, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 05/01/2022, 16:31

Trống chầu cũng lắm công phu

HÙNG ANH
“Ai cũng có thể cầm dùi trống, nhưng đánh đúng bài bản thì hiện nay trong ấp này chỉ còn ông Hai Chi”, ông Tám Thế nói.

Trống cúng Thần phải đúng bài bản

Ông Hai Chi (Nguyễn Văn Chi, ngụ ấp An Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) năm nay đã 88 tuổi. Suốt mấy chục năm, mỗi năm đình thần An Hòa có 2 lệ cúng thì ông Hai đều là người thủ chiếc dùi và cái trống chầu. Hơn chục năm nay, do tuổi cao sức yếu, ông Hai không còn thủ chân đánh trống trong mỗi lệ cúng đình, nhưng chỉ cần nghe tiếng trống thì ông đều biết người cầm chầu là dân bài bản hay kẻ tay mơ.

Ông Hai Chi, người cuối cùng giữ bài bản trống chầu ở ấp An Hòa.

Ông Hai Chi nói, ngày trước ông Năm Phương - cha của ông là ông Từ giữ đình Thần, nên từ nhỏ ông đã được cha dạy các bài bản đánh trống chầu, vì vậy từ thời thanh niên ông đã được giao đánh trống mỗi dịp cúng đình. “Đánh trống chầu cúng đình không khó, nhưng không biết bài bản thì sẽ đánh loạn xạ, người ta cười. Nguyên tắc đánh trống cúng đình là “tiền đại cổ, hậu đại hồng chung”, có nghĩa là trống đánh trước, chuông đánh sau”, ông Hai Chi nói.

Ông Hai kể thêm, trong mỗi kỳ cúng đình, 14 giờ chiều hôm trước chánh lễ là Ban Hội hương tổ chức cúng tiên thường. Sau khi bày biện nhang đèn, cỗ bàn cúng Thần, ông Hai đánh 1 hồi trống chầu dài hơn 20 tiếng, lúc đầu lớn, sau nhỏ dần, ngưng 1 chút mới đánh 3 tiếng hồi trống. Dứt hồi trống, người đánh chuông mới đánh 1 hồi chuông, mà tiếng chuông cũng phải bằng số tiếng trống.

Hôm sau, ngay trước lễ chánh tế, trống sẽ đánh 3 hồi dài, chuông cũng đánh 3 hồi dài bằng với tiếng trống. Khi các học trò lễ khăn đóng áo dài chỉnh tề vào chánh điện làm lễ tế Thần, trống được đánh liền 3 tiếng rồi ngưng, chuông đánh 3 tiếng. Sau đó trống đánh 2 tiếng, chuông đánh 2 tiếng, rồi trống đánh 1 tiếng, chuông đánh 1 tiếng. Lúc các học trò lễ làm lễ dâng rượu (rót rượu 3 lần, gọi là 3 tuần rượu) thì bên ngoài trống đánh từng hồi 3 tiếng, chuông 3 tiếng. Tiếng trống, chuông đều phải khoan thai, chậm rãi để các học trò lễ có thời gian thực hiện các động tác bái lạy Thần, không được đánh thúc liên hồi kỳ trận. Sau lễ dâng trà (1 tuần trà), học trò lễ hô lớn “tất”, có nghĩa là kết thúc lễ cúng. Nghe hô vậy, bên ngoài trống, chuông cùng lúc đánh 1 hồi dài rồi ngưng. Tuyệt đối không được đánh thêm 3 dùi hồi trống, hồi chuông vì đó là điều đại kỵ.

Đình Thần An Hòa

Ông Tám Thế, nguyên Trưởng Ban Hội hương đình An Hòa cho biết, từ khi ông Hai Chi già yếu, trống chuông trong lễ cúng đình được giao cho mấy cậu trai trẻ. “Họ đánh tùy thích theo ý họ, chẳng có bài bản gì ráo. Cho nên nhiều năm nay, bên ngoài ai đánh trống đánh chuông cứ đánh, bên trong chánh điện học trò lễ cứ bái lạy chẳng ăn nhập gì với trống, chuông. Nhưng chắc ông Thần cũng thông cảm bỏ qua”, ông Tám Thế nói.

Nghe trống báo tang, biết người chết là nam hay nữ

Ngoài việc chuyên đánh trống cúng đình, trước đây ông Hai Chi thường được các gia đình có tang sự mời đánh trống chầu trong đám tang. Bởi lẽ, trống chầu đám tang cũng phải bài bản đàng hoàng, không phải muốn đánh thế nào thì đánh.

Ông Hai Chi kể, lúc chưa có đủ loại nhạc lễ, nhạc Tây, nhạc Tàu hoạt động như bây giờ, trong đám tang chỉ có chiếc trống chầu và chiếc chiêng. Khi tang gia bắt đầu lễ phát tang, bên ngoài trống phải đánh báo tang. Đánh trống báo tang phải theo nguyên tắc, để nghe tiếng trống là người ta biết ngay người quá vãng là nam hay nữ. “Nếu người chết là nam, người đánh trống báo tang phải đánh liên tiếp 7 tiếng. Người chết là nữ thì trống báo tang phải đánh 9 tiếng. Sau đó ngưng 1 chút mới đánh 3 tiếng hồi trống”, ông Hai Chi nói. Từ lúc đó, lâu lâu người đánh trống phải đánh 3 hồi ngắn mỗi hồi 3 tiếng và 1 hồi dài bao nhiêu tiếng là tùy theo người đánh. Người đánh chiêng phải căn cứ theo người đánh trống mà thực hiện.

Khi có khách viếng tang hoặc sui gia vào chuẩn bị cúng bái, trước tiên người đánh trống phải đánh 3 hồi dài, mỗi hồi bao nhiêu tiếng là tùy người đánh, sau trống đến chiêng. Lúc đang thực hiện lễ cúng, trống đánh từng hồi 3 tiếng (chiêng cũng đánh 3 tiếng sau trống). Khi khách viếng cúng bái xong, trống đánh liền 1 hồi dài, sau đó chiêng cũng đánh như vậy. Đây là những điều bắt buộc, vì tang chủ rất kỵ chuyện trống chiêng đánh loạn xạ. Lúc động quan, trống, chiêng đều phải đánh từng hồi dài. Khi di quan, trên đường đi từ nhà đến huyệt mộ trống phải đánh từng hồi 3 tiếng chậm rãi, chiêng cũng đánh như trống. Đến lúc hạ huyệt, cả trống và chiêng đều đánh 1 hồi dài rồi dứt luôn, tuyệt đối không được đánh thêm 3 dùi hồi trống, vì đó cũng là điều đại kỵ cho tang chủ.

Đánh trống chầu không khó, nhưng cần phải tuân thủ bài bản, kỹ thuật

Ngoài chuyện đánh trống chầu cúng đình, đám tang, ông Hai Chi nói ông có biết sơ sơ chuyện cầm chầu hát bội cúng đình. Theo ông Hai, người dám cầm chầu hát bội trước tiên phải thông thuộc tuồng tích, biết thưởng thức nghệ thuật hát bội. Nếu nghe hát hay, đúng tuồng, đúng tích, người cầm chầu gõ vào mặt trống 2 dùi để khen. Gõ 1 dùi cũng khen, nhưng không hay bằng 2 dùi. Còn nghe hát dở thì người cầm chầu gõ vào tang trống để ngụ ý chê.

“Nguyên tắc là nghệ sĩ phải hát dứt câu thì người cầm chầu mới được đánh trống khen chê. Nếu chưa hết câu mà người cầm chầu gõ trống thì thế nào lát sau trên sân khấu cũng xuất hiện 1 vai hề, cất tiếng ca kể, buông lời chê bai người cầm chầu ngu ngốc trước công chúng. Bởi vậy ngày xưa ông bà mới nói cầm chầu hát bội là cái ngu thứ tư trong 4 cái ngu trên đời, vì có ai mà thông thuộc hết mọi tuồng tích? Nhưng thôi, tui chỉ biết vậy, bởi người cầm chầu hát bội đều là mấy ông quan làng, quan xã; dân thường đâu có được leo lên ngồi đó mà gõ trống khen chê người khác”, ông Hai Chi cười khà khà, nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất