, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 15/07/2022, 14:00

Trò chơi dân gian, khơi miền ký ức

MỸ LINH
(baoangiang.com.vn)
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt, trò chơi dân gian như một phần không thể thiếu, bởi đó không chỉ là trò vui tiêu khiển mà còn chứa đựng những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.

Nét đẹp trò chơi dân gian

Từ xa xưa, trong đời sống sinh hoạt, cha ông ta đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cư dân khắp mọi miền đất nước. Đó có thể là trò đua thuyền, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, chọi gà tre hay chơi cờ tướng… các trò chơi không chỉ giải trí mà còn giúp rèn luyện sức khỏe, trí tuệ, thể hiện sự đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Bên cạnh trò chơi dành cho người lớn, còn có vô vàn trò chơi dân gian dành cho trẻ nhỏ, như: Pháo đất, thả diều, lò cò... hoặc trò chơi bắt nguồn từ những bài đồng dao có nhịp điệu đơn giản, rộn ràng, vui nhộn. Còn nhớ cách nay hơn 20 năm, khi tôi còn bé, vào những ngày hè chính là thời điểm trò chơi dân gian “lên ngôi”.

Trong số các trò chơi mà đám trẻ chúng tôi trải nghiệm, có thể nói thả diều là trò được duy trì bền bỉ suốt mấy tháng hè. Cứ mỗi buổi chiều, đám trẻ trong xóm tụ lại trên mảnh ruộng còn gốc rạ gần nhà để thả tung những cánh diều bay lượn trên bầu trời, hòa cùng tiếng cười đùa rộn rã. Mùa hè qua đi, những cánh diều lại được “ngủ” một giấc dài ở góc nhà chờ đến mùa hè năm sau.

Trò chơi chọi gà tre

Theo thời gian, xã hội ngày càng phát triển, những trò chơi dân gian dần được thay thế bằng hoạt động giải trí gắn liền với internet, hình ảnh trẻ nhỏ xúm xít hát vang bài đồng dao, cùng chơi bịt mắt bắt dê hay nhảy lò cò ngày càng hiếm gặp. Mặc dù không còn thịnh hành như xưa nhưng trò chơi dân gian không mất hẳn, thỉnh thoảng khi đi về vùng nông thôn hoặc ở một số nơi tại thành thị vẫn còn bắt gặp hình ảnh trẻ nhỏ và người lớn thả diều.

Cách nay vài ngày, tôi vô tình nhìn thấy 2 cánh diều bay trên bầu trời tại khu đất trống cạnh mảnh ruộng thuộc phường Mỹ Phước (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Tìm đến nơi có người thả diều thì nhìn thấy 2 đứa trẻ đi cùng ba mẹ, trên tay đang cầm cuộn dây diều với vẻ mặt đầy háo hức.

Anh Nguyễn Hữu Tâm (phường Mỹ Phước) chia sẻ: “Mấy hôm nay rảnh rỗi, nên vợ chồng tôi đưa 2 đứa nhỏ ra đây chơi diều. Mình thả cho diều bay lên rồi mới đưa cuộn dây cho con giữ diều, vậy mà bé thích lắm. Ngày nay, công nghệ phát triển, có quá nhiều trò chơi hiện đại hấp dẫn ra đời, thu hút những đứa trẻ bởi tính mới lạ, khiến những trò chơi ngày cũ bị lãng quên”. Còn chị Thanh (vợ anh Tâm) vui vẻ nói: “Nhìn 2 đứa nhỏ chơi diều, cười vui hớn hở làm mình nhớ thuở nhỏ cùng chơi diều với chúng bạn ở quê khi ngoài ruộng có khói đốt đồng, biết bao kỷ niệm ùa về”.

Lưu giữ qua các lễ hội

Trò chơi dân gian hầu hết đều mang tính giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực, trí tuệ, tài khéo léo của người chơi và mang tính cộng đồng cao. Vì vậy, để lưu giữ nét đẹp của trò chơi dân gian, trong các hoạt động lễ hội văn hóa ngày nay, bên cạnh phần lễ, thường có phần hội với nhiều trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi, quy củ tạo nên nét đặc trưng tiêu biểu, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Từ đó, mang đến không khí náo nhiệt, gần gũi, tạo sự phấn khởi cho cả người chơi và người xem mà không tốn quá nhiều chi phí tổ chức.

Đua thuyền tại Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy

Điển hình như giải đua thuyền tổ chức tại Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú), hàng năm luôn được người dân trong và ngoài huyện mong chờ, hưởng ứng tích cực. Đây là hoạt động “hội làng” được duy trì, phát triển theo thời gian, vừa tạo sân chơi bổ ích cho người dân sau những ngày lao động vất vả, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Ngoài đua thuyền, còn nhiều trò chơi dân gian khác được lưu giữ thông qua các lễ hội, như: Cờ tướng rèn luyện tư duy và sự tập trung; chọi gà tre khuyến khích chăn nuôi và biểu hiện cho tinh thần thượng võ trong dân gian; chơi kéo co đề cao sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết… Không chỉ có mặt trong các dịp lễ hội, trò chơi dân gian còn hiện diện ở các hoạt động sinh hoạt tập thể của công nhân, viên chức, lao động, nhằm tạo sự gắn kết, giải trí, tái tạo năng lượng tiếp tục lao động, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trò chơi dân gian được đưa vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh

Ngoài ra, tại buổi sinh hoạt ngoại khóa của các trường học cũng thường tổ chức trò chơi dân gian để học sinh vui chơi, giải trí. Mặc dù luật chơi, cách chơi của các trò chơi dân gian ngày nay có phần thay đổi tân tiến hơn hoặc giản lược hơn, nhưng vẫn bao hàm trong đó nét văn hóa tốt đẹp.

Trong đời sống đương đại, mỗi người đều phải bắt nhịp, tiếp thu và thích nghi với sự phát triển của xã hội. Đồng thời, được tiếp xúc với những trò giải trí hiện đại, hấp dẫn, mới lạ, thế nhưng mỗi khi bắt gặp một trò chơi dân gian đang diễn ra chúng ta luôn bị thu hút và bất giác bị cuốn vào cổ vũ, hưởng ứng nhiệt tình, hòa mình cùng niềm vui chung. Từ đó, cho thấy trò chơi dân gian vẫn có giá trị nhất định cần được lưu giữ để trong cuộc sống hiện đại mãi còn hiện diện những nét đẹp dân gian, truyền thống.

Bình luận

Xem nhiều



Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.


Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất