, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 09/01/2023, 07:02

Trong cơn cầm cự sống còn

ÁI MỸ
Trong một ngày, tôi bắt 2 cuốc xe GrabBike đi và về. Tài xế chuyến đi là một cậu sinh viên quê Bình Định đang học trường nghề, chuyên sửa xe ô tô ở Thủ Đức.

Tranh thủ ngày cuối tuần, cậu chạy grab. Hỏi sao từ Bình Định không ra Chu Lai - Quảng Nam để xin vào Thaco Trường Hải vừa được học được hành, được nhận vào công ty ngay sau khi hoàn tất niên khóa. Cậu bảo, em biết thì đã muộn nhưng vô đây học, còn tranh thủ đi làm thêm, phụ lo cho gia đình ở quê. Chị gái cậu vừa mất việc, khoản tiền gửi về cho cha mẹ nay cậu tiếp quản.

Còn tài xế chuyến về là một bác trung niên, vốn là dân chạy xe tải đường dài. Ông nói lớn tuổi không chạy nổi, lỡ gây tai nạn, đền bù thì trắng tay; mà muốn “đua” với tụi nhỏ có khi phải “cắn thuốc” mới đủ tỉnh táo mà chạy. Ông chạy grab ôm cũng được mấy tháng nay, sau dịch. “Càng ngày càng khó cô ơi, công nhân mất việc, đành lao ra đường chạy grab, vậy là miếng bánh đã nhỏ nay người chia lại đông hơn. Lớp chịu thuế, lớp chiết khấu công ty không giảm, xăng vừa tăng vừa khan hiếm, rốt cuộc tiền thực kiếm được không đủ nuôi ai cả”, ông ngậm ngùi.

Hôm tôi ra Quận 1, bắt gặp ở ngay phố đi bộ Bùi Viện, nép một bên hiên nhà người ta là cái bàn máy may của chị Vân, vốn là công nhân của Khu chế xuất Tân Thuận, đơn hàng giảm, tiền kiếm không đủ để gửi con đi nhà trẻ. Thế là để chồng cầm cự ở nhà máy, chị Vân xin nghỉ, sắm cái máy may đi may, vá quần áo thuê ở vỉa hè.

Không cầm cự nổi ở thành phố, anh Toản (công ty gỗ Hoàng Thông, TP Dĩ An, Bình Dương) đành… “hồi hương” Cà Mau, quay lại với nghề đi biển. Để vợ lại nhà máy để trước mắt giữ được khoản lương 6 triệu đồng/tháng, chồng ôm con về quê, gửi mẫu giáo gần nhà có chi phí bằng nửa trên này. “Ở quê không tốn tiền thuê trọ, đói vẫn có rau ăn” - Anh Toản là một trong hơn 800 công nhân Công ty Gỗ Hoàng Thông nghỉ việc khi nhà máy giảm giờ làm.

Có một điểm chung trong tất cả những gương mặt dãi dầu vừa kể, họ thấu hiểu hoàn cảnh chung, họ đoán trước được sự khốn khó của thị trường, mọi nỗ lực trông chờ, tìm kiếm đơn hàng, thị trường thay thế đều gần như vô vọng. Buộc lòng, chủ lẫn thợ đều lâm cảnh đường cùng, bế tắc. Cắt giảm lao động, sa thải công nhân là việc đặng chẳng đừng.

Như tại Công ty TNHH Vexos Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM), hơn một tháng qua nhà máy bị thiếu nguyên phụ liệu và không xuất được hàng. Nếu duy trì số lao động như hiện tại, công nhân không còn tăng ca nhiều như trước. Có số “lửng lơ muốn nghỉ”, có số chủ động xin nghỉ để đi làm tự do bên ngoài, công ty chấp thuận nhưng không tuyển thêm công nhân mới để bù thời gian tăng ca cho số lao động còn cầm cự được. Lãnh đạo công ty cũng cố gắng xoay sở để đảm bảo công nhân có việc, có thu nhập, chỉ cho nghỉ khoảng 3% tổng số lượng lao động.

Hoặc ở Công ty TNHH May mặc Triple, quy mô 2.000 lao động ở Củ Chi, khi đơn hàng giảm buộc phải thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp chỉ giảm đội ngũ quản lý khoảng 30 người để ưu tiên giữ lại công nhân, chờ đơn hàng phục hồi.

Đó là chưa nói, trong cơn cầm cự sống còn ấy, đôi khi cái thắt ngặt không phải đến từ… thị trường đang đứt gãy, nguyên liệu đang khan hiếm mà chính là bởi ma trận cơ chế cứ chồng chéo, gỡ chỗ này lại mắc chỗ khác. Cho nên, cái gọi là “động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia” sẽ mãi không được khai phóng và phát huy nội lực nếu chừng nào “rừng” cơ chế vẫn bủa vây doanh nghiệp.

Một nghịch lý đang hiển hiện: trong định hướng tái định vị ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM có tính đến cơ sở là tăng hàm lượng công nghệ cao, giảm những ngành có thâm dụng lao động lớn, sử dụng quỹ đất lớn… Song, trước khi chuyển lực lượng “thâm dụng lao động” ấy về các bản quê, vùng miền thì họ vẫn đang và cần phải bám víu lại nơi mà họ có thể mưu sinh, còn kiếm được đồng ra đồng vào hơn là về quê chịu đói. Vì vậy, mỗi cái thông báo luân phiên nghỉ việc (đối với 20.000 công nhân ở Pouyuen Việt Nam - TP.HCM), cắt giảm lao động (đối với 5.300 công nhân của Công ty TNHH An Giang Samho)… là gần như chừng ấy hộ gia đình lâm cảnh khốn khó, kéo theo bao nhiêu hoàn cảnh hệ lụy ở quê nhà.

Sự gắng gượng qua hai năm đại dịch những tưởng sẽ được “phục hồi”, nhưng giờ lại đối diện những cuộc xung đột không điểm dừng cũng như những rào chắn đến từ “lực cản” cơ chế đang khiến doanh nghiệp hầu như kiệt sức. Công nhân mất việc. Doanh nghiệp bên bờ vực mất công ty, sự sản. Một lượng lao động từ các khu chế xuất, khu công nghiệp ở các đô thị, thành phố lớn sẽ phải quay về quê nhà, liệu những “phân xưởng” làng quê có đủ “đơn hàng” cho họ, hay cái nghèo lại tái nghèo, cận nghèo giờ đã thật sự nghèo? Nhà nước ngoài nguồn lực hỗ trợ an sinh vốn cũng đã cạn dần sau “bạo bệnh” Covid-19, thì cái trông chờ nhất ở năng lực quản trị, điều hành nền kinh tế chính là làm mọi cách để “dọn đường” và phát quang “rừng” cơ chế, để doanh nghiệp lẫn người lao động cùng nhau gượng dậy “tự cứu mình trước khi trời cứu” nhưng là “trong khi nhà nước cứu”!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất