, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/10/2019, 08:55

Trưa vắng, về quê lắng chuyện làng

CẨM HÀ

Trong khi xã hội phong kiến không mấy tôn trọng nghề “xướng ca” thì ở làng Lỗ Khê (thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại có đền Ca Công thờ 2 vị tổ nghề hát ca trù. Không chỉ thế, ngôi làng hơn 600 năm tuổi này còn gìn giữ nhiều nếp xưa rất đáng trân trọng.

Đình làng Lỗ Khê
Đình làng Lỗ Khê

Tản mạn sử làng

Nằm cách khu di tích Cổ Loa 5km về phía Tây Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 18km, làng Lỗ Khê - cùng với 4 làng “Lỗ” khác (có khi còn gọi là “Giỗ”) gồm Hà Lỗ (Giỗ Đông), Hà Phong (Giỗ Dong), Hà Hương (Giỗ Hương), Thù Lỗ (Giỗ Thù) - tạo nên vùng Ngũ Lỗ (hay Ngũ Giỗ) ở trái tim của vùng châu thổ sông Hồng. Đây có lẽ là những làng thuộc loại cổ nhất Việt Nam, tương truyền được lập nên từ thời Văn Lang.

Lỗ Khê thuở mới lập làng có 4 dòng họ chính, được sử sách miêu tả là “vững vàng trong giông bão như cây tùng cây bách giữa rừng, như cột đá giữa dòng nước xiết, vui vầy với trời đất, thời nào cũng xuất hiện công hầu”. Đến Cách mạng tháng Tám, làng có chừng 15 dòng họ và trải qua quá trình nhập cư, đến nay đã có thêm hàng chục dòng họ mới.

Nhờ có nghề mộc, nghề làm bánh chưng, nấu rượu, nên Lỗ Khê là một làng khá giả, hầu hết nhà dân trong làng Lỗ Khê đều đã xây gạch khang trang. Anh Nguyễn Thế Trang, chủ một cơ sở làm đồ mộc mỹ nghệ hồ hởi mời chúng tôi vào nhà “làm điếu thuốc lào, nâng cao sĩ diện”. Một lát sau, vài người bạn của anh thấy có khách đến chơi nên đã quây quần quanh ấm trà, rôm rả chuyện trò.

Gói bánh chưng là nghề phụ góp phần giúp cuộc sống của người dân Lỗ Khê khấm khá hơn. (Ảnh tư liệu)
Gói bánh chưng là nghề phụ góp phần giúp cuộc sống của người dân Lỗ Khê khấm khá hơn. (Ảnh tư liệu)

Theo lời anh Trang “khoe”, hiện làng vẫn giữ được nhiều di tích vô giá. Như đình làng Lỗ Khê ban đầu là nơi thờ Điện Hưng, một vị tướng tài có công giúp vua Hùng đánh giặc. Sau này, đình phối thờ thêm 3 vị thần nữa, gồm Thủy thần Út Đầu Rền và 2 vị tướng của Lê Lợi là Dương Trực và Tô Quang. Cạnh đình là nhà Văn chỉ (nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương), ngay sau lưng là ngôi chùa Lỗ Khê. “Hồi năm 2003, tại gò Đình Chiền, nơi dựng đình cũ, có đoàn khảo cổ phát hiện nhiều rìu đá, đồ gốm, nghe nói có niên đại khoảng 3.500 năm”. - anh Trang nói.

Nhưng đặc biệt nhất, theo anh Trang là đền Ca Công, nằm xế ngay bên tay trái xưởng gỗ của anh. Trong khi xã hội phong kiến không mấy tôn trọng nghề “xướng ca” thì ở nơi này, các vị tổ ca trù được thờ tự rất nghiêm cẩn.

Hôm chúng tôi đến thăm không phải dịp chính hội, nên có phần quạnh vắng, tuy vậy đền vẫn được quét tước sạch sẽ, gọn gàng. Đền không lớn, nhưng được dựng bằng gỗ lim, kết cấu 5 gian. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, như hai pho tượng tổ ca trù Đinh Dự và Mãn Đường Hoa công chúa tạc bằng gỗ quý, thần phả ghi sự tích do Tiến sĩ Đào Cử viết năm Hồng Đức thứ 7 (1476), bốn đại tự “Sinh - Từ - Tự - Điển”, các đạo sắc phong của vua triều Nguyễn… Nhà thờ Ca Công cho đến nay vẫn là nơi giáo phường ca trù khắp nơi về tụ họp hát thờ vào ngày sinh (6 - 4 Âm lịch) và ngày hóa (13 - 11 Âm lịch) của nhị vị tổ sư.

Theo thần phả, Đinh Dự là con trai của tướng quân Đinh Lễ, công thần của Lê Lợi. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1426, Đinh Lễ được Lê Lợi cử ra Bắc lập đồn đóng trại tại Lỗ Khê. Tướng quân sau đó đã cưới vợ và sinh con ở đây. Đinh Dự kết duyên cùng Đường Hoa Tiên Hải, hai người mở giáo phường và truyền dạy nghề hát ả đào. Từ đó, ca trù được truyền từ đời này sang đời khác, từ đất Lỗ Khê lan toả khắp Đại Việt xưa…

Hỏi anh có tham gia biểu diễn ca trù không, anh Trang lắc đầu cười, thật thà: “Kỳ công lắm, bây giờ cũng ít ai học. Nhưng vẫn có đấy, sau khi ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 01/10/2009) thì thành phố và một số tổ chức cũng giúp đỡ để mở lớp. Các bác sang bên bà Mùi mà hỏi xem”.

Bà Phạm Thị Mùi sau đó đã dành đến mấy tiếng đồng hồ để giảng giải cho chúng tôi về nghệ thuật ca trù, về những quy tắc ứng xử trong giáo phường… Nhưng đó lại là một câu chuyện thật dài, xin hẹn kể vào một dịp khác.

Lễ giỗ tổ nghề ca trù được tổ chức ở Lỗ Khê. (Ảnh tư liệu)
Lễ giỗ tổ nghề ca trù được tổ chức ở Lỗ Khê. (Ảnh tư liệu)

Tục kết nghĩa

Không biết tự bao giờ, làng Lỗ Khê đã kết nghĩa anh em với làng Chóa (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và làng Hương Trầm (xã Thụy Lâm) ở ngay bên cạnh. Cho đến nay, họ vẫn coi nhau như anh em cùng bọc sinh ra. Trai gái hai làng kết nghĩa không được lấy nhau, khi sang thăm phải cung kính gọi nhau là “quan anh”, đối đãi với nhau như thượng khách. Tuy bị gián đoạn trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, song kể từ ngày 6 tháng giêng năm Bính Thìn (1976) đến nay, làng Lỗ Khê và làng Chóa đã khôi phục hoạt động kết nghĩa khăng khít.

Anh Nguyễn Văn Quang, người từng được chọn là “đại biểu” của Lỗ Khê sang thăm làng Chóa, kể rằng những người được chọn phải là nam giới, tầm tuổi chững chạc, nhà cửa êm ấm, được dân làng trọng vọng. Lễ vật mà Lỗ Khê mang sang làng Chóa là những vò rượu quý, còn đoàn đại biểu Chóa về Lỗ Khê không bao giờ quên mang theo hương sào - sản vật độc đáo của làng Chóa.

Hương sào (còn gọi là hương đen) làng Chóa là loại hương lớn, loại có kích cỡ lớn nhất dài đến 1m, có mùi thơm mát, thoang thoảng. Nhựa trám Cao Bằng, than hoa, hương hoa hồi, nứa ngâm kỹ… là những nguyên liệu cơ bản để tạo ra loại hương đen rất nổi tiếng này.

Lễ tế của hai làng chỉ chính thức bắt đầu khi những người anh em kết nghĩa đã về tham dự. Dịp này, đến thăm bất cứ nhà ai, các “quan anh” đều được mời rửa mặt, rửa tay mát mẻ, rồi ngồi mâm trên, cùng chuyện trò bàn luận thân tình với chủ gia đình.

Không chỉ gặp gỡ, thăm hỏi nhau vào dịp hội làng, đến tận bây giờ, người dân Lỗ Khê, Hương Trầm và Chóa còn thực sự trân quý và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Anh Quang có cậu cháu trai lái xe tải chở gạch, một lần đi qua gần làng Chóa vào lúc tối muộn, xe không may bị lật thùng, gạch đổ ngổn ngang, dở khóc dở cười. Cậu bèn tìm vào làng nhờ người giúp đỡ. Biết cậu là người Lỗ Khê, thanh niên trai tráng làng Chóa hè nhau ra khuân gạch giúp, chẳng mấy chốc đã xong mà không ai chịu nhận thù lao...

Lang thang một buổi trưa đầy nắng ở làng xưa không mấy xa cách chốn phồn hoa đô thị này, tôi thực sự đã thu hoạch đến mấy “sàng khôn”.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất