, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/07/2022, 07:39

Trồng nấm Linh chi đỏ ở Đăk Đoa

ANH KHOA
Lần đầu tiên tỉnh Gia Lai trồng thử nghiệm thành công giống nấm Linh chi đỏ. Nấm này được trồng tại khu vực làng Dur của xã Glar huyện Đăk Đoa vào cuối năm 2021 và giữa năm 2022 đã có đợt hàng đầu tiên xuất khẩu đi Nhật.
Nấm được trồng cách nhau theo ô 35cm-35cm.

Giống nấm Linh chi đỏ và kỹ thuật trồng nấm Linh chi dược liệu dưới tán rừng cây keo lai được Tiến sĩ Lê Hoàng Thế - Chi hội trưởng Chi hội Đồng bằng sông Cửu Long (Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài) chuyển giao công nghệ cho tỉnh Gia Lai cuối năm 2021. Thông qua Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, Tiến sĩ Lê Hoàng Thế đã hỗ trợ, hướng dẫn một số tổ chức, cá nhân cách thức chọn khu vực trồng; cách chăm sóc nấm Linh chi dưới tán rừng; cách nhận biết bệnh và phương pháp xử lý; thu hoạch và bảo quản nấm Linh chi. Sau đó, Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh Vos Five A (Gia Lai) đã tiếp nhận và triển khai trồng thử nghiệm tại Đăk Đoa 10ha đầu tiên. 

Nấm linh chi đỏ có thể được khai thác quanh năm.

Mô hình mẫu của nông nghiệp tái tạo

Theo ông Nguyễn Công Hiệu, Công ty TNHH Lâm Nông nghiệp vi sinh Vos Five A, lúc mới triển khai, công ty gặp một số khó khăn như chi phí đầu tư ban đầu rất lớn do phải nhập toàn bộ công nghệ cấy phôi, sản xuất, chế biến, bảo quản tiên tiến của Nhật. Để phục vụ xuất khẩu, vùng trồng là keo lai phải đạt được chứng chỉ quản lý và phát triển rừng bền vững FSC, nấm trồng ra phải đạt được chứng chỉ Organic. 

Theo quy trình, nấm sẽ được cấy mô trong phòng thí nghiệm vô trùng 45 ngày. Sau đó mới đem ra trồng. Trồng 90 ngày phôi mới bắt đầu sinh trưởng đạt kích cỡ tiêu chuẩn. Để phôi phát triển tốt, mỗi phôi được đặt cách nhau theo ô 35 - 35cm. Nhiệt độ vùng trồng dưới tán lá duy trì khoảng 18 - 22 độ C. Ngoài việc duy trì nhiệt độ và kiểm soát chặt chẽ nguồn nước ngầm, nước tưới ra, các khâu chăm sóc khác khá dễ dàng. Một công nhân phụ trách hệ thống tưới chia sẻ chăm sóc nấm này không có kỹ thuật gì đặc biệt, không cần bón phân, không thuốc bảo vệ thực vật, vì hầu như không thấy tình trạng sâu bệnh phá hoại, chỉ cần bật hệ thống nước tưới tự động mỗi ngày
3 lần, mỗi lần 5 phút. 

Ông Nguyễn Văn Mười, Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Hội Làm vườn Việt Nam khu vực phía Nam, sau khi tham quan khu trồng nấm đã đánh giá đây là mô hình nông nghiệp tái tạo kiểu mẫu có thể nhân rộng ở nhiều vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự với khu vực Tây Nguyên. Ngoài việc mang lại nguồn cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, sau khi khai thác nấm thì rễ cây tự hoại trong đất trở thành nguồn phân bón dinh dưỡng hữu cơ cực kỳ tốt, góp phần bảo vệ đất, nước và môi trường. 

Cây nấm linh chi đỏ dễ trồng, có giá trị kinh tế cao.

Nhân rộng mô hình dễ nhờ giá trị kinh tế cao

Theo kết quả khảo nghiệm, nấm Linh chi đỏ có tính dược liệu cao và rất nhiều hoạt chất có hàm lượng dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Loại nấm này có thể sử dụng tươi, khô hoặc nghiền thành bột để làm thức ăn hoặc làm dược liệu. 

Theo ông Phạm Minh Trung - Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa, huyện đang tạo điều kiện để đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ cho người dân và nhân rộng mô hình này tại địa phương. Về phía Công ty TNHH Lâm Nông nghiệp vi sinh Vos Five A, theo Phó Tổng giám đốc Trương Văn Công, công ty sẵn sàng hợp tác, chuyển giao kỹ thuật cho các hợp tác xã và người dân. Anh chia sẻ: “Chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng nấm bởi nhu cầu của phía Nhật Bản đối với sản phẩm này rất lớn”. Cũng theo anh Công, Vos Five A sẽ hợp tác với nhiều hộ dân địa phương dưới hình thức liên kết vùng trồng, công ty cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm tại vườn với mức giá khoảng từ 600.000 đến 800.000 đồng/kg nấm tươi. Mục tiêu của Vos Five A là làm sao để vừa bảo tồn được loại cây dược liệu quý hiếm vừa mang lại nguồn thu ổn định cho người dân tộc thiểu số Gia Rai, Ba Na, Ê Đê ở địa phương. 

Hiện nay, diện tích trồng nấm Linh chi đỏ ở Gia Lai đang được mở rộng rất nhanh. Nếu cuối năm 2021 mới chỉ có 10ha thì nay đã có thêm 40ha ở Đắk Đoa và 100ha ở Chư Păh. Bình quân mỗi sào có thể cấy được 10.000 phôi, tỷ lệ sinh trưởng ổn định đến 99%, độ hao hụt rất nhỏ. Mỗi phôi có thể khai thác nấm được 3 lần với chu kỳ khoảng 4 tháng một lần và thu hoạch quanh năm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất