, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 16/06/2022, 17:57

Triển khai mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”

THÙY DUNG
Chiều nay (16/6), tại huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”.
Trao Quyết định thành lập Tổ điều phối mô hình du lịch cộng đồng “ Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”.

Tại hội nghị, TS Ngô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong xây dựng; dựa trên các ưu thế về hoạt động nông nghiệp đặc trưng và kết hợp với hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp truyền thống; tài nguyên sinh thái biển và văn hóa đặc sắc.

Chủ thể của quá trình xây dựng mô hình là cộng đồng, phối hợp cùng các bên liên quan để vận hành mô hình hiệu quả, phân chia công bằng giá trị mang lại từ mô hình nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa - kinh tế - xã hội của người dân và phát triển du lịch bền vững trên đảo.

TS Ngô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu.

Mô hình chú trọng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và dịch vụ cung cấp cho du khách, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cộng đồng tham gia vào mô hình. Từ đó, xây dựng thương hiệu du lịch Lý Sơn, mang về nguồn thu cho cộng đồng từ du lịch và không ngừng tăng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Những người thực hiện chương trình cũng hướng đến mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào quá trình xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Lý Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Theo ông Lê Văn Ninh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lý Sơn, với những đặc điểm nổi trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hoá, Lý Sơn có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển và du lịch, dịch vụ. “Tài nguyên du lịch của Lý Sơn có cả thiên tạo lẫn nhân tạo và dĩ nhiên các tài nguyên ấy đều giữ nét riêng biệt không lẫn lộn” – ông Lê Văn Ninh nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” được xây dựng nhằm thiết lập hệ thống sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác những câu chuyện kỳ bí từ thiên nhiên, văn hóa và con người ở Lý Sơn, khơi gợi câu chuyện kỳ bí “thế lính Hoàng Sa”, đưa vào trong bộ tài liệu thuyết minh và từng điểm đến du lịch.

Du khách tham quan Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải tại Lý Sơn.

Đến nay, mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” thu hút hơn 120 thành viên tham gia từ các dịch vụ khác nhau như nhà hàng, khách sạn, homestay, dịch vụ trải nghiệm, xe ôm… với mục tiêu kết nối các dịch vụ cung cấp theo chuỗi các hoạt động tour, tuyến du lịch, gắn kết các tác nhân đảm bảo cho việc phát triển du lịch đi vào quy chuẩn chung.

Ông Nguyễn Văn Nhật – chủ nông trại trồng hành tỏi truyền thống ở đảo Lý Sơn chia sẻ: “Hiện nay tôi đang làm mô hình du lịch trải nghiệm, du khách đến với nông trại sẽ được tìm hiểu về công việc trồng hành tỏi truyền thống ở đảo. Khi tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”, chúng tôi sẽ được hỗ trợ quảng bá hình ảnh, đồng thời, được hướng dẫn để làm du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp hơn. Khi liên kết được với các đơn vị lữ hành, lượng khách đến cũng sẽ đông hơn, tạo nguồn thu nhập cho người dân khi chuyển từ sản xuất truyền thống sang làm du lịch trải nghiệm”.

Đặc biệt, mô hình đã xây dựng Bộ thuyết minh câu chuyện “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” gắn liền với các điểm du lịch. Đây là công cụ quan trọng để cộng đồng chuyển tải các giá trị mà sản phẩm du lịch chứa đựng đến du khách, làm tăng sự trải nghiệm, tính lưu giữ và hiểu biết văn hóa khi sử dụng dịch vụ du lịch. Bộ thuyết minh vừa gắn liền với cuộc sống của cộng đồng, vừa mang tính khái quát hóa để thuận tiện cung cấp cho du khách.

Mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” đã thu hút các doanh nghiệp tài trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu (thực hiện bởi M&M Communications); hỗ trợ các hoạt động quảng bá và đóng góp ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch cho mô hình trong thời gian tới.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và địa phương cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”.

Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Lý Sơn.

Kết quả bước đầu, mô hình đã xây dựng được cơ chế quản lý, bộ nhận diện thương hiệu mô hình, các tour - tuyến và bộ sản phẩm du lịch với hệ thống hoạt động và dịch vụ chi tiết để sẵn sàng cung cấp cho du khách tại các điểm thiên nhiên kỳ bí và điểm trải nghiệm của cộng đồng, gồm:

- Các điểm tài nguyên tự nhiên gắn liền với đặc điểm địa mạo, địa chất độc đáo núi lửa và biển của Lý Sơn: hang Cau, núi Thới Lới, Cổng Tò Vò, bãi biển nham thạch…

- Các điểm tài nguyên nhân văn (đình, chùa, miếu, nhà cổ) gắn liền với truyền thống xây dựng và bảo vệ đảo trong suốt chiều dài lịch sử: đình An Hải, đình An Vĩnh, chùa Hang, chùa ục, Âm linh tự, Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải…

- Các điểm sinh cảnh văn hóa nông nghiệp, ngư nghiệp gắn liền cuộc sống của người dân trên đảo: cánh đồng hành, tỏi; cảng biển, bãi biển đánh bắt…

- Hệ thống điểm cung ứng dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí, trải nghiệm trên đảo.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất