha tại TP Đà Lạt.
 
Khi tham gia mô hình này, người nông dân sẽ phải tuân thủ những điều khoản bắt buộc như quy trình chăm sóc, sản phẩm sau này ra thị trường sẽ dễ dàng truy được nguồn gốc, bù lại năng suất, chất lượng, thu nhập cao hơn trên cùng đơn vị diện tích.
 
Bên cạnh đó, khi đã có cơ sở pháp lý, tổ liên kết được cấp thương hiệu, sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn phát triển, ký kết các đơn hàng lớn.
 
Nếu muốn giá trị bền vững, hơn ai hết người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam phải làm ăn trung thực, giữ chất lượng sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn phía đối tác đặt ra. Khi Starbucks đưa sản phẩm cà phê Arabica Đà Lạt bán tại các chuỗi cửa hàng thì trước đó họ đã có những phân tích, đánh giá rất kỹ lưỡng, đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức đối với cà phê Arabica Đà Lạt thâm nhập thị trường cà phê cao cấp.
 
“Khi vào chuỗi cửa hàng của Starbucks, cà phê Arabica Đà Lạt đã rang được bán với giá khoảng 50 USD/kg (hơn 2 triệu đồng). Chính vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình liên kết trồng cà phê sạch, qua đó giúp người nông dân gia tăng lợi nhuận, nhưng hơn cả là giúp cà phê Arabica Đà Lạt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, ông Võ Văn Lập chia sẻ.
 
Ninh Giang
 

Tháng 07.2015, hãng cà phê Starbucks lần đầu tiên ra mắt sản phẩm Starbucks Reserve® Việt Nam Đà Lạt tại một số cửa hàng chọn lọc tại Mỹ và vài nước khác.

Tiếp đó, ngày 04.01.2016, sản phẩm này được ra mắt ở tất cả cửa hàng Starbucks tại Việt Nam. Cà phê Reserve Vietnam Đà Lạt một lần nữa quay trở lại và có mặt tại tất cả các cửa hàng Starbucks Việt Nam từ ngày 05.01.2018 với số lượng giới hạn.

Đây chính là sản phẩm cà phê Arabica được trồng tại Cầu Đất, Đà Lạt mà Starbucks thu mua, sau đó được chuyển về nhà máy rang xay của Starbucks tại Mỹ và trở thành sản phẩm cà phê Việt Nam đầu tiên trong hệ thống phân phối của Starbucks.
 
Cà phê Starbucks Reserve® Việt Nam Đà Lạt có thể đươc pha qua các phương pháp sử dụng máy espresso, cà phê nấu (brewed) hay pha cà phê bằng cách ngâm trong nước lạnh (cold brew).
 
Starbucks là một hàng cà phê nổi tiếng của Hoa Kỳ. Ra đời vào năm 1971, trải qua hơn 4 thập kỷ, đã có tổng cộng 21.536 cửa hàng trên 65 quốc gia, trong đó hơn một nửa đặt tại Hoa Kỳ, 1.716 cửa hàng tại Trung Quốc, 1.330 tại Canada, 1.079 cửa hàng ở Nhật và 808 tại Anh. Năm 2013, Starbucks có mặt tại Việt Nam.
 
Dung Đặng 
 

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Người dân đón nhận chuyện tách nhập làng xã rốp rẻng bằng một tờ giấy A4, văn hóa lịch sử chịu phận “xếp tàn y lại để dành hơi” nhưng không thèm “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.



Gần bốn năm kể từ thảm họa sạt lở đất kinh hoàng tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vùng đất này đã thực sự hồi sinh.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất