, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 11/11/2022, 06:30

TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Với Cần Giờ, TP.HCM nên phát triển theo hướng đúng nghĩa sinh thái”

CỐC VŨ ghi
Hơn 200 ngôi mộ thời đại tiền - sơ sử vừa được khai quật tại Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) một lần nữa cho thấy sức nặng trầm tích về văn hóa của vùng đất này. Nếu có những điều chỉnh nào đó về phía Nam thành phố (TP), đừng quên Cần Giờ là một mắt xích, không phải vị trí bên lề của công cuộc kiến tạo ấy.
Đảo Thạnh An. Ảnh: Sơn Vinh.

Sáu lưu ý cho khu Nam

Thời gian gần đây, thay vì nâng cấp lên quận (chỉ có huyện Nhà Bè), thì việc nhiều huyện của TP.HCM (Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) “đua” nhau đề xuất nâng cấp phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM, tương tự như TP. Thủ Đức, là điều cần thận trọng cân nhắc lại.

Trong khi mô hình “thành phố trong thành phố” của TP. Thủ Đức vẫn đang còn đang thử nghiệm với nhiều ngổn ngang, thì TP.HCM không nên nóng vội nhân rộng mô hình này theo hướng phát triển dàn trải. Bởi lẽ, hiện nay ngân sách để xây dựng hạ tầng cần thiết cho phát triển TP. Thủ Đức còn eo hẹp, giờ “nóng vội” mở rộng thêm khu vực phía Nam, sẽ không biết lấy ngân sách ở đâu để làm hạ tầng?

Riêng việc định hướng cho phát triển tương lai khu vực phía Nam của TP.HCM, có sáu vấn đề cần lưu ý: 

Trước hết, Nam Sài Gòn là khu đô thị đầu tiên được xây dựng theo mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư do tư nhân và nước ngoài vận hành. Sự hợp tác mang tính tầm nhìn này là sự kế tục mang tính lịch sử từ năm 1992. TP nên kế tục định hướng theo hướng kết nối khu Nam Sài Gòn với khu vực trung tâm của TP.HCM.

Thứ hai, cần làm rõ định hướng phát triển về phía biển theo mô hình kinh tế biển nào? Tôi cho rằng không nên phát triển kinh tế biển theo hướng đô thị hóa mật độ cao cho Cần Giờ, mà thay vào đó, phát triển hai chuỗi kinh tế biển theo hình cánh cung. Cánh cung thứ nhất, theo hướng Nam Sài Gòn - Nhà Bè - Hiệp Phước - Long An về phía biển. Cánh cung còn lại, từ Bình Dương - Đồng Nai - TP.HCM - nối ra Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Thứ ba, khi các hợp đồng cho thuê dự án công nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận sẽ đồng loạt hết hạn vào năm 2041, thì TP nên vạch ra quy hoạch chỉnh trang lại khu Chế Xuất Tân Thuận, theo hướng bổ sung những chức năng mà TP đang thiếu. Chẳng hạn như không gian xanh, không gian công trình và dịch vụ công cộng.

Thứ tư, việc chỉnh trang, mở rộng, phát triển đô thị nên đi cùng với mục tiêu bền vững. TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long nằm trong 10 khu vực trên thế giới được xem là có nguy cơ thiệt hại cao nhất trước nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do lượng dân tập trung ở vùng thấp quá cao. Trong bối cảnh đó, phải quy hoạch các giải pháp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. TP nên phát triển đô thị đa trung tâm với nội thành và các khu đô thị vệ tinh. So với TP. Thủ Đức, thì tiềm lực lẫn tiềm năng của Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi quá cách biệt nếu đứng riêng lẻ. Những địa phương này cần hợp lực lại với nhau để thành lập thành phố vệ tinh có thực lực tương đương TP. Thủ Đức, thay vì mỗi huyện tham vọng được nâng cấp lên TP như hiện nay. 

Thứ năm, trong quá trình quy hoạch chỉnh trang và phát triển mở rộng đô thị, chúng ta luôn cần phải đi kèm với các giải pháp giúp người dân an cư lạc nghiệp, với tiện ích cộng đồng, việc làm tương xứng với nhu cầu và mức sống của người dân.

Cuối cùng, nếu muốn biến phía Nam Sài Gòn thành cụm đô thị vệ tinh đối trọng TP. Thủ Đức thì phải có chiến lược vận động thu hút nguồn tiền để làm, đồng thời thu hút các chính sách đầu tư để có nguồn kinh tế xây dựng khu vực thật hiện đại, văn minh như các đô thị lớn của thế giới.

Đảo Thiềng Liềng. Ảnh: Sơn Vinh.

Một định hướng xuyên suốt cho Cần Giờ

Mở rộng và phát triển TP đến đâu, nói cho cùng, cũng không ngoài mục đích TP giàu mạnh, phát triển bền vững, đời sống nhân dân được chăm lo đầy đủ. Trong câu chuyện điều chỉnh quy hoạch để mở rộng khu Nam TP, ta phải thấu suốt câu chuyện Cần Giờ trước hết phải luôn là lá phổi xanh cho TP nói riêng, và cho chuỗi các đô thị xung quanh cửa biển Cần Giờ - Gành Rái nói chung. Bản sắc văn hóa của vùng đã được nhiều chuyên gia văn hóa đề cập; hơn 200 ngôi mộ thời đại tiền - sơ sử vừa được khai quật tại Giồng Cá Vồ chỉ là một điểm nhấn mới nhất, khẳng định lại giá trị của nó. 

Không nên đô thị hóa mật độ cao cho khu vực Cần Giờ. Chất lượng của bãi biển Cần Giờ kém do vị trí cửa biển giao nhau nên toàn bùn đất lẫn phù sa. Chưa kể, nước biển đục do phù sa và ô nhiễm do hoạt động tàu biển và sa lan mật độ cao. Do đó, không phù hợp cho phát triển du lịch biển cao cấp. Xây một cảng nước sâu ở đây cũng không phù hợp (trừ phi ủng hộ cho việc phá hủy giá trị sinh thái của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ để làm kinh tế). 

Với Cần Giờ, phát triển kinh tế biển cũng không nhất thiết phải đô thị hoá Cần Giờ mật độ cao, thay vào đó là kết nối vùng, hợp tác với Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An để mở rộng tiềm năng. 

TP.HCM là nơi phát triển kinh tế năng động, nhưng không có nghĩa vùng đất nào cũng phải tận dụng tối đa diện tích làm kinh tế và dự án địa ốc. TP.HCM nên đưa ra chủ trương phát triển Cần Giờ theo hướng một đô thị sinh thái tiến biển hiện đại. 

Cần làm rõ trong định hướng chiến lược “Điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2070”, là với Cần Giờ, TP.HCM có muốn làm sinh thái đúng nghĩa không? Phát triển Sinh thái đúng nghĩa, có nghĩa là, mọi hình thái chỉnh trang và phát triển đều phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc bảo tồn giá trị di sản thiên nhiên và chất lượng môi trường sinh thái.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất