, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/02/2022, 20:00

Truyền thuyết hổ sọc vằn

TRẦN BẢO ĐỊNH
Hình minh họa.

1.

Rừng chiều tiệp màu thời gian của ngày đã hết. Chợt vách đá dội lên tiếng gầm. Người sống quanh vùng Thất Sơn điều biết đấy là tiếng gọi bạn tình của con hổ cái. Bởi, gầm gừ báo hiệu cuộc đối đầu, nhưng gầm mà không gừ là tiếng gọi ái ân.

Thất Sơn, cuối thu đầu đông. Trăng treo đỉnh núi Cấm. Im lìm. Về khuya, rừng sâu thẳm. Bất chợt, nàng Cái Xám lên tiếng.

- Sao người ta lại gọi tụi mình là ông Ba Mươi?

- Chuyện rằng Nguyễn Ánh từng lẩn trốn nơi rừng núi Thất Sơn khi bị quân Tây Sơn truy cùng diệt tận. Giữa lúc lương thực thực phẩm cạn dần, may nhờ có anh em của mình kịp giết thú rừng giúp Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng thoát cơn đói khát. Nguyễn Ánh cảm kích và biết ơn, nên sau khi lên ngôi vua đã cho lập miếu thờ. Ông cũng truyền lịnh người không được giết hổ, nếu ai lỡ tay giết hổ sẽ bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống được hổ thì được thưởng 30 quan tiền. Trại ra, 30 trượng hay 30 quan tiền cũng là con số 30 thuộc về loài hổ, nên dân gian gọi hổ là ông Ba Mươi.

Nàng dúi dúi đầu vào ngực hổ Sọc Vằn ra chiều thích thú.

- Nhưng cũng có người nói khác về cái tên ông Ba Mươi... Người ta nói loài hổ đi 30 bước thì liệng hết oán thù!

Cười ngất, nàng xác quyết:

- Cái này thì đúng. Có khi chỉ vung vai một cái là không còn nhớ oán thù!

Tiếng cười của nàng chưa dứt, Sọc Vằn lại nói tiếp:

- Cũng có người kháo nhau là hổ chỉ sống đến ba mươi tuổi là xương tàn cốt rụi gửi rừng xanh. Người ta còn luận rằng loài hổ thích săn mồi vào đêm trừ tịch, tức đêm 30 tháng Chạp…

Hổ Sọc Vằn vừa dứt lời, nàng ngồi bật dậy.

- Người ta luận vậy không đúng. Loài hổ tụi mình đói thì săn mồi, no thì vui đùa. Tập tính hổ là săn mồi ban ngày, nghỉ ngơi ban đêm.

Nhe răng cười, hổ Sọc Vằn nói:

- Con người chưa giải mã được những điều cần giải mã nên họ tin cái mà họ không thấy không biết!

2.

Ban mai mồi nắng, sáng rừng!

Hổ Sọc Vằn cùng nàng Cái Xám dùng nước tiểu và dịch tiết hậu môn rải thấm đất rừng, xác lập ranh giới lãnh địa. Kẻ nào xâm phạm lãnh địa của nó đều bị xua đuổi hoặc bị giết chết. Rừng Thất Sơn được canh gác và bảo vệ bởi loài hổ, đứng đầu là cặp hổ Sọc Vằn và nàng Cái Xám. Muông thú sống yên bình dưới bầu trời êm ả. Thợ săn e ngại không dám vào rừng bẫy thú, phá cây. Họ bàn nhau diệt hổ.

- Muốn diệt hổ, phải lập miếu thờ hổ!

Búa Rừng tỏ ra thông thạo, giải thích:

- Thịt người không là thứ thức ăn khoái khẩu của hổ và hơn nữa, bản chất hổ không chủ động tấn công người nếu như người không xâm nhập vào lãnh địa của nó, không tìm diệt nó và những loài thú khác. Nhưng tâm trí con người thường bị ám ảnh với nỗi sợ vô thức, vì vậy họ thờ hổ.

Châm điếu thuốc, Búa Rừng tiếp tục nhỏ giọng:

- Còn ta, ta thờ hổ là chiêu thu phục nhơn tâm, là thức che mắt thiên hạ!

Lão Sáu thợ săn đăm chiêu một lát rồi thốt lên:

- Lão hiểu rồi! Hổ không tầm người còn người thờ hổ nhưng vẫn tầm hổ, diệt hổ. Giết hổ không vì bảo vệ mạng sống của người mà vì da, nanh, móng vuốt, xương hổ…! Người tầm hổ diệt hổ để cướp đoạt thân xác nó bán cho những kẻ háo danh, những kẻ hèn muốn dùng oai hổ che cái yếu...

3.

Nắng Thất Sơn trải trên cánh đồng Tri Tôn vàng rơm mùa lúa chín.

Lom khom, lão Sáu Thợ Săn cột đoạn dây luồn qua ống tre của cái cần bẫy làm bằng loại cây rừng chắc nụi. Rồi lão trở bộ ngồi chồm hổm, treo miếng thịt heo còn tươi rói ở đoạn trên ống tre và ở đoạn dưới, lão thắt vòng rồi đặt lên cái bàn bẫy.

Mắt treo chiều, men rượu nhẹ như hơi sương và ngoài kia, cánh đồng lúa Tri Tôn nghiêng bóng nắng Thất Sơn. Rượu vào lời ra, lão Sáu tâm tư:

- Cực chẳng đã qua mới sống bằng cái nghề này! Cái nghề đã trải qua ba đời, từ đời nội đời cha, tới qua... Cây cỏ, muôn thú đều có sự sống. Cướp đi sự sống ấy, qua áy náy và đôi lúc, không tránh khỏi bâng khuâng, buồn bã!

Nhâm nhi rượu, Búa Rừng nói bâng quơ:

- Buồn chi, nghĩ chi điều sâu xa. Mọi thứ chẳng qua là cơm, áo, gạo, tiền. Cướp sự sống này cho sự sống khác được tiếp tục.

Gãi đầu, Búa Rừng nói tiếp:

- Nếu không có kẻ đặt mua thì tội cha gì phải giết hổ… Chuyện đời, nghĩ tới nghĩ lui rồi nghĩ ra cũng lạ! Người diệt hổ nhưng lại tôn vinh hổ, ước mơ được như hổ và mượn hình bóng hổ diễu võ giương oai.

Câu nói của Búa Rừng khiến lão Sáu giật mình nhớ đến giao kèo hai bộ da hổ - một già, một nhỏ - đã nhận với ông quận Tịnh Biên.

- Chú em, qua cạn ly xây chừng này rồi dừng nghen. Qua còn cái hẹn với tiệm hàn ở thị trấn Tri Tôn. Nhờ họ hàn thanh sắt làm bẫy miệng hổ.

Thấy Búa Rừng nhướn mắt như muốn hỏi, lão Sáu chậm rãi giải thích:

- Muốn bắt hổ già, phải bắt bằng cái bẫy miệng hổ. Qua dùng tám đoạn sắt, mỗi đầu đoạn sắt khoan lỗ rồi kết thành hai khung vuông làm chiếc hàm hổ và phía ngoài hàn thanh sắt cong như nanh hổ.

Búa Rừng cướp lời và kết thúc:

- Và gài bẫy bằng hai khung sắt: khung đóng cứng xuống đất, khung còn lại một đầu dính chặt vào khung đóng cứng xuống đất và có ngàm. Phải không?

Lão Sáu quay đi, Búa Rừng chìa ra gói tiền bộn bộn, cố nhét gói tiền vô túi áo bà ba lành trước rách sau của lão Sáu rồi nói nhỏ:

- Tiền cọc đó!

- Cọc gì, chú em?

Nheo mắt, Búa Rừng vừa hớp rượu vừa thì thầm:

- Xương hổ Sọc Vằn, thịt nàng Cái Xám!

Lão Sáu chợt rùng mình. Một luồng khí lạnh rờn rợn xương sống rồi lan tỏa khắp thân.

- Mần được cú này, lão sẽ thoát nghèo và có tiền cất lại cái nhà cho bằng chị bằng anh!

Chậm rãi, Búa Rừng vẽ ra chân trời xán lạn trước mắt lão Sáu thợ săn. Lão nào biết rằng, lão khác chi tên lính xích hầu tìm diệt hổ và khi diệt xong, Búa Rừng sẽ ung dung cưỡng bức rừng, khai thác gỗ quý.

4. 

- Mình!

- Gì em?

- Mình sang núi Dài tạm sống một thời gian nha!

Đêm Thất Sơn xạc xào gió núi.

Hổ Sọc Vằn sờ bụng vợ rồi lặng lẽ bước đi dưới ánh trăng khuya. Đời hổ đực là vậy, khi vợ có mang thì cũng là lúc chồng đành lánh sang xứ khác. Ngày qua ngày, Sọc Vằn đừng trên triền núi Dài ngóng về núi Cấm. Không biết giờ này nàng đã trở dạ chưa?

Ngó xuống bàn chân, hổ Sọc Vằn đếm thời gian qua năm móng và trong đó, có một móng vuốt sương. Trằn trọc, hổ Sọc Vằn không biết nàng có đủ thức ăn để sinh con. Hay là ta tìm mồi rồi lẻn đem về để trước ổ cho nàng? Suy nghĩ mông lung, hổ Sọc Vằn ngủ thiếp.

Hôm sau, hổ Sọc Vằn thực hiện ý nghĩ đêm qua và nó, lẳng lặng xuống triền núi Dài. Lác đác mấy người tiều phu đi ngang, hổ Sọc Vằn dợm vồ nhưng lại thôi. Nắng đứng bóng, mùi thịt thoang thoảng như trêu cợt khứu giác và bất chợt, hổ Sọc Vằn nhận ra con mồi nhúc nhích từ xa. Nhẹ nhàng không tiếng động, hổ Sọc Vằn trườn tới, ép sát thân mặt đất và áng chừng còn cách con mồi sáu, bảy thước, nó dừng lại quan sát. Thình lình, hổ Sọc Vằn nhắm cổ con mồi và phóng tới ngoạm lấy nhằm cắn đứt tủy sống con vật. Chẳng dè đó là con mồi giả làm bằng thịt heo đã ôi thối và nháy mắt, hổ Sọc Vằn mắc vào bẫy miệng hổ. Lão Sáu Thợ Săn cùng Búa Rừng và mấy người trai tráng tay cầm gậy gộc, dao mác ào chạy tới. Đột ngột, hổ Sọc Vằn gầm vang mấy tiếng làm rung chuyển mặt đất. Đám người săn hổ thất kinh, té ngửa. Hổ Sọc Vằn cúi xuống, gắng hết sức bình sinh cắn bỏ cái chân, nhảy khỏi bẫy rồi nhanh hơn ánh chớp, Sọc Vằn bay tới ngoạm cổ Búa Rừng. Tay thợ rừng giãy đành đạch, máu phún có vòi. Trừng mắt, hổ Sọc Vằn nhào tới cắn nát đôi tay lão Sáu thợ săn trước khi lê thân bằng ba cái chân còn lại về hướng đỉnh núi Dài.

5. 

Thất Sơn khói lửa!

Cọp Ba Cẳng tức hổ Sọc Vằn hay ông Ba Mươi đưa nàng Cái Xám và các hổ con đến trú ngụ hang Ông Hổ trên núi Cấm. Chiến tranh ngày càng ác liệt và trong một trận mưa bom long trời lở đất đã vùi lấp bốn hổ con đực khi chúng cùng trốn trong những khe đá. Nàng Cái Xám bị miểng bom cắt nát thân. Không thể đào bới đất đá để lấy xác những đứa con, hổ Sọc Vằn bùi ngùi thu gom thịt xương nàng Cái Xám đưa về hang Ông Hổ.

Chiều trăng cuối cùng trên núi Cấm.

Ông Ba Mươi đưa con gái út tức Tiểu Cái Xám lên vồ Bồ Hong - nơi cao nhất của núi Cấm - nhìn đất, ngó bốn phương và ngửa mặt than: “Kẻ nhơn danh sự thiện diệt cái ác và khi diệt xong cái ác, kẻ nhơn danh ấy lại tiếp tục thực hiện điều ác tàn khôn lường hơn”! Thầm gửi vong linh vợ cùng bốn đứa con bạc phước theo gió núi, ông Ba Mươi rống lên tiếng rống giã từ vang dội núi rừng rồi lặng lẽ dắt Tiểu Cái Xám ra đi…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất