, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/12/2021, 08:40

Trường nghề đẩy mạnh số hóa

THANH HÙNG
(sggp.org.vn)
Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề (trường cao đẳng, trung cấp) đang cấp tập đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến. Một số trường đầu tư mạnh vào các xưởng thực hành ảo, thiết bị thực hành số, để giảng dạy thực hành cho sinh viên.

Tuy nhiên, việc số hóa trong đào tạo nghề hiện chỉ diễn ra ở một số cơ sở, phần còn lại vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến hạ tầng, năng lực của đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo.

Trường nghề đẩy mạnh số hóa ảnh 1
Thiết bị hàn mô phỏng của Trường CĐ Kỹ nghệ II TPHCM

Xây dựng các xưởng thực hành ảo 

Theo khảo sát của Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp (Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ GD-ĐT), nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy học. Đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật, có một số ngành như Cơ điện, Ô tô... đã ứng dụng các chương trình mô phỏng và học liệu điện tử của các hãng lớn để dạy học, hoặc được tài trợ. 

TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho biết, dịch Covid-19 là thách thức và cũng là cơ hội để các trường nghề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo. Từ cuối năm 2020, trường đã đầu tư các thiết bị thực hành ảo từ CHLB Đức để phục vụ đào tạo thực hành cho sinh viên ngành Điều dưỡng. Giảng viên, sinh viên chỉ cần ngồi ở nhà, mở thiết bị và quét mã QR là có thể học thực hành. Việc này đáp ứng khoảng 80%-90% trong công tác đào tạo thực hành. Phần còn lại cần phải học trực tiếp.

Theo TS Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số, năm 2021, trường đã bồi dưỡng 100% nhà giáo về kỹ năng giảng dạy, thiết kế bài dạy trực tuyến. Các nhà giáo được bồi dưỡng về phương pháp “sư phạm số” do chuyên gia từ CHLB Đức đào tạo. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo còn được hỗ trợ đào tạo từ các chuyên gia Phần Lan, Australia nhằm giúp cán bộ, giáo viên tiếp cận quá trình chuyển đổi số, quản lý số của nhà trường. Hiện trường đã đầu tư thiết bị, công nghệ để đội ngũ nhà giáo, cán bộ chuẩn bị bài giảng và giảng dạy, đáp ứng yêu cầu hướng đến trường học thông minh.

Theo nhiều chuyên gia, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo nghề, các cơ sở đào tạo cần phải có chiến lược tổng thể và đồng bộ về hạ tầng, năng lực của nhà giáo và chương trình đào tạo. Điều tiên quyết vẫn là quyết tâm đổi mới của nhà trường và phải có sự đầu tư nhất định.

Hiện Trường CĐ Kỹ nghệ II tập trung hoàn thiện thể chế số, phát triển công nghệ dạy học, công nghệ chuyên môn theo hướng số hóa, quản trị nhà trường theo số hóa. Những nội dung này đã được đưa vào đề án chuyển đổi số của nhà trường, được xem là ưu tiên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Ngoài ra, nhà trường sẽ tập trung phát triển các hình thức dạy và học trực tuyến như: học tập kết hợp, học đa phương pháp, hoặc học theo phương thức hỗn hợp, học tập linh hoạt, học tập kết hợp tại lớp học, video/DVD, website tương tác... 

Cần đầu tư đồng bộ

Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp vừa thực hiện khảo sát 997 cán bộ quản lý các cấp, 2.108 nhà giáo, 16.671 học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 138 trường CĐ, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Kết quả cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, hơn 69,5% số lượng giáo viên và 83,8% học viên có tham gia dạy, học thông qua các công cụ dạy học trực tuyến; 69,8% giáo viên đã được đào tạo, hướng dẫn giảng dạy trực tuyến. Cũng theo khảo sát trên, có 87,8% giáo viên áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào giờ dạy lý thuyết, 70,7% vào giờ dạy thực hành. Tuy nhiên, có đến 80% giải pháp đưa ra là sử dụng thiết bị và phần mềm trình chiếu, demo video, hình ảnh...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, tỷ trọng kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ số (IoT, AI, phân tích dữ liệu lớn...) trong các ngành truyền thống còn chưa cao, khiến công tác đào tạo trực tuyến chưa sinh động. Các ngành khối kỹ thuật như cơ khí ô tô, điện lạnh, điện - điện tử, cơ điện tử chưa cập nhật các kiến thức về IoT, về AI. Mặc dù một số ngành như cơ khí chế tạo máy, điện - điện tử dành một thời lượng đáng kể dạy các kiến thức, kỹ năng về lập trình, nhưng nhìn chung các trường chưa có kế hoạch rõ ràng về việc đưa đào tạo năng lực số vào môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành. 

Trong tương lai, các kỹ năng sử dụng phần mềm chuyên ngành sẽ ngày càng quan trọng hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các phần mềm chuyên ngành phục vụ giảng dạy của các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa được đầu tư đúng mức. Phần lớn các phần mềm được giảng dạy còn lạc hậu và thường là các phần mềm không có bản quyền.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, các cơ sở đào tạo nghề hiện mới chỉ quan tâm đến digital learning (bài giảng điện tử), mà chưa chú trọng đến các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp (big data) để lưu trữ dữ liệu, truyền thông kỹ thuật số (digital media) để kết nối với các mạng xã hội, hay digital campus để tối ưu hóa quá trình giảng dạy vào thực tiễn… Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo trực tuyến. Hiện, các nhà thực hành, các thư viện, các bộ phận chứng chỉ vẫn chủ yếu thực hiện theo kiểu truyền thống, chưa điện tử hóa, chưa có thư viện số, phòng thực hành số.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất