, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 17/12/2021, 12:12

Trợ lực để doanh nghiệp tự tin gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

MINH XUÂN
(sggp.org.vn)
Giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm nay, đó là tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này cho thấy, dư địa thị trường rất lớn tại các chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ vậy, doanh nghiệp Việt Nam còn đang gia tăng vị thế khi được nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ và châu Âu ưu tiên lựa chọn.

Chuỗi cung ứng toàn cầu “săn” doanh nghiệp nội

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, khẳng định, Việt Nam tiếp tục là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong thời gian tới. Hiện gần 80% doanh nghiệp được hỏi, đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của họ về Việt Nam, đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chủ động gia tăng sử dụng nguồn cung ứng từ doanh nghiệp trong nước. Trong số 500 doanh nghiệp Hoa Kỳ được khảo sát ý kiến, có đến 40% các doanh nghiệp chọn và tính toán chọn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở phạm vi rộng hơn, việc tăng cường bổ sung doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã được nhiều doanh nghiệp FDI đầu cuối tính đến. Tổ chức Qima - nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng - đã thực hiện khảo sát với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu. Kết quả cho thấy, 1/4 doanh nghiệp đã coi Việt Nam là một trong 3 thị trường cung ứng hàng đầu. Về xu hướng tìm kiếm nhà cung ứng mới trong 12 tháng tới, 38% doanh nghiệp Hoa Kỳ và 28% doanh nghiệp châu Âu cho biết có kế hoạch chọn Việt Nam hoặc mua thêm từ các nhà cung cấp ở đây. 

Trợ lực để doanh nghiệp tự tin gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1
Đoàn chuyên gia Samsung đánh giá năng lực cung ứng sản phẩm CNHT tại một doanh nghiệp Việt Nam

Lý giải về vấn đề này, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, chia sẻ, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu, các doanh nghiệp FDI buộc phải đa dạng hóa nguồn cung. Trong đó, việc ưu tiên tối đa gia tăng nguồn cung tại chỗ là giải pháp an toàn, chiến lược mà doanh nghiệp FDI đang gấp rút triển khai. 

Cơ hội “vàng” để bứt phá

Nhận định từ thực tế trên, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành CNHT cho rằng, đây là cơ hội “vàng” để doanh nghiệp trong nước bứt phá, tăng tốc đầu tư và gia nhập sâu, rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đỗ Phước Tống, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết, tháng 3-2021, công ty chính thức cho khởi công xây dựng Nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh tại Khu công nghệ cao TPHCM với tổng vốn đầu tư 189 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động quý 2-2022. Nhà máy được đầu tư công nghệ sintering, dập ép bột kim loại và thiêu kết để sản xuất chi tiết máy, linh kiện phụ tùng, phục vụ phát triển CNHT trong lĩnh vực công nghệ cao.

Cũng theo ông Đỗ Phước Tống, việc đầu tư nhà máy này không nằm ngoài mục tiêu đón đầu cơ hội cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Hiện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối có nhu cầu cung ứng các linh kiện, chi tiết máy của các doanh nghiệp công nghiệp về dụng cụ cầm tay, hệ thống điều khiển, truyền động trong xe máy, ô tô… rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn. 

Trên thực tế, nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp ngành CNHT nhanh chuyển đổi công nghệ sản xuất, mở rộng quy mô cung ứng sản phẩm, UBND TPHCM đã phê duyệt hỗ trợ vốn đầu tư cho gần 30 dự án đầu tư với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là hơn 1.000 tỷ đồng. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ vốn đầu tư đã tự tin gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn như Samsung, Panasonic, Intel, Nidec Sankyo… 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để khơi thông nội lực phát triển cho doanh nghiệp ngành CNHT, thành phố đã chuẩn bị ngân sách, đồng thời nâng hạn mức cho doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực CNHT vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND TPHCM đã chấp thuận cho phép đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành CNHT với quy mô 330ha.

Việc hình thành khu công nghiệp này trong thời gian tới sẽ giúp tạo ra chuỗi liên hoàn trong hoạt động sản xuất sản phẩm CNHT, cơ khí chế tạo và tự động hóa, từng bước nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước, đón đầu cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh doanh nghiệp FDI đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Thông tin từ Bộ KH-ĐT, tính từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 1.577 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 14,06 tỷ USD; 877 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,02 tỷ USD. Ngoài ra còn có 3.466 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,38 tỷ USD. Riêng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 17,1 tỷ USD.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất