, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/11/2022, 06:00

Trước gật, sau lắc - hàng loạt dự án nông nghiệp bỏ hoang ở Quảng Ngãi

NAM KHANG
Hàng loạt dự án nông nghiệp tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với những cái tên hết sức mỹ miều, khởi công xong, rồi để đó bao năm qua, kệ người dân cần đất để sản xuất…
4 năm sau khởi công, khu nông nghiệp công nghệ cao như vậy đây.

Lấy đất rồi để đó...

Khu đất hơn 26,1 ha của Công ty CP Đầu tư nuôi trồng HSCB có tên Dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Đức Minh (gọi tắt là dự án OFB) thuộc thôn Đạm Thủy Nam, xã Đức Minh, mở ra trước mắt mọi người những khoảnh đất da beo, lộn xộn: Chỗ thì trồng nha đam nơi khô nơi tươi, chỗ bỏ hoang, tít xa ngoài gần rừng dương thì đó là trang trại nuôi bò; có chỗ là bạt nhựa đen vung vãi, dấu hiệu của ruộng dưa hấu vừa thu hoạch…

Có mặt tại đây, ông Võ Văn Tôn - Phó chủ tịch xã Đức Minh - nói ngắn gọn: “Đây, bỏ hoang vậy đó, 4 năm rồi đó…”. Dự án này được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cho thuê đất với QĐ số 467 ngày 29/5/2018. Nhà đầu tư đưa ra con số dự kiến sẽ thực hiện: chăn nuôi bò với số lượng khoảng 1.000 con/năm, nuôi trùn quế, trồng dưa lưới, nho, táo xanh và cây dược liệu; tổng vốn đầu tư 114,7 tỷ đồng. Mục tiêu chính là hình thành mô hình chuỗi nông nghiệp công nghệ cao nuôi trồng khép kín, cung cấp thực phẩm sạch, chuyển đổi đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang các hình thức sử dụng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao; tạo việc làm cho ít nhất 30% số lao động nhàn rỗi tại địa phương. Công ty trên cũng cam kết đến  quý I-2019, dự án hoàn thành đưa vào hoạt động…

Ngoài… bàn cờ lộn xộn trên đất vừa cỏ vừa cây, thì công ty cũng đã làm thêm hệ thống điện, xây tường rào, cổng ngõ, móng và trụ chuồng trại (khoảng 40%). Tại hiện trường, có một bảo vệ và một người dân địa phương đang nhổ các cây nha đam con. Ông Võ Văn Tôn nói: “Họ làm để giữ chỗ đó, nhưng tỉnh đã quyết định thu hồi đất hồi cuối năm ngoái và mới đây đã thu hồi sổ đỏ, chấm dứt dự án, vì bỏ lâu không làm”.

Gần đó, tại thôn Minh Tân Nam, dự án trồng rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH sản xuất nghiệp sạch Việt Vân (Công ty Việt Vân) cũng chẳng kém phần bi đát. Được tỉnh chấp thuận đầu tư vào tháng 3/2018, dự án này có diện tích 39,2ha và vốn đầu tư là hơn 87 tỷ đồng. Thực tế tại đây đang trồng thí điểm 1ha tỏi voi Nhật Bản. “Có được gì đâu" - ông Tôn nói - "họ trồng chưa được một năm thì tỏi hư thối, chết hết, bỏ luôn tới giờ”. Cỏ mọc, bạt nhựa do người dân trồng dưa hấu còn nguyên đó.

“Nhập cuộc” với hai công ty trên là Công ty TNHH SX và TM-DV Lê Thái, xin 5ha để làm trang trại tổng hợp và được chấp thuận đầu tư vào ngày 28/8/2017 với tổng vốn là hơn 9 tỷ đồng. Thực tế, công ty này chỉ thực hiện được 1,7ha trồng măng tây và cũng không hiệu quả nên tiếp tục bỏ  đất hoang. 

“Nói thiệt, tôi không hiểu họ đầu tư kiểu gì, bỏ một mớ tiền vào, lấy đất rồi để đó. Họp dân, bà con nói rần rần, đau đầu nhức óc vì nó, mà xã thì làm gì có quyền xử lý”, ông Tôn nói.

Cánh đồng nha đam rộng lớn, chỉ có một người làm thuê ở dự án OFB.

Cử tri bức xúc 

Một người dân nằm trong vùng dự án của Công ty TNHH SX và TM-DV Lê Thái, nói: “Đất tôi khai hoang, mà họ đòi đền bù thấp, sao được”. Lý do công ty này không thể thực hiện được đủ 5ha dự án là do vướng đền bù, thủ tục, thỏa thuận với người dân, nên ngoài 1,7ha đang làm, phần còn lại, họ không đầu tư được.

Theo ông Tôn, Công ty Việt Vân chưa được giao đất, chính quyền đã cho họ gia hạn thời gian xin thuê đất để hoàn tất thủ tục đến 3 lần nhưng hồ sơ cũng không thấy, cho nên tỉnh quyết định vận động nhà đầu tư tự nguyện chấm dứt dự án. Theo ông Lê Văn Cứ, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mộ Đức, thì một phần đất công ty này vướng qui hoạch đường Dung Quất - Sa Huỳnh.

Việc chính quyền chấp thuận cho đầu tư, rồi khởi công, động thổ, thủ tục làm sau, để rồi sau đó vướng đền bù, quy hoạch, thỏa thuận, rồi cả nhà đầu tư chây ì không thực hiện, để lại hệ lụy là đất bị lãng phí kéo dài, trong khi dân thì cần đất để sản xuất. Bà Liên, nhà ở gần dự án OFB nói: “Lấy đất rồi bỏ, lãng phí quá trời mà dân tui thì cần đất sản xuất. Nghe nói họ bị thu hồi, tụi tôi mừng lắm”. Tại dự án OFB, theo ông Tôn, thì có một doanh nghiệp bị công ty này nợ tiền thi công, đã đưa bò vào nuôi, như kiểu… lấy đất chăn nuôi để cấn trừ nợ. 

“Đất ở đây rất tốt" - ông Tôn nói - "một người bạn của tôi đã vào trồng dưa hấu, vừa mới thu hoạch xong, năng suất trên 2 tấn/sào, là cao, có quả 7 - 9kg, tư thương tới mua, họ sững sờ vì quả quá to. Chính quyền sốt ruột vì hoang phí đất nên cho bà con vào trồng dưa, cả dự án của Việt Vân cũng vậy, ban đầu họ nói là tại sao trồng trên đất họ, nhưng rồi họ cũng im. Nghe tin mấy dự án dừng, bà con vỗ tay reo mừng, bởi nhu cầu sử dụng đất trong dân rất lớn”. Cũng theo ông Tôn, khi hay tin dự án OFB bị thu hồi, người dân bị công ty trên mắc nợ tiền xây dựng, làm công, đã kéo tới xã đưa hồ sơ, con số nợ lên trên 4 tỷ.

Con số thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 38 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại 8 địa phương, trong đó nhiều nhất là huyện Mộ Ðức với 16 dự án, diện tích đất sử dụng 481,5ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng. Tuy nhiên tại Mộ Đức mới chỉ có 4 dự án hoàn thành đi vào hoạt động; 6 dự án chậm tiến độ đến 29 tháng. Cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân các dự án triển khai chậm tiến độ là do gặp vướng mắc trong thủ tục về đất đai (7 dự án), nhà đầu tư thiếu năng lực, chây ỳ không quyết tâm đầu tư…

Trả lời câu hỏi: tại sao các dự án trên lại vướng thủ tục đầu tư mà trước đó lại được chấp thuận? Ông Lê Văn Cứ - Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mộ Đức cho biết: “Ban đầu cho đầu tư thì trên Sở Tài nguyên và Môi trường không nói gì, giờ kiểm tra lại thì cũng Sở Tài nguyên và Môi trường nói bị vướng Luật Đất đai… Đi họp, cử tri bức xúc lắm, bởi lãng phí tài nguyên”. 

Có thể thấy, những chuyện trên đâu chỉ xảy ra ở Quảng Ngãi hay trong lĩnh vực nông nghiệp. Kêu gọi đầu tư, chấp thuận, đi dự khởi công rần rần, sau đó khi có chuyện, rà lại thì thấy vướng Luật đất đai, vướng dự án trước đó hoặc nhà đầu tư không có năng lực mà cứ cho làm càn. 

Một cán bộ địa phương ở Mộ Đức nói: “Muốn chấm dứt nạn này, thì chính quyền phải coi lại năng lực thẩm định, đánh giá lẫn sử dụng công cụ pháp lý ra sao, để dự án thực sự ra dự án, đừng để người ta bỏ tiền ra rồi phải chấm dứt vì vướng luật, và cũng làm thế nào đó mà nhà đầu tư có muốn… ảo, lấy đất để rồi sau đó toan tính chuyện khác, họ cũng không dám”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất