, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 24/03/2021, 14:28

Truyền tích món ăn Việt

THIÊN THANH

Bánh gai

Nhắc đến Ninh Giang là nhắc đến bánh gai. Nhiều giai thoại về sự ra đời của loại bánh dân gian này gắn liền với lá gai - loại lá có thể nấu với nếp thành bánh. Ông tổ của nghề bánh gai là Yết Kiêu, người làng Hạ Bì (huyện Gia Lộc), là tướng thủy nổi tiếng của triều Trần. Trong thời kỳ cầm quân đánh giặc, đội quân của ông đóng cạnh bờ sông và phát hiện ra lá cây ăn được. Khi đánh thắng giặc, ông mang về dùng, hướng dẫn người dân lấy gạo nếp và lá này ninh nhừ làm bánh ăn vừa dẻo và vừa thơm.

 

Ngoài ra, ở Cao Bằng cũng truyền nhau truyền tích về bánh gai vào thời Lý Thái Tông. Giặc Tống sang xâm lược nước ta, thủ lĩnh Cao Bằng là Nùng Trí Cao đã chỉ huy quân dân vùng biên giới đánh giặc. Đồng bào đã làm bánh gai cho quân mang theo khi ra trận. Bánh được xâu thành từng cặp để đeo bên người cho tiện, nên người Tày, Nùng gọi là pẻng tải, có nghĩa là bánh đeo.

Canh Xiêm lo

 

Người Nam bộ vẫn hay kể về truyền tích của món canh xiêm lo gắn với thời vua Quang Trung đánh đuổi giặc Xiêm. Do chinh chiến nhiều ngày nên phần lương thực mang theo chủ yếu là cơm gói trong mo cau và bẹ chuối bị nắng gió làm dậy men, lên bã chua. Sợ thiếu quân lương nên binh lính đem những phần mo cơm này nấu lại, không ngờ nấu xong cơm rã thành nước, mếm thử có vị chua thanh. Sẵn có chuối chát rừng của vùng và khô cá mang theo, họ cho vào nấu thành canh để binh lính ăn cho đỡ dạ, cứu đói. Sau đó, quân dân mới kháo nhau rằng: “Có món ăn này quân ta ăn ngon, no dạ, giặc Xiêm phải lo, chớ ta đâu còn lo!”.

Chè kho

 

Ở làng Tứ Yên (huyện Sông Lô) có đầm Miệng (hồ Điển Triệt).Vào thế kỷ thứ VI, Lý Bí đắp thành chống giặc Lương ở đây. Nhân dân vẫn thường tiếp tế lương khô cho quân lính, trong đó có món chè kho. Sau này, nhân dân dựng miếu thờ Lý Nam Đế và hằng năm làm lễ tưởng nhớ thì món chè kho luôn là món chính. Chè kho nấu bằng đỗ xanh, gạo nếp, mật và pha nước gừng. Chè chín đặc như xôi vò được đổ vào khay to. Khi nguội sẽ được cắt thành từng miếng bày cúng và chia phần cho dân làng.

Bánh phu thê

 

Tục truyền nguồn gốc của loại bánh đặc biệt này liên quan đến giai thoại của vua Lý Anh Tông và vợ. Khi nhà vua xuất chinh, hoàng hậu ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay làm bánh gửi cho chồng. Vua ăn thấy ngon và nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên bánh là bánh phu thê. Cũng vì vậy mà sau này bánh phu thê luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của tình vợ chồng.

Cá cơm

 

Cá cơm bé nhỏ như đầu đũa ăn, thịt ngon, mềm như hạt cơm gắn liền với truyền tích của Nguyễn Ánh. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, bị quân Tây Sơn đuổi tận bờ biển. Trong hoàn cảnh khó khăn, binh lính đói khát, tinh thần suy sụp, Nguyễn Ánh cắm kiếm xuống đá ven đường và khấn trời để có nước ngọt và lương thực. Lời khấn ứng nghiệm, nước tràn ra từ mũi kiếm và đàn cá nhỏ như những hạt cơm dày đặc trên mặt nước. Thế là quân có nước ngọt và cả lương thực cứu đói. Loài cá nhỏ đó bây giờ được gọi là cá cơm.

Bánh cuốn Tây Sơn

 

Thời Tây Sơn, trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc, vua Quang Trung đã dùng chiến thuật đi liên tục không ngừng nên bánh tráng trở thành món ăn chính. Vì không phải tốn thời gian dừng lại và nấu nướng, chỉ cần lấy bánh nhúng nước là có thể ăn thay cơm. Về sau ở vùng Tây Sơn (Bình Định), người dân dần quen với cách ăn như vậy. Khi không kịp thổi cơm thì bánh tráng được dùng để thay thế, dần trở thành nét sinh hoạt của người dân vùng này. Bánh tráng cuốn cùng nhiều loại thức ăn đã được chế biến như chả ram, thịt, trứng vịt luộc, rau thơm…

Canh trái bần Nam bộ

Nguyên liệu nấu món canh chua trái bần.
Nguyên liệu nấu món canh chua trái bần.

Cây bần gắn liền với giai thoại liên quan đến vua Gia Long trong những ngày gian khó. Khi lưu lạc trên vùng đất Nam bộ, sống nương nhờ vào sự giúp đỡ của dân địa phương, trong một lần đói, người dân đã làm món canh chua trái bần cho Nguyễn Ánh dùng. Chính món canh này đã cứu được ông. Về sau khi trở lại cung đình, nhớ lại món canh đã cứu mình ngày trước, Gia Long hỏi tên thì người dân ngại không dám trả lời là “bần”, vua thấy thế nên đặt lại tên cho loài cây này là Thủy Liễu vì mọc dưới nước, lá nhỏ rủ xuống như lá liễu.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất