, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 18/01/2023, 10:57

Từ "bà con" trong tiếng Việt mình hay lắm

Bài: THANH NHÃ; Tranh: HOÀNG TƯỜNG
Khoảng 9 giờ sáng, ông Lê Minh Hoan mới lên chuyến bay từ Hà Nội vào công tác ở TP.HCM. Đến đầu giờ chiều, tôi đã thấy trên bàn của ông có nhiều chồng sách mới tinh. Cả trăm cuốn sách này ông mua để tặng cho doanh nghiệp, nông dân và những người khác, vì ai cũng cần đọc sách. Ông tặng tôi 4 cuốn sách và nói thêm: “Nếu muốn đọc thêm cuốn nào thì cứ lấy!”.

Cảm ơn ông vì đã mua thật nhiều sách tặng cho mọi người. Hình như ông còn có những bài viết khuyến khích người người đọc sách…

Mỗi cuốn sách là sự đúc kết kinh nghiệm của cả một cuộc đời. Thế nên, không có cách học nào dễ hơn là đọc sách. Sách đã không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng, mà còn giúp chúng ta sống tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, hợp tác với nhau bền chặt hơn. Đọc sách cũng giúp chúng ta có nhận thức khác đi, trở nên minh mẫn và trí tuệ, định hướng tương lai tốt hơn.

Tôi muốn mọi người đọc sách nhiều hơn để biết những thay đổi của thế giới đang diễn ra từng phút, từng giây. “Ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để đi xa, bay cao, hay chúng ta chững lại, chấp nhận để ngọn gió xô đẩy?”, đây là một câu tôi từng viết và nay nhiều người đã quen với nó. Công nghệ thay đổi, tư duy con người thay đổi, cách tiếp cận xã hội cũng thay đổi. Mình cứ ngồi so đo tính toán thiệt hơn thì người ta đã vượt qua mình và đi xa lắm rồi. Thế giới này rộng lớn vô cùng. Dân số thế giới đã vượt qua mốc 8 tỷ người rồi. Bạn đã biết được bao nhiêu về thế giới này? “Những điều tôi biết chỉ là hạt cát, những gì tôi chưa biết là cả đại dương bao la”. Muốn biết được đại dương bao la thì phải chịu khó đọc sách. Thật tiếc là giới doanh nhân hiện nay ít người đọc sách.

Doanh nhân “than thở” là việc kinh doanh bận rộn và nhiều áp lực quá, họ không còn thời gian và tâm trạng để đọc sách nữa. Có lẽ trong giai đoạn nền kinh tế thuận lợi hơn thì doanh nhân có thời gian đọc sách nhiều hơn, ông có nghĩ vậy không?

Đọc sách là thói quen chứ không nên đọc theo tâm trạng. Mỗi ngày nên dành một chút thời gian để đọc sách, lâu thì thành thói quen. Từ đó chúng ta mới thích đọc sách, chơi sách và vùi mình trong sách. Người thất bại, tiêu cực thì càng nên đọc sách. Những trang sách giúp con người biết cách chế ngự những cảm xúc tiêu cực, hướng sự lạc quan, tin tưởng, lòng khoan dung, nhẫn nại…

Người kinh doanh nên đọc sách để thấy cách làm ăn của giới doanh nhân nước ngoài. Những doanh nghiệp bền vững thường đi lên bằng văn hóa, chứ không phụ thuộc vào sự may rủi trong một vài thương vụ mua bán bất động sản. Doanh nghiệp không nên chỉ chăm chăm tạo ra lợi nhuận, mà cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chia sẻ với người lao động, đóng góp cho cộng đồng và đất nước, thì tiền sẽ đến một cách tự nhiên.

Bản thân doanh nhân không chỉ học làm giàu, mà nên học làm người trước. Đây là bài học từ tỷ phú Lý Gia Thành mà cả thế giới đều phải học theo. Chuyện kể rằng, nhiều người hỏi Lý Trạch Giai (con trai của Lý Gia Thành) rằng: “Ông kinh doanh thành công như vậy chắc là nhờ cha ông đã dạy cho ông nhiều bí quyết kinh doanh?”. Lý Trạch Giai trả lời: “Ba tôi không dạy tôi bí quyết kinh doanh, ông chỉ dạy tôi làm người. Ba tôi dạy trong bất cứ thương vụ nào, trong 10 phần thu được, lẽ ra con được 7 phần thì mình chỉ nên lấy 6 phần thôi, dành lại một phần cho đối tác. Cách làm ăn như vậy con sẽ bị thiệt 1 phần trước mắt, nhưng về lâu dài thì con sẽ làm ăn với cả trăm người”. Như vậy, người kinh doanh có cái tâm trong sáng, biết nghĩ cho đối tác thì chắc chắn sẽ không bị thiệt. Đó là bài học làm người rất chân thật mà chúng ta sẽ học được từ sách.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE cũng có đề cập đến trong cuốn sách Đúng Việc là: Làm cho ra người, làm cho ra việc rồi mới làm cho ra tiền. Học làm người để có thái độ tích cực trong mọi công việc đang làm, không cau có, xét nét từng chút. Học làm người biết dấn thân, đầy tinh thần trách nhiệm, thấm đẫm đạo đức nghề nghiệp. Học làm người để có khả năng phân tích, tổng hợp để tìm ra quy luật vận hành trong một lĩnh vực nghề nghiệp nào đó, để rồi vận dụng sáng tạo, khéo léo, linh hoạt, phù hợp vào những công việc mới, lĩnh vực mới.

Học hỏi là sự nghiệp cả đời. Có danh nhân nói rằng: “Người mù chữ trong thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc, không biết viết, mà là người không biết học hỏi, từ chối học hỏi và từ chối học lại”. Đọc sách cũng là một cách học hỏi, một cách học lại. Và ai cũng cần phải học hỏi liên tục, cả doanh nhân lẫn nông dân.

Nông dân cũng cần đi học, vậy nên ông đã rất tâm huyết với chương trình “tri thức hóa nông dân”. Nhưng nông dân “than thở” rằng họ chưa đủ khổ hay sao mà còn bắt đi học. Làm nông đơn giản là “lời ăn lỗ chịu”, đâu cần phải học nhiều. Ông nghĩ sao về điều này?

Làm nông không đơn giản chỉ là “lời ăn lỗ chịu” mà nó tác động đến nhiều đối tượng khác. Khi nông dân thiếu hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm thì nông sản làm ra sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Khi nông dân không biết quy trình canh tác chuẩn thì sẽ làm hại môi trường tự nhiên, làm suy thoái đất, mất đi đa dạng sinh học… Hơn nữa, thị trường ngày càng mở rộng, không chỉ buôn bán trong nước mà còn bán ra nước ngoài. Mỗi thị trường lại đòi hỏi những tiêu chuẩn, chất lượng khác nhau. Vậy thì người nông dân đâu thể mãi quanh quẩn với cách nghĩ cũ, làm cũ. Nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm thì sẽ bị đào thải.

Mà tri thức hóa không phải là nông dân đến trường đại học để học những lý thuyết hàn lâm. Ngày trước tôi thường cắt những mẩu chuyện trên báo, chiếu từng đoạn phim để nông dân học. Từ đó, người trồng lúa sẽ học thêm cách trồng lúa của người Nhật. Người trồng xoài thì gật gù trước cách trồng xoài ở Thái Lan… Tôi nói cho nông dân nghe cách xây dựng thương hiệu thì phải làm sao cho “cái hiệu được thương”, nghĩa là mình phải là người nông dân tử tế, canh tác sao cho ra thương phẩm chứ không chỉ ra sản phẩm. Vì sản phẩm là cái mình làm ra, còn thương phẩm mới là cái thị trường cần.

Tri thức hóa nông dân chỉ đơn giản như vậy thôi. Những câu chuyện hay, những thông điệp dễ hiểu sẽ giúp mọi người kết nối với nhau. Nông dân cố gắng học hỏi để không bị bỏ lại. Mà học thì không chỉ ở giảng đường. Bà con có thể học mọi lúc, mọi nơi, trong các không gian cộng đồng, nhà văn hóa ấp, thôn, bản, ở nơi đầu bờ hay dưới tán vườn đều có thể là nơi thực hiện tri thức hóa được.

Giúp nhà nông học tập mọi lúc mọi nơi có phải là mục tiêu của “Hội quán nông dân Đất Sen hồng” nổi tiếng ở Đồng Tháp và được nhiều nơi học hỏi, vận dụng không?

Mọi người thường xem hội quán như một câu lạc bộ khuyến nông. Thật ra hội quán lập ra không phải để hỗ trợ nông dân, mà nó là của nông dân. Người nông dân khi sống và làm nông theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” thì hay ganh tị, ích kỷ, hẹp hòi. Khi bà con có điều kiện ngồi chung bàn, thì mới có thể tâm tình, bàn bạc chuyện xóm chuyện làng, chuyện sản xuất, kinh doanh. Sau khi “hạp” nhau rồi mới tính đến chuyện “hùn” vốn, hùn đất làm ăn, chung vai sát cánh, hợp tác cùng có lợi.

Nông thôn vốn là nơi mang nét đẹp của văn hóa làng xã. Từ Bắc vào Nam, mỗi nơi có không gian sống khác nhau, làng xã khác nhau nhưng cứ nhắc đến nông thôn là nhớ đến cây đa, bến nước, con đò, nhớ đến tình làng nghĩa xóm chan hòa, ấm áp. “Về đây người quê chỉ có tấm lòng”, câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến đã nói về cái tình của người ở quê như thế. Chính tình làng nghĩa xóm rộng mở là yếu tố đã gắn kết con người với nhau, giúp nhau đi qua thiên tai dịch họa, đánh bại kẻ thù xâm lăng. Nhưng nay thì văn hóa làng xã đẹp đẽ ấy đã mai một đi nhiều, tấm lòng người quê đã đôi lần khép cửa vì những lợi ích cục bộ, thiên kiến và định kiến. Mà một khi đã “khép cửa” thì con người khó kết nối với nhau, khó lòng mở rộng mối quan hệ hợp tác làm ăn. Vậy nên rất cần những mô hình hội quán để kết nối người dân quê với nhau. Từ hợp tác trong cuộc sống thành hợp tác trong sản xuất. “Hợp quần nên sức mạnh”, câu nói của người xưa đã chứng minh qua bao đời nay rồi.

Xây dựng văn hóa làng xã ở vùng nông thôn là mục tiêu ý nghĩa. Nhưng sẽ thiếu sót khi không quan tâm đến sinh kế ở nông thôn. Thực tế đáng buồn là nông thôn nay toàn người già và trẻ em, vì đông đảo người trẻ đã bỏ quê ra phố kiếm sống. Thống kê của Sở Lao động và Thương binh Xã hội cho thấy sau đại dịch, có đến 90% là lao động trẻ ở nông thôn đã ly hương. Đây có phải là bi kịch ở nông thôn không?

Cũng không đến nỗi bi kịch như thế. Đô thị hóa đi liền với sự chuyển dịch lao động từ nông thôn lên thành thị là xu hướng tất yếu của một đất nước đang phát triển. Thành phố là nơi có nhiều cơ hội việc làm, mức thu nhập cao thì thu hút người trẻ là đúng thôi. Nếu ngăn người trẻ đổ về thành phố không lẽ đưa người già lên phố làm dịch vụ, sử dụng công nghệ cao hay sao? Tất nhiên người trẻ ly hương sẽ để lại những hệ lụy, nhưng thay vì than vãn và nhìn mọi thứ một cách tiêu cực, thì hãy nghĩ khác đi và tìm các giải pháp phù hợp.

Người già ở lại quê làm nông cũng tốt chứ sao. Làm nông thời nay đã có máy móc, công nghệ hỗ trợ, đâu còn chân lấm tay bùn, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời nữa”. Người già làm nông tốt hơn người trẻ ở tính cẩn thận và có nhiều kinh nghiệm, ngửi đất nhìn mây là đoán được thời tiết. Vậy phải làm cách nào để giúp người già làm nông giỏi hơn?

Với những người còn ở lại nông thôn, chúng ta cần “tri thức hóa” kỹ thuật làm nông để họ canh tác đúng và tạo thương phẩm tiêu chuẩn cao cho thị trường. “Tri thức hóa” kỹ năng bán hàng và xây dựng thương hiệu cho nông dân để họ giảm bán nông sản thô, tăng lượng nông sản chế biến. Từ đó, người ở lại sẽ không chỉ sống bằng việc sản xuất nông sản mà còn tham gia vào chuỗi giá trị nho nhỏ ở vùng nông thôn. Người ta sẽ thấy rằng, có những cách làm nông rất khác, không quá vất vả mà tạo thu nhập tốt hơn. Khi đời sống nông thôn tươi đẹp hơn, thu nhập tốt hơn thì sẽ thu hút người trẻ trở về góp sức cùng phát triển quê hương. Đơn giản vậy thôi!

Chị Nguyễn Ngọc Hương (TP.HCM) - một người trẻ khởi nghệp với sản phẩm làm từ rau má.

Có thể thấy ông là một nhà lãnh đạo có tư duy tích cực cũng như cái nhìn đa chiều về mọi sự việc, mọi vấn đề. Ông học điều này từ sách vở hay các khóa về kỹ năng lãnh đạo?

Người đầu tiên dạy tôi về tư duy đa chiều là các giảng viên ở Đại học Kiến trúc. Nói về kiến trúc là nói về không gian 3 chiều, thậm chí còn có cả chiều thứ 4, là chiều thời gian, chiều văn hóa, chiều cảm xúc. Học thiết kế kiến trúc thực chất không phải học về công trình, mà học về con người ở trong đó. Ví dụ như thiết kế một cái bệnh viện thì phải quan tâm đến nhiều đối tượng khác nhau như bác sĩ, bệnh nhân và cả thân nhân của họ. Tâm lý, nhu cầu và mong muốn của mỗi đối tượng là khác nhau, thậm chí mong muốn của người này xung đột với người kia. Làm cách nào để dung hòa nhu cầu của đa dạng các đối tượng thì mới tạo ra một công trình tốt.

Nông nghiệp cũng tương tự như vậy. Mong muốn của nhà quản lý đôi khi khác với mong muốn của doanh nghiệp và cũng không giống mong muốn của nông dân. Cảm xúc của các phía cũng khác nhau. “Tại sao người ta mong muốn như vậy?”, “Cảm xúc của người ta sẽ ra sao khi tạo ra sự thay đổi này?”. Những câu hỏi này nếu không được đặt ra và trả lời cho thấu đáo thì mọi chính sách ban ra chỉ là áp đặt là chủ yếu chứ khó mà thu phục lòng người.

Vậy cách thu phục lòng người ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp so với người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của một quốc gia có gì khác nhau không?

Ngày xưa, khi tôi hỏi về giáo trình dạy kỹ năng lãnh đạo, cán bộ của Trường chính trị đưa cho tôi bộ giáo trình bao gồm nhiều giáo trình khác nhau dạy về: kỹ năng lãnh đạo của chủ tịch xã, của phó chủ tịch xã, bí thư xã… Tôi nói rằng kỹ năng lãnh đạo thì ở cương vị nào, dù là chủ tịch hay bí thư hoặc bộ trưởng cũng như nhau cả, chỉ khác nhau ở chức năng, nhiệm vụ mà thôi. Làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp hay làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đều là nhà lãnh đạo, đều xem người dân là bà con của mình.

Từ “bà con” trong tiếng Việt mình hay lắm. “Bà con” có thể là người có quan hệ họ hàng, cũng có thể là người thân thiết, gần gũi xung quanh. Đã là bà con thì lãnh đạo có thể chia sẻ mọi chuyện trên đời, từ chuyện làm ăn sinh kế, chuyện mùa màng, chuyện học hành của con em, chuyện ốm đau bệnh tật của người già và còn biết bao chuyện đời khác nữa. Rồi người lãnh đạo có thể giúp bà con hóa giải những hiềm khích trong xóm làng, giúp mọi người hòa thuận, hợp tác với nhau. Lãnh đạo đến với bà con thì không cần cờ hoa, trống kèn, chỉ cần thân tình bên nhau uống chén trà, hầu câu chuyện. Rồi lắng nghe tâm tư tình cảm của bà con để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và nghĩ đến những việc cần làm cho bà con của mình…

Nhưng có lẽ những quyết định ban hành ở quy mô một tỉnh không hoàn toàn giống quyết định ban hành ở quy mô quốc gia?

Nếu xét về quyết định thay đổi thì cũng có chút khác biệt. Chúng ta đều biết rằng, mọi sự thay đổi đều có thể xảy ra rủi ro. Ở cấp địa phương, một quyết định dễ được đồng thuận và rủi ro nếu có cũng dễ sửa chữa. Còn ở cấp quốc gia, mọi quyết định thay đổi đều vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nếu có rủi ro cũng gây ra hậu quả lớn khó lòng sửa chữa.

Tuy nhiên, trong thế giới chuyển động, tiến bộ không ngừng, chấp nhận đứng yên có nghĩa là chuẩn bị cho thất bại. Vậy nên, dù làm lãnh đạo ở quy mô tỉnh hay quy mô quốc gia, tôi cũng không vì sợ ý kiến trái chiều và sợ rủi ro mà không thay đổi. Thậm chí, có những thay đổi mà kết quả của nó phải nhiều năm sau mới thấy được, tôi cũng không từ nan. Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ tái cơ cấu để tích hợp các giá trị, chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang phương pháp tích hợp đa ngành, đa giá trị, phải coi ngành nông nghiệp là ngành kinh tế gắn chặt các yếu tố văn hóa, xã hội và xu thế phát triển bền vững cũng như tư duy toàn cầu. Kinh tế nông nghiệp bao hàm cả nền kinh tế tri thức và kinh tế tương lai.

Chúng ta không ảo tưởng rằng một mình mình sẽ thay đổi thế giới, nhưng cũng không để mặc cho ai muốn thay đổi thì làm. Mỗi chúng ta ai cũng nên cố gắng trong khả năng của mình để giải quyết câu chuyện chung của tập thể, của ngành nông nghiệp, từ nhà lãnh đạo, doanh nghiệp đến người nông dân. “Thà đốt lên một que diêm, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối!”, phải không?

Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.

Những sản phẩm hữu cơ như cà phê, hồ tiêu, bột nghệ, mật ong, chuối rừng… của HTX được đông đảo khách hàng ưa chuộng.

Nổi bật

Yên Thành là huyện có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh Nghệ An. Trong những năm gần đây, huyện đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để áp dụng nhiều mô hình trồng lúa mới đem lại hiệu quả và cho năng suất cao, trong đó mô hình giống lúa KR1 được gieo cấy tại địa bàn xã Liên Thành là một điển hình.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất