Giữ vững thành tích qua nhiều năm
Năm 2020, trường THCS Phước Bình (TP Thủ Đức) đạt 1 giải nhất, 1 giải ba cấp thành phố và xuất sắc giành giải nhì cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp quốc gia. Sang năm 2021, trường tiếp tục đạt các giải nhất, nhì, khuyến khích và giải chuyên đề câu chuyện khuyến đọc hay nhất cấp thành phố, đồng thời đạt giải khuyến khích Đại sứ Văn hóa đọc cấp quốc gia.

Nói về thành tích này, cô Nguyễn Thị Như Trang – Trưởng phòng Phát triển mạng lưới, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM - Thành viên ban tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố, nhận xét: “Sản phẩm dự thi của trường THCS Phước Bình liên tiếp đạt giải cao là do có sự chỉn chu, được đầu tư nghiêm túc về nội dung lẫn hình thức. Đặc biệt, tính sáng tạo và độ thiết thực của các bài thi được ghi nhận và đánh giá rất cao. Các em luôn bám sát yêu cầu của đề bài, đưa ra những vấn đề phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi”.
Kết quả của sự cộng hưởng
Để giúp học sinh thoải mái tham gia cuộc thi, làm chủ trong cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề, không thể không nhắc đến sự hướng dẫn tận tình của các thầy, cô giáo trường THCS Phước Bình. Các thầy, cô đã đề cao tính độc lập của cá nhân mỗi thí sinh. Các em có thể thoải mái sáng tạo bằng nhiều hình thức như viết, vẽ, sáng tác thơ hoặc quay video clip. Đây là cơ hội để các thí sinh phát huy năng lực cảm thụ và tư duy của bản thân.
Thầy Trần Vũ Phi Bằng – Giáo viên bộ môn Ngữ văn là một trong số những người đi đầu trong việc đưa cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đến gần hơn với học sinh nhà trường. Thầy Phi Bằng cho biết: “Khi vừa có phát động, tôi sẽ bắt đầu tiếp nhận thông tin, sau đó nghiên cứu để hướng dẫn lại cho các em”.
Theo thầy Bằng, kết quả đáng mừng trong những năm qua có được phải kể đến sự chung tay góp sức của quý phụ huynh khi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất như hỗ trợ đưa đón, mua sách và các dụng cụ cần thiết cho việc thiết kế…

Không đơn thuần là một cuộc thi
Đến trường THCS Phước Bình mới biết, kết quả đó không phải dạng “lúa ngắn ngày”, bởi từ lâu trường đã xây dựng tình yêu sách cho học sinh qua các cuộc thi như Kể chuyện theo sách, Lớn lên cùng sách, Vẽ bìa sách, Góp sách,... Các hoạt động này là nền tảng hun đúc giá trị văn hóa đọc trong học đường. Từ những giá trị xây dựng sẵn có và khả năng nhận thức đúng đắn bản chất của sách, các em học sinh của trường đã xem cuộc thi như một sân chơi tri thức bổ ích để lan tỏa tình yêu sách đến với mọi người chứ không đơn thuần chỉ là một cuộc thi.
Nguyễn Như Quỳnh - Học sinh lớp 8/2 chia sẻ: “Khi tham gia cuộc thi, em không đặt ra cho mình mục tiêu quá xa xôi! Em chỉ mong muốn lan tỏa tinh thần đọc sách đến với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, bản thân em còn có cơ hội rèn luyện cách viết, cách lập luận và sự sáng tạo”.
Các em học sinh trường THCS Phước Bình nói gì về cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc?
Nguyễn Thạch Bảo Ngọc - Giải nhì Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 cấp quốc gia: “Đại sứ Văn hóa đọc là cuộc thi nêu cao tinh thần đọc ở Việt Nam, nhất là ở các bạn trẻ. Khi tham gia Đại sứ Văn hóa đọc, không chỉ chúng ta luyện tập được thói quen đọc sách lâu dài mà còn cần phải biết làm gì, sáng tạo được gì từ những kiến thức đó”.
Nguyễn Hoàng Yến Chi – Học sinh lớp 6/2: “Em tự đặt ra một mục tiêu cho mình đó là tự tin hơn, dám thử thách bản thân mình, dù có giải hay không thì đây cũng là một trải nghiệm rất tuyệt vời”.
Huỳnh Thị Ánh Dương - Học sinh lớp 6/4: “Cuộc thi này cho phép chúng ta sáng tạo mà em lại rất thích sáng tạo. Em muốn lan tỏa đến với mọi người thông điệp sách không phải là một thứ khô khan. Sách đem đến cảm nhận từ trong tâm hồn, chúng ta phải từ từ khám phá, tìm hiểu được sách như một người bạn”.
“Năm 2022, với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”, sinh viên đại học, cao đẳng và học sinh bậc THPT sẽ có lợi thế hơn THCS và tiểu học. Vì thế, thầy trò trường Phước Bình sẽ phải có cách triển khai phù hợp. Hy vọng bằng sự nhiệt huyết, tình yêu dành cho sách, trường THCS Phước Bình sẽ tiếp tục lan tỏa những thông điệp đẹp về tri thức đến với mọi người”, thầy Trần Vũ Phi Bằng chia sẻ.