, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 22/12/2016, 15:46

Truyền thuyết một làng cổ

TRẦN VĂN TUẤN

 Ở vùng tả ngạn sông Đáy có rất nhiều làng cổ. Sự giống nhau ở các làng, ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu sẽ thấy mỗi làng đều có nét riêng. Tôi có dịp về làng Chát, được nghe sự tích có tính truyền thuyết kể về hai ngôi miếu thờ. Đầu làng thờ Bà, cuối làng thờ thần Ba Ba. Trải qua bao nhiêu năm, hai ngôi miếu này hầu như không thay đổi. Làng Chát bây giờ đã khá giả, nhiều quán xá, lắm nhà lầu. Hai ngôi miếu như hai hòn đảo xanh thẫm, huyền bí hoang sơ giữa chốn đô thị. Nhân dịp tết đến, xuân về, xin giới thiệu truyền thuyết về hai ngôi miếu cổ của làng Chát để bạn đọc tham khảo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

I

Hồi xửa, hồi xưa, khi Thủy Tinh đem đại binh dâng nước sông, nước biển lên núi Tản Viên đánh nhau với Sơn Tinh. Rút cục, Thủy Tinh đại bại. Binh tôm, trướng cá bị bắt sống không biết bao nhiêu mà kể. Trong quân của Thủy Tinh có đại tướng Ba Ba tài giỏi, gan lì, dẫu bị bắt sống vẫn kiên quyết không chịu hàng, cứ vươn cái cổ ngắn ngủn ra đòi được chém. Sơn Tinh xem trọng nghĩa khí của Ba Ba, không giết, đem giam ở tả ngạn sông Đáy, lấy một quả núi trong dãy núi Liên Sơn đè lên. Dãy núi Liên Sơn vốn có 100 ngọn, bị lấy đi một ngọn, trở thành dãy núi 99 ngọn. Quả núi lạc lõng ở vùng tả ngạn sông Đáy được gọi là núi Ba Ba. Cũng có thể do sự tích nên đặt tên. Song đại đa số người dân trong vùng thấy đỉnh núi giống hình con ba ba thò cổ ra nên đặt tên cho núi! Dầu bị núi đè, Ba Ba vẫn không cam chịu cảnh cầm tù, ra sức vẫy vùng tìm cách thoát thân. Rồi một ngày kia, Ba Ba cũng lật nghiêng được núi, thoát ra ngoài. Thoát được núi đè, cũng là khi sức cùng lực kiệt. Đại tướng Ba Ba bị chết khi đầu vừa chạm nước sông Đáy. Vùng đất do Ba Ba giẫy đạp trở thành vùng đất trũng, nước sông Đáy tràn vào. Sau đó, do có đê sông Đáy nên nước hồ cạn dần biến thành đầm lầy. Rồi vùng đầm lầy ấy có người đến lập nghiệp tạo nên làng Chát.

II

Hồi ấy, bên sông Đáy có hai mẹ con sống bám vào vạt đất mé nước. Miếng đất nhỏ lắm, chỉ đủ dựng một túp lều che nắng, mưa và vài gốc chuối. Bà mẹ già không làm được gì, mọi sự đều trông cậy ở người con trai lặn lội ven sông mò cua bắt cá. Hai mẹ con sống cực khổ lắm, bữa đói, bữa no. Một ngày kia người mẹ ngã bệnh. Người con hiếu thảo, ngày đêm săn sóc mẹ. Suốt nửa năm trời, bệnh tình không thuyên giảm, càng nặng hơn. Thầy lang có tiếng trong vùng đến xem bệnh, lắc đầu bảo: “Lo hậu sự là vừa”. Người con khóc lóc thảm thiết. Mẹ bảo: “Cả đời mẹ không biết miếng ngon là gì. Nghe nói, thịt ba ba nấu chuối ngon lắm, con cho mẹ xin một bát cuối đời”…

Người con vội vàng lội sâu vào vùng đầm lầy tìm bắt ba ba. Bắt được rồi, bị lạc, không tìm được lối ra,  sa chân vào chỗ bùn lún, vùng vẫy mãi rồi chết. Ở nhà người mẹ chờ đợi, lúc tỉnh lúc mê luôn miệng gọi con. Người con trai bị chết, hồn lìa khỏi xác nhưng nỗi thương mẹ vẫn day dứt không nguôi. Anh lên trời, kiện Ngọc hoàng thượng đế, cớ sao trời đất lại đầy đọa, hành hạ mẹ con anh như vậy. Ngọc Hoàng thương tình, cho anh sống lại bảy ngày để nấu ba ba cho mẹ ăn. Lạ thay, sau khi ăn xong ba ba nấu chuối, người mẹ như được uống tiên đơn, khỏe lại, ăn “giả bữa” liên tục. Bởi là người mà cũng là ma, anh con trai đủ phép thuật làm ra các món ngon vật lạ phụng dưỡng mẹ. Sau 6 ngày, người mẹ không những hết bệnh, còn khỏe mạnh hơn trước. Hạn cuối 7 ngày làm người lại đã đến. Người con trai phải về trời, đầu thai kiếp khác, để lại cái xác chết trôi trước cửa nhà.

Sáng ra, người mẹ thấy con chết, khóc than vật vã một hồi, rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Nhiều ngày sau, dân chài lưới trên sông thấy xác hai mẹ con vẫn tươi nguyên, nổi bập bềnh trên nước. Người mẹ nắm cánh tay con trai. Người con trai nắm chặt con ba ba và rễ cây mép nước. Không một ai, không cách gì có thể gỡ tay người mẹ khỏi con, gỡ tay con khỏi rễ cây và con ba ba. Thấy điều lạ, người ta phải thắp nhang cúng lễ. Khi nhang tàn, xác hai mẹ con chìm xuống, biến mất. Riêng con ba ba, nhảy tót lên bờ, hóa thành đá. Mọi người sợ, tưởng là ma quỷ, bỏ chạy.

Có một người đàn bà từ phương xa tới, chẳng những không sợ, cho đó là vật thiêng, khấn vái một hồi rồi mang ba ba đá đi theo. Người đàn bà đó dừng chân ở ven đầm, dựng lều phát hoang, an cư lạc nghiệp, lại đắp gò lập miếu thờ Thần Ba Ba. Đấy là người đầu tiên lập nghiệp, dựng nên làng Chát. Cho đến nay, ở làng Chát vẫn có gò ba ba và trên gò có miếu thờ thần Ba Ba.

III

Hồi ấy, giặc núi nổi lên như châu chấu tháng 10. Triều đình phải đưa quân đến dẹp. Quân của Triều đình dẹp được đám này, đám khác lại nổi lên. Đánh nhau liên miên, trong thế giằng co, bất phân thắng bại hàng chục năm.

Có người đàn bà dẫn hai đứa con nhỏ đi tìm chồng trong đội quân của Triều đình. Đường xa muôn dặm, mưa gió mịt mờ, lương khô đã  hết, mùa đông lại đến. Không thể vượt qua sông Đáy, người đàn bà dừng chân bên đầm lầy, bắt cua mò ốc, mót lúa, mót khoai nuôi con.

Một hôm, bà bắt được một con ba ba, định giết thịt, nấu ăn. Khi nằm trên thớt con ba ba vươn cổ, nhỏ nước mắt. Thấy lạ, người đàn bà không giết thịt nữa, thả ba ba về đầm lầy. Đêm ấy, bà nằm mơ thấy ông Tiên râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc đào đến bên, nói: “Người có tấm lòng nhân hậu thủy chung như con, đáng được hưởng sung sướng. Con hãy lập nghiệp ở đây, ta sẽ giúp con. Rồi một ngày nào đó chồng con sẽ trở về”. Sáng ra, khi đi bắt cá, người đàn bà thấy đầm lầy bị nứt đôi, có một con mương (kênh) dẫn nước ra sông Đáy. Thế là cả một vùng lầy lội hoang hóa trở thành đất trồng trọt mầu mỡ. Trồng đu đủ, trái treo từ gốc đến ngọn. Trồng chuối, chuối ra hơn chục nải mỗi buồng, mà trái nào cũng to bằng cổ tay người lớn. Người đàn bà trở thành điền chủ cả một vùng đất rộng lớn, giàu lên từng ngày. Nhưng bà là người nhân hậu, không hưởng lộc một mình. Bà lập đền thờ Thần Ba Ba và mời gọi người khắp nơi tới sinh sống. Trong số người đến lập nghiệp, có cả bọn giặc núi chán ghét chiến tranh, bỏ ngũ ra dân làm ăn. Bà chia đất cho mọi người, không phân biệt người xứ này, xứ khác.

Làng Chát hình thành từ đó. Người đàn bà nọ vẫn kiên trung chờ chồng, dù giặc núi đã tan, quân Triều đình trở về kinh thành. Hai mươi năm sau, khi bà gần tắt thở vì bệnh, người chồng mới trở về. Ông ta bị giặc núi bắt, bị lạc trong rừng sâu, lại theo người buôn trâu lạc qua đất Ai Lao, Xiêm La… Rồi ông theo người Trung Hoa buôn tơ lụa đi gần hết các biển lạ trên trái đất. Cuối cùng, người buôn tơ lụa cũng cho ông trở về cố quốc. Ông tìm bà suốt hai năm trời. Gặp lại chồng, người đàn bà mừng rơi nước mắt, nghẹn ngào thốt lên: - Đất này là quê của mình”. Nói xong, bà đi luôn. Người làng Chát lập miếu thờ Bà ở đầu làng. Miếu Bà có từ đấy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

IV

Các tích truyện trên hư thực thế nào không ai luận bàn. Có người tin, có người không tin. Nhưng có điều, một vùng ven sông Đáy chỉ duy nhất làng Chát có miếu Bà ở đầu làng. Từ xưa, ai cũng bảo Miếu Bà thiêng lắm! Có vụ lụt năm Thìn thời trước Cách mạng tháng 8, nước ngập trắng vùng, riêng Miếu Bà vẫn không bị ngập. Thiên hạ đồn rằng, Bà làm phép như Sơn Tinh, nước dâng tới đâu, miếu cao lên tới đấy. Nhờ vậy, có 5 người xứ lạ được cứu sống trong đêm vỡ đê nhờ trôi đến miếu. Có người làng Hàng Xá buôn rượu lậu, nửa đêm qua miếu lên cơn đau bụng, tưởng chết. Có con chim lạ từ trên cây đa thả xuống một trái chín, người đó ăn vào, hết đau ngay.

Miếu thiêng chỉ giúp người, không hại người bao giờ. Kẻ quậy phá, báng bổ miếu cũng chỉ bị phạt nhẹ như bong gân, nổi hạch, đau mắt, sốt cảm sơ sài vài ba ngày là khỏi. Người ta còn đồn rằng, Bà nuôi một đôi rắn hai đầu, một đỏ một trắng. Đôi rắn ấy không cắn ai, chỉ để dọa cho sợ. Có lần, một người đi câu ếch, vô ý đái bậy ở miếu. Đái chưa xong, thấy cặp rắn hai đầu đỏ rực, trắng toát, lừ lừ từ dưới đất chui lên. Người đó hãi quá, tắt đái, té xỉu. Tỉnh dậy, không thấy gì, vẫn lành lặn, khỏe mạnh như trước…

Những chuyện trên dầu sao cũng là lời đồn đại thêm mắm thêm muối cho vui tai. Nhưng có một chuyện “mục kích sở thị” nhãn tiền, ai cũng biết. Ấy là chuyện quả Moóc-chê (đại bác) của giặc Pháp trong trận càn lớn hồi năm 1952. Hôm ấy, bộ đội và du kích làng Chát đánh nhau to với một tiểu đoàn quân lê dương của Pháp. Giặc bắn đại bác, máy bay thả bom. Cả một vùng khói lửa mịt mù. Đội du kích làng Chát phải rút khỏi làng, trụ lại miếu Bà. Giờ ngọ hôm ấy, giặc câu Moóc-chê đuổi theo. Đạn pháo chỉ nổ quanh miếu. Chỉ có một quả duy nhất rơi giữa sân miếu thì bị lép, không nổ. Nhóm du kích ở đó bình an vô sự…

Ông Xưa, người cán bộ cách mạng đầu tiên của làng lúc ấy là xã đội trưởng, cùng ở trong nhóm du kích ấy phải thốt lên: “Không lẽ có Bà thật!”.

Sau này, cho dù có rất nhiều cán bộ giải thích cho mọi người rằng: “Chuyện pháo lép, bom tịt ngòi vẫn thường xảy ra ở chiến trường”, nhưng dân làng Chát vẫn tin là có Bà. Niềm tin bén rễ lâu đời, truyền nối đời này sang đời khác, lại được vun trồng, nên bền chặt như kim cương, khó có thể chỉ vì dăm ba lời giải thích mà tan biến được. Trải qua bao nhiêu năm, cho đến ngày nay, miếu Bà vẫn có người canh giữ, chăm lo nhang khói ngày rằm, ngày lễ, tết.

Người trông nom miếu Bà hiện tại là ông Nay, con ông Xưa. Ông Nay bảo: “Bà thường nhắc tôi, thờ phụng người cốt ở tấm lòng, không cần câu nệ, cúng kiếng. Không được nhận tiền hương khói, không được làm khó dễ khách thập phương. Miếu cần sạch sẽ, thanh tao, niềm nở đón người như đón ngày mùa trúng vụ. Thế là đủ!”.

Ông Nay hiền lành, không biết nói dối, tỉ mẩn luôn tay luôn chân, ai cũng khen là tử tế. Vậy nên, lời ông Nay là một minh chứng cho vấn đề “Tổ làng Chát là một người đàn bà”.

Còn về cái tên làng Chát, người ta cũng tranh cãi nhiều đời, chưa ngã ngũ. Có người bảo, do ngày xưa đất chưa được thuần, còn mặn, còn chát nên các cụ đặt tên làng Chát. Lại có người cho rằng bởi làng Chát có món ăn độc đáo “thịt ba ba nấu với chuối chát” nên gọi là làng Chát. Song, đại đa số người dân đều cho rằng, Chát là tên bà cụ tổ lập ra làng. Thời phong kiến mấy trăm năm trước, do trọng nam khinh nữ, người ta đã đổi tên làng bà Chát thành làng Chát. Xem ra, giả thuyết này có cơ sở…

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất