, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 07/04/2018, 06:49

Trời đánh tránh bữa ăn

CAO THỊ HOÀNG

1.

Nắng mong manh và yếu ớt trên sân đất trét phân trâu.

Mây khói đèn mỗi lúc mỗi đặc cứng bầu trời, gió mang hơi lạnh mỗi lúc mỗi lạnh mặt đất. Mợ Năm lật đật buông sàng gạo, hấp tấp chạy ra sân quơ mấy nia lúa đem vô nhà.

Trời gầm gừ chớp giựt, tiếng rền như tiếng pháo nổ tầm xa.

- Sáu! Xuống bếp bưng rổ khoai, mau lên!

Sáu lớ ngớ chẳng rõ ngô, khoai!?

- Dạ! Mợ ơi, con chưa thấy đói!

- Trời ơi! Tau biểu bây bưng rổ khoai lên gấp. Tới nước nầy, ở đó mà đói với no?

Hình như hoảng quá, mợ Năm dậm chưn kêu trời.

Những vệt xanh lè ngoằn ngoèo chẳng khác rễ cây xẹt sáng cánh đồng Tân Thiết (1).

- Sáu! Ăn khoai..., ă...n... k...h...o...a...i...

Sáu điếng hồn, không vì tiếng sấm nổ, mà vì thái độ quýnh quáng của mợ.

- Bây nhơi chớ không nhai, bởi nhơi ăn lâu hơn nhai, nha!

Trong cái hỗn loạn trời đất và con người, Sáu nghe tiếng đặng tiếng được:

- ‘’Trời đánh tránh bữa ăn’’!(?).

2.

Mợ Năm lui cui gụ bị nào cá mắm, nào rau củ làm quà gởi biếu má con Sáu. Lúc mợ cháu nghỉ tay, Sáu rụt rè hỏi chuyện mợ bắt nó nhơi khoai lúc mưa giông chiều hôm qua. Quệt mồ hôi trán, mợ Năm ngó cánh đồng đang ải đất chờ xạ lúa phía bên kia bờ kinh.

- Bây có biết, đây là đâu không?

- !?

- Kinh ‘’Trời đánh’’!

Tự dưng, Sáu nổi da gà.

Rồi, mợ Năm kể:

‘’Hồi khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, cậu mợ đi lập nghiệp Tân Thiết, và nghe nói con kinh nầy đào từ năm 1956. Lạ là, năm nào ‘’Trời’’ cũng đánh người, nếu không đánh được người thì ‘’Trời’’ cũng đánh cây hoặc trâu bò...’’.

- Đã biết vậy, sao cậu mợ còn tới ở mần chi? Sáu hoang mang hỏi.

Mợ Năm tặc lưỡi:

- Lúc chưn ướt chưn ráo tới Tân Thiết, mới té ngửa ra vùng đất mang hỗn danh kinh ‘’Trời đánh’’! Thôi thì, người ta ở mình ở. Đã hụt hơi rồi, đi đâu?

Nghe chuyện, Sáu thương cậu mợ vô kể.

‘’Lôi công không đánh người đang ăn cơm’’!

Sáu thắc mắc: ‘’Lôi công là ai’’? Mợ Năm nói: ‘’Dân gian truyền lại, rằng Lôi công (2) là vị thần trông coi việc nổ sấm xuống trần gian’’.

- Lôi công lấy gì nổ sấm?

Mợ Năm nói: ‘’Hình tướng Lôi công vạm vỡ, mình trần, lưng có đôi cánh dài, chưn tay móng vuốt như đại bàng, và đeo nhiều trống. Hễ đánh trống là phát sấm, và một khi phát sấm thì nó nổ vang trời’’.

Sáu hồ nghi, hỏi tới:

- Nhưng, cái gì mần sét?

Mợ Năm định gạt ngang, song nghĩ lại: ‘’Con nhỏ dân kẻ chợ, nó biết quái quỷ gì đâu!’’.

- Điện mẫu (3) là thê tử của Lôi công, tuy đoan trang thanh nhã, nhưng thường ghen bóng gió nên hay hờn giận chồng, và cứ mỗi lần như vậy tức thời đánh sét. Lúc đó, chồng vội đánh trống can ngăn.

- Có phải vì vậy, sét đánh trước sấm nổ sau không mợ?

Mợ Năm bực mình:

- Mới chiều qua bây ăn chịu, biết rồi còn hỏi!

Nói gì thì nói, bụng Sáu chưa thông việc ‘’Trời đánh tránh bữa ăn’’! Trời sợ bữa ăn của người, không đánh? Lẽ nào...!

Trước khi đưa cháu ra lộ đón xe đò về chợ, mợ Năm nói với Sáu:

- Người vùng nầy, tin rằng: ‘’Trời mưa, Thiên lôi thừa lịnh Trời đi đánh những ai có số lôi đả, nhưng không được phép đánh người đang ăn, vì người đang ăn là ăn hạt ngọc của Trời. Trời không phân biệt cơm hay khoai, hễ ăn là ăn của Trời (!?)”.

Mợ nói tiếp:

- Thiên lôi phải đợi người ăn xong đánh. Đợi mãi, người vẫn ăn...Hết giờ đánh, Thiên lôi đành quay về! Cho nên, người sanh nhầm giờ lôi đả hoặc sợ sét đánh, hễ gặp mưa và thấy chớp giựt sấm sét thì vội vàng lấy thứ gì đó ra ăn.

Sáu lầm thầm: ‘’Hèn gì, mợ bắt mình ăn lúc mưa giông’’!

3.

Miền quê Nam bộ, trong đó có vùng đất ‘’kinh Trời đánh’’ vẫn còn giữ tục ‘’Lúc mưa giông sấm sét, kiếm thứ gì ăn để Thiên lôi không đánh’’. Về sau, người ta tôn vinh Lôi công - Điện mẫu là thần linh và lập miếu thờ. Hỏi ra mới biết, Lôi công - Điện mẫu ngoài việc tạo sấm sét còn mang trọng trách ‘’Thế thiên hành đạo’’, diệt ác bảo thiện. Cũng là cách dạy ứng xử giữa người với thiên nhiên, giữa người với người; nhứt là giữ niềm vui bữa ăn ngon trong gia đình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

.................................................................

(1) Kinh Tân Thiết, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, bây giờ là vùng đất màu mỡ, dân cư trù phú.

(2) Còn có tên gọi khác là Lôi sư, Lôi thần, Lôi công giang Thiên quân...Người đời gọi nôm na là Thiên lôi (nhân vật trong thần thoại xưa).

(3) Còn gọi là Thiểm Điện nương nương, Kim quang Thánh mẫu hay Điện mẫu Tú Thiên quân.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất