, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/07/2022, 13:59

Triển vọng tăng sản lượng xuất khẩu gạo nửa cuối năm 2022

KHÁNH NGUYÊN
(Theo Bloomberg)
Tình hình thế giới và cả trong nước nhiều biến động trong sáu tháng đầu năm 2022, tuy vậy lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tín hiệu khả quan cho thấy triển vọng tăng tiếp diễn trong nửa cuối năm 2022 cho ngành gạo.

Từ đầu năm 2022, cuộc khủng hoảng lương thực, hậu quả của đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến nhu cầu về các loại lương thực như lúa mì, gạo tăng cao.

Giá lúa mì trong giai đoạn tháng 6/2020 và tháng 5/2022 nhảy vọt đã dẫn đến xu hướng sử dụng một số thực phẩm bằng gạo có giá thành rẻ hơn để thay thế. Sau khi tăng mạnh vào tháng 8/2020 và tháng 12/2021, giá gạo thế giới giữ đà tăng trong 5 tháng đầu năm 2022 vì chi phí đầu vào như phân bón điều chỉnh tăng.

Riêng trong tháng 6/2022, giá gạo toàn cầu điều chỉnh giảm sau khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - thông báo sản lượng gạo của họ sẽ tăng nhờ vụ gió mùa sắp tới trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên mức giảm giá này không nhiều.

Đối với Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới - giá xuất khẩu gạo trung bình đã di chuyển theo hướng ngược lại so với giá toàn cầu. Trong tháng 6/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam là 493 USD/tấn. Các chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất gạo Việt Nam đã không tăng giá bán nhằm thu hút thêm khách hàng. Trong sáu tháng đầu năm 2022, lũy kế sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 3,5 triệu tấn và 1,6 tỷ USD.

Dự báo trong sáu tháng cuối năm 2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đi ngang do tuyên bố sản lượng cao từ phía Ấn Độ và xu hướng giảm giá phân bón (chiếm 22% tổng chi phí sản xuất gạo). Tuy nhiên, các nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam lại có thể cải thiện lợi nhuận khi triển vọng tăng sản lượng xuất khẩu rất tươi sáng.

Theo đó, nhu cầu gạo từ Philippines ngày càng tăng (hiện đã chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước) do giá lúa mì tại nước này tăng cao mà sản lượng gạo sản xuất của họ được dự báo đi ngang. Việt Nam hiện chiếm hơn 80% tổng thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021 - 2022 vì thế sẽ được hưởng lợi. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 15% tổng giá trị xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2022 - dự kiến ​​sẽ quay trở lại nhập khẩu. Trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 19,5% so với cùng kỳ cả về sản lượng và giá trị do chính sách Zero-COVID của nước này. Do các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ xuân, do đó thúc đẩy nhập khẩu gạo và ngô từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường Châu Âu cũng được kỳ vọng nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm. Mặc dù nhập khẩu gạo từ EU chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2022 nhưng đây cũng là thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể cân nhắc. Mặc dù các tiêu chuẩn nhập khẩu của Châu Âu tương đối khắt khe và ít có doanh nghiệp Việt đáp ứng đầy đủ.

Ngoài ra, chi phí logistic dự kiến ​​sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022. Đây rõ ràng là những tín hiệu rất đáng mừng cho lúa gạo Việt Nam.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 6/7, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 vẫn đạt được những kết quả tích cực ngay cả trong tình hình thế giới và trong nước nhiều biến động.

 

Theo đó, tính đến hết ngày 15/6, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 3,11 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng gần 12,3% về lượng và tăng nhẹ 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt.

 

Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việc xuất khẩu được gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, dù với tỉ trọng nhỏ, nhưng đã giúp Việt Nam đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.

 

Theo chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của các thị trường chính như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp. Ngoài ra, thị trường EU là thị trường có yêu cầu rất khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy, dù lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này chưa nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn cần lưu ý tuân thủ quy định của thị trường, tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất